.

Nhiều điểm mới từ Nghị quyết gỡ vướng cho ngành y

Cập nhật: 20:25, 05/03/2023 (GMT+7)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thành viên soạn thảo Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, cho biết Nghị quyết có nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay trong vấn đề này.

a
Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành được các bệnh viện đánh giá đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Vui mừng đón nhận Nghị quyết của Chính phủ

Ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết Nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trước hết, Nghị quyết giải quyết được việc mua sắm hóa chất của máy đặt, máy mượn được BHYT thanh toán.

Thứ 2, liên quan đến máy tặng, cho (từ các tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài), trước đây chúng ta không có cơ chế để sử dụng được; những máy hết hạn liên doanh, liên kết thì tiếp tục được sử dụng, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhưng BHYT vẫn thanh toán. Việc này khắc phục cơ bản việc thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Thứ 3, liên quan đến xác định giá để thực hiện kế hoạch mua sắm, trước đây quy định yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng theo Nghị quyết mới, chỉ cần đưa lên trang thông tin điện tử của đơn vị, nếu như có 1-2 nhà thầu, các bệnh viện vẫn có thể xác định giá mua được.

Trường hợp có nhiều chủng loại khác nhau thì giao Hội đồng Khoa học xác định chất lượng phù hợp, chứ không phải chọn những loại có giá thấp.

"Chúng tôi rất mừng vì Nghị quyết của Chính phủ đã giải quyết cơ bản việc thiếu trang thiết bị y tế hiện nay tại bệnh viện. Thời gian tới, khi những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, chúng ta cũng đã có thời gian triển khai theo Nghị quyết này, khi đó hy vọng các quy định sẽ càng sát thực tế hơn", ông Trần Bình Giang cho biết.

Cùng quan điểm, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết Nghị quyết đã giải quyết quyết liệt và cơ bản những khó khăn về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trong tình trạng cấp bách hiện nay.

"Chúng tôi rất vui khi đón nhận Nghị quyết này của Chính phủ do Nghị quyết sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cấp bách để các bệnh viện có thuốc, vật tư, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ người bệnh".

Về lâu dài, Nghị quyết 30/NQ-CP giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định về những vấn đề này. Các cơ sở khám chữa bệnh đặt rất nhiều kỳ vọng vào các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành.

a
Về lâu dài, căn cơ của Nghị quyết 30/NQ-CP là giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Nghị quyết có những điểm mới nào?

Theo ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thành viên soạn thảo Nghị quyết 30/NQ-CP, Nghị quyết đã sửa đổi Khoản 4 của Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ, cho phép tiếp tục thanh toán chi phí phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Trước đó, tại Nghị quyết 144, có quy định cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 5/11/2022. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày 5/11/2022 hoặc không quá 12 tháng, tức là không quá ngày 5/11/2023.

Tại Nghị quyết 30/NQ-CP, có quy định với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 sẽ tiếp tục thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Còn với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 được tiếp tục thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này (không còn thời hạn đến 5/11/2023), bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

"Quy định này nhằm lấp khoảng thời gian trống về mặt pháp lý trong thực hiện vấn đề này từ sau ngày 5/11/2023 đến khi Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực và có các văn bản hướng dẫn theo quy định’’, ông Nguyễn Tường Sơn cho biết.

Điểm mới thứ 2 của Nghị quyết 30/NQ-CP là cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Hiện nay, có những gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế không thể tìm được 2-3 báo giá vì nhà phân phối độc quyền hoặc không có thẩm định giá.

Nghị quyết 30/NQ-CP đã quy định, chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày.

Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Chủ đầu tư cũng được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng các cơ sở y tế rơi vào chỉ định thầu.

Điểm mới thứ 3, với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng Khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng Khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá.

Trước đây, những sản phẩm này đấu thầu theo giá nên các cơ sở y tế có thể mua được sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng kém. Còn Nghị quyết 30/NQ-CP hướng tới việc trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới xây dựng báo giá để giảm giá gói thầu, đồng thời cũng sẽ loại bỏ trừ được những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Tường Sơn chia sẻ.

Điểm mới thứ 4, Nghị quyết 30/NQ-CP cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán.

Một điểm mới khác của Nghị quyết 30/NQ-CP là sau khi trúng thầu hóa chất theo máy đóng (hóa chất chỉ sử dụng được với máy đó, không sử dụng được với máy khác) thì nhà sản xuất sẽ đưa máy vào cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo hóa chất đó. Nếu cơ sở khám chữa bệnh đã có máy mà trúng thầu hóa chất của máy đó thì được tiếp tục sử dụng, còn nếu không trúng thầu thì đưa máy về.

Trong nhiều năm nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng các máy liên doanh, liên kết, máy xã hội hóa tại bệnh viện đó chiếm rất cao (khoảng 70-80%, thậm chí có bệnh viện sử dụng các loại máy theo hình thức này đến 90%).

Theo chinhphu.vn

.
.
.