.

Phát hiện nhiều thuốc giả nhãn mác

Cập nhật: 08:52, 15/07/2023 (GMT+7)

Ngày 14/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc phát hiện trên thị trường một số thuốc giả.
 

a
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an huyện Cái Bè bắt quả tang đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả tại xã Hòa Khánh. (Ảnh Trọng Tín)

Theo đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất bao gồm các loại thuốc dạng viên nén có tên: Cefuroxim 500mg; Cefodoxim 200mg; Cefixim 200mg; Cefixim 100mg; Esomeprazol 40mg; Fluconazol 150mg mang nhãn mác do Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4-D-22946 Trittau, Germany sản xuất, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Rotex Việt Nam. Qua rà soát, không có Công ty TNHH Rotex Việt Nam có trụ sở tại địa chỉ đăng ký kinh doanh: Ô số 22 LK 07 Khu đô thị Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đứng tên Ðinh Ngọc Cường là đại diện công ty.

Cục Quản lý Dược cũng chưa cấp bất kỳ giấy đăng ký lưu hành thuốc nào cho Công ty TNHH Rotex Việt Nam và chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm thuốc viên nén, viên nang do Công ty Rotexmedica GmbH sản xuất. Do vậy tất cả các thuốc viên nén, viên nang trên nhãn mác Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4-D-22946 Trittau, Germany sản xuất và các thuốc do Công ty TNHH Rotex Việt Nam nhập khẩu, phân phối trên thị trường là thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất.

Ðể bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không kinh doanh, phân phối và sử dụng các thuốc viên nén, viên nang trên nhãn mác Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4-D-22946 Trittau, Germany sản xuất và các thuốc do Công ty TNHH Rotex Việt Nam nhập khẩu, phân phối.

Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, tập trung việc kiểm tra đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên. Tiếp nhận và xác minh thông tin; báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm có thông tin như mô tả nêu trên (các thông tin liên quan đến sản xuất như: số lô, ngày sản xuất, hạn dùng… có thể thay đổi do thuốc giả có thể sản xuất ghi nhãn nhiều lô khác nhau). Khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc nêu trên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm nêu trên ngừng ngay việc phân phối, lưu hành thuốc; thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua thuốc dừng phân phối, sử dụng và trả về cơ sở cung ứng...

Theo nhandan.vn

 

.
.
.