.

Ngành y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng

Cập nhật: 09:19, 01/08/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, ngành y tế đã tích cực nỗ lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; không để “dịch chồng dịch;” và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhân viên y tế khoa sản nhi tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng cấp cứu bệnh nhân. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Nhân viên y tế khoa sản nhi tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng cấp cứu bệnh nhân. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày 31-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Sơ kết Công tác Y tế sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023.

Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân

Sau khi lắng nghe gần 20 ý kiến tham luận, chia sẻ, đề xuất của các đơn vị và các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời gian qua, ngành y tế đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư, Nghị định, Nghị quyết, Đề án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành sau thời gian dài chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao các bệnh viện đã tích cực, nỗ lực trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế… nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Liên quan đến vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã nỗ lực trao đổi với các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF cũng như các đơn vị liên quan trong nước và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình.

Đến nay, doanh nghiệp và WHO, UNICEF đã hỗ trợ 258.000 liều vaccine "năm trong một" về Việt Nam để phục vụ công tác tiêm chủng miễn phí cho trẻ em.

Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng các bộ, ngành chức năng để nhanh chóng tiến hành mua sắm, đặt hàng vaccine tiêm chủng mở rộng.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Y tế tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ tập trung cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng; xây dựng Luật Dược sửa đổi, Luật Thiết bị y tế và các Thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền; không để thiếu thuốc điều trị các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Đồng thời, Bộ tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, bảo đảm chất lượng thuốc, dược liệu, trang thiết bị y tế, quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc, vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị bệnh của người dân.

Bộ tập trung nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán về thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số, Bộ Y tế tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, duy trì dịch vụ công cấp độ 4 trong các lĩnh vực quản lý của Bộ; tiếp tục thực hiện ISO 9001:2015 áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn vào hoạt động quản lý hành chính của các đơn vị thuộc Bộ...

Không để “dịch chồng dịch”

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sáu tháng đầu năm 2023, ngành y tế đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Toàn ngành tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch.”

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Điều trị Bệnh nhân COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Điều trị Bệnh nhân COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Các chính sách đãi ngộ đối với lực lượng y tế, đặc biệt là cán bộ tuyến đầu phòng, chống dịch được chú trọng; hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Y tế chủ động, khẩn trương, kịp thời tổ chức quán triệt, xây dựng và ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình công tác để triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngành đẩy mạnh công tác thể chế, kiện toàn hệ thống tổ chức, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án được phê duyệt và triển khai các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, nhất là khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án còn tồn tại như các dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bộ Y tế đã tích cực triển khai thực hiện 201 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (từ ngày 1-1 - 24-7-2023), trong đó hoàn thành 56 nhiệm vụ; các nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành đang được Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt xử lý và báo cáo theo quy định.

Ngành tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch.”

Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả vai trò Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, Chống dịch COVID-19; đề xuất việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền việc công bố hết dịch COVID-19; rà soát sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến phòng, chống dịch.

Song song với đó, Bộ xây dựng Kế hoạch Kiểm soát, Quản lý Bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 phù hợp tình hình và việc tiêm vaccine phòng COVID-19 hằng năm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia.

Bộ Y tế chủ động triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp để bảo đảm nguồn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng; tiếp tục theo dõi, bám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhất là dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết…); chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám, chữa bệnh

Bộ Y tế đánh giá công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được hồi phục sau hơn ba năm phòng, chống dịch COVID-19; cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên toàn quốc.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%.

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ thường xuyên rà soát, cập nhật và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh, các quy trình kỹ thuật theo thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, Bộ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh (có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh; một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…

Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát và thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng, đẩy mạnh triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên với các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thực hiện công tác tài chính y tế, Bộ rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở thực hiện giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, đảm bảo vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Đồng thời, Bộ rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư tạo hành lang pháp lý cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế./.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nganh-y-te-tiep-tuc-thuc-hien-dong-bo-giai-phap-nang-cao-chat-luong/886462.vnp)

.
.
.