Để bảo đảm hiệu quả cung ứng thuốc cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế thực hiện công tác đấu thầu thuốc quốc gia, đàm phán giá.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương tham gia đấu thầu thuốc, quản lý sử dụng và thanh toán thuốc và kết quả thực hiện tại các tỉnh với hai hình thức: đấu thầu cấp địa phương và cơ sở y tế tự đấu thầu.
Bất hợp lý trong mua sắm, sử dụng thuốc
Báo cáo tổng hợp cho thấy, giai đoạn 2020-2022, tại nhiều địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chuyển đấu thầu tập trung cấp địa phương tất cả các mặt hàng sang chỉ đấu thầu tập trung cấp địa phương 129 mặt hàng (các thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương do Bộ Y tế ban hành). Đối với các thuốc còn lại Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự tổ chức đấu thầu.
Hiện tại toàn quốc có 45 trong số 63 tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương toàn bộ các mặt hàng thuốc; có 18/63 tỉnh chỉ đấu thầu tập trung 129 mặt hàng.
Theo đánh giá, việc cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia vào quá trình đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế đem lại hiệu quả rõ ràng và tích cực trong việc xây dựng danh mục thuốc hợp lý, phân bổ số lượng thuốc hợp lý giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic, giữa các nhóm thuốc generic, hạn chế tình trạng đề xuất nhu cầu cao đối với các thuốc có dạng bào chế, hàm lượng giá cao, không phù hợp yêu cầu điều trị, hướng tới mục tiêu lựa chọn nhà thầu có năng lực cung ứng thuốc chất lượng với giá phù hợp...
Qua đó, đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng ngay từ quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; giá thuốc trúng thầu có kiểm soát tốt, giảm tình trạng cao bất hợp lý giữa các địa phương, giữa các hội đồng đấu thầu thuốc trên cùng địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong công tác đấu thầu thuốc tại địa phương, cũng như bất hợp lý trong lựa chọn, sử dụng thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh vẫn là vấn đề khó khăn, chưa được giải quyết triệt để. Theo đó, mặc dù kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đã được công bố từ tháng 8/2022, tuy nhiên nhiều tỉnh, thành phố đấu thầu tập trung cấp địa phương vẫn đưa vào các mặt hàng cùng hoạt chất, hàm lượng ít cạnh tranh, có giá kế hoạch cao, dẫn đến giá thuốc trúng thầu cao…
Bên cạnh đó, tình trạng đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc tại nhiều cơ sở y tế chưa hợp lý, hiệu quả. Một số cơ sở khám, chữa bệnh mua sắm, cấp phát thuốc có hàm lượng thấp hơn so với nhu cầu sử dụng trong điều trị, gây lãng phí, tốn kém chi phí thuốc.
Dẫn chứng cụ thể cho các trường hợp này, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc nêu thí dụ với việc sử dụng thuốc Cefoxitin: trong khi chi phí thuốc lọ 2 g nhóm 1/nhóm 2 thấp hơn 2 lọ 1 g nhóm 1/nhóm 2.
Cùng là thuốc generic nhóm 4, thuốc Cefoxitin loại 1 g giá 17.850 đồng/lọ, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Đồng Tháp... lại lựa chọn mua sắm, sử dụng thuốc hàm lượng 2 g giá bình quân 87.500 đồng/lọ, hàm lượng 0,5 g giá 29.500 đồng/lọ...
Nhiều tỉnh, thành phố có chi phí vật tư y tế bất hợp lý
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ chi vật tư y tế trên tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao hơn bình quân chung toàn quốc, như: Cần Thơ là 17,25%, Thành phố Hồ Chí Minh là 16,12%, Hà Nội là 15,99%, Thừa Thiên Huế là 15,78%…
Một số địa phương đã chủ động, tích cực đề nghị Sở Y tế và cấp thẩm quyền tại địa phương trong việc bảo đảm vật tư y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: cập nhật, theo dõi thời điểm gần hết hiệu lực của các gói thầu vật tư y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, có nhiều văn bản gửi Sở Y tế đề nghị việc bảo đảm cung ứng vật tư y tế như đẩy nhanh tiến độ đấu thầu tập trung, đấu thầu rộng rãi, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh mua sắm theo các hình thức khác trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung, đấu thầu rộng rãi như Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, ĐắK Nông, Quảng Nam, Bình Dương,…
Đến nay, vẫn còn địa phương chưa chủ động trong việc bảo đảm vật tư y tế cũng như bảo đảm quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2022 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có tình trạng bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ phải tự túc mua quả lọc thận, với 4.523 lượt chạy thận nhân tạo tương ứng hơn 2,5 tỷ đồng do bệnh viện không thực hiện đấu thầu vật tư y tế…; bên cạnh đó là tình trạng giá thanh toán đối với một số loại vật tư y tế có dải giá rộng; có sự chênh lệch lớn giữa giá sử dụng đối với một số loại vật tư y tế…
Để giải quyết tình trạng này, hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia xây dựng các thông tư hướng dẫn phương pháp xây dựng và định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế công lập; Thông tư Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2013/TT-BYT quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế, và các thông tư đang trong quá trình xây dựng của Bộ Y tế (Thông tư 04/2017/TT-BYT) về vật tư y tế, thuốc, dịch vụ kỹ thuật trên trang thiết bị y tế xã hội hóa.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Y tế để giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan thực hiện quy trình giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế việc mua sắm, sử dụng và thanh toán vật tư y tế theo chế độ bảo hiểm y tế, liên quan đến việc thanh toán dịch vụ kỹ thuật trên các trang thiết bị xã hội hóa…
(Theo nhandan.vn)