.

Bệnh cơ, xương khớp tấn công người cao tuổi

Cập nhật: 15:22, 01/12/2023 (GMT+7)

Cùng với các bệnh lý về rối loạn nội tiết, tim mạch, suy giảm sức khỏe tâm thần thì bệnh lý về cơ, xương khớp là bệnh lý nguy hiểm đe dọa sức khỏe người cao tuổi (NCT). Các bệnh lý cơ, xương khớp làm cho người bệnh có nguy cơ bị tàn phế cao, mang thương tật vĩnh viễn nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác, can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách.

ĐAU NHỨC XƯƠNG, KHỚP

Đau nhức xương, khớp là hiện tượng phổ biến ở NCT. Việc sử dụng thuốc không đúng cách sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, trong đó phổ biến là lạm dụng corticoid. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân đến nhập viện với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do dùng corticoid kéo dài.

Bệnh lý về cơ, xương khớp không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa đến  sức khỏe của NCT.
Bệnh lý về cơ, xương khớp không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa đến sức khỏe của NCT.

Thoái hóa khớp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau nhức xương, khớp ở NCT. NCT có quá trình phá hủy sụn nhiều hơn là tái tạo. Cùng với chất lượng dịch khớp suy giảm là việc không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho sụn và xương sẽ làm cho quá trình thoái hóa, hư hại càng diễn ra nhanh hơn.

Hậu quả là khi khớp cử động, 2 đầu xương sẽ va vào nhau mà không được đệm đỡ bởi dịch khớp và lớp sụn nên gây ra các cơn đau nhức. Các cơn đau nhức có thể xảy ra ở bất kỳ các khớp nào, từ khớp cổ tay cho đến khớp bàn tay, gối, cột sống... Sự thoái hóa các đốt sống kéo theo thoát vị đĩa đệm làm chèn ép tủy sống và rễ thần kinh gây ra các cơn đau nghiêm trọng, thậm chí làm teo cơ và yếu liệt chi.

Việc nằm ngủ sai tư thế, lao động nặng, vận động quá sức hoặc thay đổi tư thế đột ngột cũng có thể gây đau nhức xương, khớp. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa lạnh, các gân, cơ thường bị co rút, dịch khớp cũng cô đặc lại khiến việc cử động của  NCT càng trở nên khó khăn.

Các va chạm chấn thương ở khớp dù nhẹ lúc còn trẻ tuổi đều tăng nguy cơ bị viêm khớp, đau khớp khi bước vào tuổi trung niên. Quá trình này làm cho sụn khớp và xương dưới sụn bị hư tổn, gây đau nhức khi vận động...

Ở người trẻ, bộ máy vận động của họ hoạt động trơn tru, hoàn hảo, nhưng sau 30 tuổi, hệ cơ, xương, khớp của con người bắt đầu thoái hóa. Theo quy luật lão hóa tự nhiên, khi tuổi tác càng cao thì các cơ quan trong cơ thể bắt đầu suy giảm hoạt động càng nhiều.

Do đó, ở NCT, bệnh đau nhức xương, khớp càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến vận động cũng như chất lượng cuộc sống. Điều đáng chú ý là NCT thường hay mắc đồng thời nhiều bệnh khác nhau như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, parkinson... làm bệnh nhân rất dễ bị ngã với hậu quả là gãy xương, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, phát hiện sớm các bệnh xương, khớp ở NCT là việc rất quan trọng.

HẬU QUẢ LẠM DỤNG CORTICOID

 Điều trị phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền cho NCT bị bệnh về cơ, xương khớp tại  Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang.
Điều trị phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền cho NCT bị bệnh về cơ, xương khớp tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang.

Hiện nay, khi bị đau nhức xương, khớp, nhiều NCT vẫn thường dựa vào các phương pháp chữa đau nhức dân gian như: Chườm nóng, bôi dầu, xoa bóp, bấm huyệt, uống thuốc Đông y... Bên cạnh đó, nhiều người bị đau nhức còn quen dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm tác dụng nhanh, mạnh để giải quyết cơn đau.

Những cách này thường chỉ tạo cảm giác bớt đau ở thời điểm áp dụng mà không điều trị được bệnh. Đặc biệt, tình trạng tự ý lạm dụng các loại thuốc glucocorticoid (thường gọi tắt là corticoid) để chữa trị đau nhức của NCT cũng đang diễn ra khá phổ biến.

Nhóm corticoid nếu được sử dụng đúng sẽ là “thần dược” đặc biệt trong điều trị để chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, nếu lạm dụng để điều trị các bệnh thông thường hoặc sử dụng không đúng liều chỉ định sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường. Do đó, corticoid thường được xem là “con dao hai lưỡi” trong điều trị đau nhức xương, khớp.

Đối với NCT thường có nhiều bệnh kèm theo như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loét dạ dày - tá tràng... Nếu lạm dụng corticoid thì đường huyết, huyết áp khó kiểm soát và tình trạng viêm loét dạ dày sẽ nặng hơn; đồng thời, khi có bệnh thì dễ diễn tiến nặng và việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Thực tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân đến nhập viện với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do dùng corticod kéo dài như: Suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, nếu corticoid được dùng liên tục hơn 15 ngày và bị dừng đột ngột thì có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm với các biểu hiện như tụt huyết áp, trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải, xuất huyết tiêu hóa…

Không chỉ có các tai biến do độc tính của thuốc mà việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc, khiến bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi hết thuốc. Hiện nay, do thuốc corticoid ở nước ta được bán tự do, tràn lan, không cần kê đơn, chỉ định của bác sĩ và có thể mua dễ dàng nên việc lạm dụng corticoid của người dân, nhất là ở NCT diễn ra khá phổ biến, điều này sẽ rất gây hại cho sức khỏe người dùng.

NCT DỄ BỊ LOÃNG XƯƠNG

Thời gian gần đây, bệnh loãng xương bắt đầu được nhiều người biết đến nhưng không phải ai cũng quan tâm đến bệnh này như một bệnh lý nguy hiểm và tích cực điều trị. GS.TS.BS.Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, theo thống kê của Hội Cơ xương khớp cho thấy Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân cơ, xương khớp cao nhất thế giới, trong đó khoảng 60% người bệnh trên 65 tuổi.

NCT thường bị còng lưng, cơ thể thấp, nhỏ lại, tình trạng này ở NCT có nguyên nhân là do bệnh lý loãng xương. Loãng xương là căn bệnh về xương phổ biến nhất ở con người. Nguy cơ loãng xương rình rập mọi người nhưng do bệnh diễn biến âm thầm nên ít khi được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo giải thích của Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, xương là một thực thể sống. Mỗi ngày, cơ thể con người phân hủy các phần xương lão hóa và thay bằng xương mới. Khi con người già đi thì lượng xương bị phân hủy sẽ nhiều hơn lượng xương tái tạo. Do đó, con người thường bị mất xương khi già đi. Nếu không biết cách giữ cho xương luôn khỏe mạnh thì con người càng già càng có thể sẽ mất nhiều xương và bị loãng xương.

Nhiều người bị yếu xương nhưng không hề biết, đó là do xương bị mất quá nhiều trong một thời gian dài mà người bệnh không hề bị đau đớn. Ở nhiều người, gãy xương là triệu chứng đầu tiên cho thấy họ bị loãng xương. Khi bị loãng xương, xương sẽ yếu đi và dễ bị gãy.

Những người bị loãng xương thường bị gãy xương, nhất là tại các vị trí chịu lực của cơ thể như: Cột sống, cổ xương đùi… Gãy xương sẽ làm cho người bệnh mất khả năng lao động hay giảm khả năng đi đứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù gãy xương đốt sống là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh nhân loãng xương nhưng có tới 70% người mắc không phát hiện, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán một cách ngẫu nhiên.

Theo nghiên cứu của BSCK2 Lê Thúy Phượng về tỷ lệ gãy xương đốt sống thắt lưng và các yếu tố nguy cơ ở NCT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho thấy kết quả rất đáng lo ngại. Cụ thể, tỷ lệ gãy xương đốt sống ở nam là 55% và nữ là 67%, tỷ lệ gãy xương cũng có xu hướng tăng theo độ tuổi. Điều này cho thấy, loãng xương là gánh nặng y tế đối với nước ta, bởi số NCT đang tăng nhanh.

CẦN PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ SỚM

Loãng xương là một bệnh lý về xương nguy hiểm và có tần suất mắc cao trong cộng đồng. Do đó, mọi người, nhất là NCT cần quan tâm và tầm soát để điều trị kịp thời. Bệnh loãng xương có thể được cải thiện nhờ chế độ ăn uống sinh hoạt và thuốc uống hợp lý.

Các nghiên cứu theo dõi loãng xương dài hạn cho thấy, việc điều trị đã làm tăng được khối lượng khoáng chất của xương, giảm đau đớn, phòng ngừa và giảm các nguy cơ gãy xương, cải thiện chất lượng cuộc sống NCT. Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng, hợp lý, phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng thói quen sinh hoạt. NCT cần đặc biệt quan tâm đến các thành phần khoáng chất, nhất là canxi và đạm trong khẩu phần ăn.

Tuy nhiên, ở NCT khả năng ăn uống, hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất đều bị hạn chế. Chính vì vậy, sữa là một loại thức ăn lý tưởng để cung cấp cả can xi và đạm cho NCT, lượng sữa cần thiết cho NCT là từ 500 - 1.000 ml/ngày (có thể là sữa tươi, sữa chua hoặc pha từ sữa bột). Bên cạnh đó, NCT cần vận động thể lực đều đặn, vừa sức và tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời để cải thiện, phòng ngừa bệnh. Việc vận động thường xuyên vừa có ích cho toàn cơ thể (hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa...) vừa có tác dụng tốt trực tiếp cho hệ thống xương, cơ khớp, chống thoái hóa và chống loãng xương.

Đối với NCT, cần hết sức tránh bị té ngã, vì khi bị loãng xương mà té ngã sẽ rất dễ dẫn đến gãy xương và khó liền. Việc bất động, nằm lâu để điều trị gãy xương không những làm cho loãng xương nặng thêm, mà còn là nguy cơ của nhiều bệnh lý khác.

MAI HÀ

.
.
.