.

Tiền Giang: Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Cập nhật: 22:20, 01/12/2023 (GMT+7)

(ABO) Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, tại khu vực phía Nam, tính đến ngày 26-11-2023, đã ghi nhận 96 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ tại 9/20 tỉnh/thành phố, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh (81 ca) và các tỉnh Bình Dương (3 ca), Lâm Đồng (3 ca), Long An (3 ca), Cần Thơ (2 ca), Bến Tre (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Tây Ninh (1 ca) và Sóc Trăng (1 ca). Trong đó có 2 trường hợp tử vong liên quan bệnh đậu mùa khỉ tại TP. Hồ Chí Minh.

Đến ngày 27-11-2023, Tiền Giang chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng với đặc thù là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh miền Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 2 bến cảng là cảng Mỹ Tho và cảng Soài Rạp - Hiệp Phước có hoạt động giao thương, nên nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện và lây lan tại tỉnh là rất lớn nếu không triển khai các biện pháp dự phòng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
 
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 5019 ngày 29-11-2023 về phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ tháng 12-2023 đến tháng 12-2024 với mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, cách ly và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Kế hoạch phân loại 3 tình huống dịch có thể xảy ra: Tình huống 1, khi chưa có ca bệnh tại tỉnh, cần theo dõi sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh đậu mùa khỉ trong nước và trên địa bàn tỉnh; thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch bệnh đậu mùa khỉ; kịp thời tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thích hợp.

Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ qua hệ thống giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm và giám sát dựa vào sự kiện; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch y tế tại các cảng đối với người nhập cảnh, chú ý kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh, nhất là những người về từ vùng có dịch đậu mùa khỉ.

Tăng cường công tác truyền thông tại cơ sở y tế và trong cộng đồng về dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là truyền thông nâng cao nhận thức của nhóm có hành vi nguy cơ cao: Nhóm nam song tính và nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người sống chung với người nhiễm HIV/AIDS về dự phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, dấu hiệu để tự nhận biết và chủ động khai báo với y tế địa phương khi có triệu chứng nghi ngờ.

Phối hợp, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm khi có trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ. Thành lập các đoàn giám sát hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ giám sát các đơn vị trong công tác chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Tình huống 2, khi dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, ngành Y tế triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định khi có trường hợp bệnh xác định hoặc nghi ngờ chưa có kết quả xét nghiệm. Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định để tiếp cận, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.

Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng. Mô tả đặc điểm dịch tễ các trường hợp mắc bệnh theo các yếu tố thời gian, địa điểm và con người.

Tình huống 3, khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng thì huy động mọi nguồn lực trong tỉnh, thực hiện khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong do dịch bệnh.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt hiệu quả, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện cụ thể nhiều hoạt động. Phòng Nghiệp vụ Y dược tham mưu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, điều hành về các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các đơn vị, địa phương.

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho các bệnh viện và trung tâm y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2099 ngày 29-7-2022 của Bộ Y tế; đảm bảo khả năng thu dung điều trị bệnh nhân trong các tình huống dịch; tham gia hội chẩn về chuyên môn cho tuyến dưới khi cần thiết; rút kinh nghiệm kịp thời các trường hợp bệnh nặng.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các trung tâm y tế tuyến huyện đánh giá yếu tố dịch tễ của các ổ dịch, từ đó đề xuất phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ; chuẩn bị các trang phục phòng hộ, vật tư, hóa chất, sinh phẩm... cho công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.

CDC tỉnh tổ chức truyền thông hướng dẫn và truyền thông nguy cơ đúng mức, phù hợp và hiệu quả về bệnh đậu mùa khỉ đến người dân; tham mưu Sở Y tế tổng hợp báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo chỉ đạo; chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ như: Tổ chức khám sàng lọc, phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, hướng dẫn tự cách ly tại nhà trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, các cộng tác viên, nhóm tiếp cận cộng đồng MSM về giám sát bệnh đậu mùa khỉ và truyền thông cho nhóm nguy cơ, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm...

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với tình hình dịch bệnh; tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện của các đơn vị và báo cáo theo quy định; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Các trung tâm y tế tuyến huyện tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, các dịch bệnh mới nổi và phân công nhiệm vụ từng thành viên phụ trách địa bàn; xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng.

Đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động khai báo khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, đến các cơ sở y tế khi có triệu chứng và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng. Tâng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương và báo cáo, thông tin kịp thời về diễn biến tình hình bệnh truyền nhiễm, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương.

THANH HOÀNG
 



 

.
.
.