.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang: Tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị

Cập nhật: 14:15, 26/02/2024 (GMT+7)

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Tiền Giang là bệnh viện hạng I, tuyến cuối trong hệ thống điều trị của tỉnh. Với vai trò này, bệnh viện luôn không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đặc biệt là áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị.

KHÔNG NGỪNG NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG

Trong thời gian qua, BVĐK tỉnh Tiền Giang luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ của bệnh viện, đặc biệt là công tác KCB dẫn đầu các khối thi đua bệnh viện tuyến tỉnh về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những năm gần đây, bệnh viện có bước phát triển khá toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu KCB cho đối tượng chính sách, nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tiến sĩ Trần Hữu Thế cùng ê kíp y, bác sĩ BVĐK tỉnh Tiền Giang thực hiện thành công thủ thuật đặt stent thông mạch vành cho bệnh nhân Lê Văn Đê.
Tiến sĩ Trần Hữu Thế cùng ê kíp y, bác sĩ BVĐK tỉnh Tiền Giang thực hiện thành công thủ thuật đặt stent thông mạch vành cho bệnh nhân Lê Văn Đê.

Bệnh viện đã có những thay đổi rõ rệt, toàn diện trên các mặt công tác với nhiều giải pháp, cách làm hay và đạt được nhiều thành tựu trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, công tác KCB và phục vụ người bệnh, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, đồng nghiệp ghi nhận và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân. BVĐK tỉnh Tiền Giang luôn dẫn đầu về công tác cấp cứu, KCB. Bệnh viện tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tăng cường trang bị các phương tiện y tế hiện đại.

Hiện tại, BVĐK tỉnh Tiền Giang có hơn 1.130 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, trong đó có trên 720 người có trình độ đại học và sau đại học. Trong năm 2023, bệnh viện đã ổn định hoạt động tại cơ sở mới và tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại.

Trong năm 2023, bệnh viện thu hút gần 666.500 lượt bệnh nhân đến KCB, tăng 31,5% so với năm 2022; bình quân mỗi ngày có gần 1.800 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện. Với 1.000 giường kế hoạch, bệnh viện thực kê trên 1.500 giường bệnh mới, đáp ứng nhu cầu, công suất sử dụng giường bệnh là 104%. Bệnh viện thực hiện gần 8.200 ca phẫu thuật, kỹ thuật, trong đó có 445 ca phẫu thuật loại đặc biệt. Kết quả hoạt động cho thấy, chất lượng hoạt động của BVĐK tỉnh Tiền Giang nhận được sự tin tưởng rất lớn của người dân.

Bên cạnh công tác điều trị, bệnh viện luôn đạt những thành tích tốt như dẫn đầu về các mặt công tác phòng bệnh, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, hợp tác quốc tế, thực hiện xuất sắc Đề án Bệnh viện vệ tinh…

Bác sĩ Lê Huy Trúc, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2024, bệnh viện lên kế hoạch phát triển sâu hơn nữa về chuyên môn để đảm bảo tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, hướng tới thành lập bệnh viện vùng Bắc sông Tiền. Công tác quan trọng đầu tiên trong đầu năm 2024 là triển khai bệnh án điện tử.

Song song đó, thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm chuyển giao hoàn thiện kỹ thuật thay khớp gối cũng như phát triển thêm lĩnh vực can thiệp mạch bẹn, mạch não để hướng tới có thể xây dựng trung tâm can thiệp mạch tổng quát để cứu sống những người bệnh về mạch máu não, mạch máu tim và mạch máu bẹn.

Bệnh viện cũng sẽ phát triển thêm một số lĩnh vực ngoại khoa như kỹ thuật lấy sỏi qua da của lĩnh vực ngoại niệu, nếu thuận lợi có thể triển khai hệ thống gia tốc tuyến tính để xạ trị cho những bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị…

THÀNH CÔNG CAN THIỆP TIM MẠCH

Tháng 7-2020, Đơn vị Tim mạch can thiệp, BVĐK tỉnh Tiền Giang được thành lập. Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã khảo sát, đánh giá thực trạng, góp ý kiến cho quá trình chuẩn bị từ thuốc men, vật dụng, vật tư y tế cho đến việc đào tạo nhân lực theo hình thức cầm tay chỉ việc…

Đến nay, đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của BVĐK tỉnh Tiền Giang ngày càng trưởng thành, dần mang tính chuyên nghiệp trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Từ khi thành lập đến tháng 9-2023, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã thực hiện chỉ định cho 439 trường hợp chụp mạch vành, 254 trường hợp can thiệp mạch vành, 10 trường hợp đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Đơn vị Tim mạch can thiệp đã góp phần cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, giảm tỷ lệ chuyển viện và tử vong rõ rệt đối với bệnh lý này.

Đồng thời, Đơn vị Tim mạch can thiệp góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận dịch vụ hiện đại và tiết kiệm chi phí rất lớn khi phải lên điều trị tại tuyến trên.

Tiến sĩ Trần Hữu Thế, Quyền Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh Tiền Giang cho biết, từ khi kết thúc chuyển giao và đi vào hoạt động độc lập từ tháng 9-2023 đến nay là 5 tháng, Đơn vị Can thiệp tim mạch của bệnh viện đã thực hiện hơn 250 ca can thiệp tim mạch, nhiều hơn tổng số ca thực hiện trong 3 năm trước. Trung bình mỗi ngày đơn vị thực hiện 2-3 ca cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim và đặt stent cho bệnh nhân hẹp mạch vành.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Thế, tim mạch can thiệp là một kỹ thuật điều trị tiên tiến, xâm lấn tối thiểu nhưng hiệu quả tối đa. Đối với bệnh nhân, khi thực hiện thủ thuật tim mạch can thiệp chỉ cần gây tê tại chỗ, thời gian thực hiện ngắn khoảng 1 giờ và có thể xuất viện sau khi làm thủ thuật từ 1 đến 2 ngày. Kỹ thuật tim mạch can thiệp có thể thực hiện cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành với khả năng thành công cao nếu bệnh nhân đến sớm.

Kỹ thuật này cũng có thể thực hiện trên bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Thời gian qua, bệnh lý tim mạch là một trong những bệnh chiếm số lượng lớn, khoảng trên 30% trong tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị tại BVĐK tỉnh Tiền Giang.

Đối với các trường hợp cấp cứu do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hoặc mắc bệnh lý mạch máu cần can thiệp nội mạch, bệnh viện phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Việc chuyển tuyến khiến bệnh nhân tốn kém chi phí điều trị hơn và đặc biệt là trường hợp cấp cứu rất nguy hiểm, nếu chậm trễ sẽ khiến bệnh nhân tử vong hoặc để lại di chứng xấu như sống thực vật, liệt, tàn phế…

THỦY HÀ

.
.
.