Chủ động phòng bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu năm
Sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc kiểm soát và chủ động phòng, chống 2 căn bệnh này có ý nghĩa quan trọng.
BỆNH SXH GIẢM
Theo thống kê từ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 16 ca mắc SXH, trong đó có 2 ca nặng, nâng tổng số từ đầu năm tới nay toàn tỉnh ghi nhận 177 ca SXH. So với tuần trước, số ca mắc SXH giảm 44,8% và so với số mắc cộng dồn cùng kỳ năm 2023 (412 ca) thì số ca mắc đến thời điểm này giảm 57%. Trong tuần không ghi nhận đơn vị tuyến huyện có số ca mắc SXH Dengue vượt chỉ số báo dịch.
BSCK2 Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc CDC tỉnh Tiền Giang (bìa phải) kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại cộng đồng. |
Ghi nhận 7 xã thuộc 5 huyện có số mắc SXH Dengue vượt qua chỉ số báo dịch, gồm xã Thiện Trung, huyện Cái Bè; xã Tân Phú, xã Tân Bình và phường 3, TX. Cai Lậy; xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước; xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo; xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông.
Tuy bệnh SXH trên địa bàn tỉnh có giảm sâu so với thời điểm đầu năm và so với cùng kỳ của năm 2023 nhưng vẫn không thể chủ quan. Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, SXH xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Do đó, người dân không nên lơ là việc phòng ngừa bệnh SXH trong gia đình và bệnh nhân SXH cần được theo dõi chặt chẽ.
Theo BSCK2 Võ Thanh Nhơn, để giảm sâu số mắc SXH trong thời gian tới, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh SXH để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số lăng quăng, muỗi truyền bệnh SXH tại những khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Mặt khác, tại các địa phương cần phối hợp ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.
BỆNH TCM TĂNG
Bệnh TCM xảy ra quanh năm, tuy nhiên hằng năm bệnh có xu hướng tăng cao khoảng vào đầu mùa mưa (từ tháng 3 đến tháng 5) và đầu mùa khô (từ tháng 9 đến tháng 12). Do đó, việc tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM để kiểm soát bệnh, không để lây lan trên diện rộng, đặc biệt trong trường học là rất quan trọng hiện nay.
Số liệu từ CDC tỉnh Tiền Giang, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 19 ca mắc TCM, tăng 46,2% so với tuần trước. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 233 ca mắc bệnh TCM, tăng 124% so với so cùng kỳ năm 2023. Đứng đầu về số ca mắc TCM là huyện Cái Bè 49 ca; kế đến là TP. Mỹ Tho 38 ca, huyện Châu Thành 37 ca.
TCM là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan qua đường tiêu hóa, có nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không chẩn đoán, điều trị đúng và ngăn ngừa lây lan. Bệnh TCM có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh rất dễ lây nhiễm ở trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo là rất quan trọng.
Các trường cần áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa mầm bệnh lây lan như vệ sinh bề mặt tiếp xúc hằng ngày, vệ sinh đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn; bố trí đủ nước sạch, xà phòng cho trẻ rửa tay và dạy trẻ rửa tay đúng cách; theo dõi sức khỏe của trẻ khi đến lớp để sớm phát hiện trường hợp trẻ nhiễm bệnh; thực hiện cách ly phòng mầm bệnh TCM lây nhiễm trong lớp học và thống nhất với phụ huynh không đưa trẻ đến lớp khi mắc bệnh TCM.
MAI HÀ