Khuyến cáo biện pháp bảo vệ sức khỏe trước hiện tượng sương mù dày đặc
Sương mù dày đặc khiến độ ẩm trong không khí tăng cao hơn, khiến người dân dễ mắc bệnh truyền nhiễm, nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn với sức khỏe.
Sương mù dày đặc tại miền Bắc khiến người dân dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. |
Ngày 2-2, tại buổi họp báo của Bộ Y tế cung cấp thông tin về tình hình y tế quý 1-2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng cùng ngày ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dân, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sương mù là hiện tượng tự nhiên, không phải do ô nhiễm môi trường. Vào mùa đông - xuân, sương mù thường xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
"Sáng nay, Hà Nội xuất hiện sương mù dày đặc là hiện tượng khá hiếm nhiều năm lại đây, làm cho người dân ở Thủ đô bất ngờ", TS Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ. Đồng thời nêu rõ, sương mù khiến độ ẩm trong không khí tăng cao làm người dân dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn, nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn với sức khỏe.
Để giảm thiểu những tác hại của hiện tượng sương mù dày đặc, theo TS Nguyễn Trọng Khoa, người dân cần phải có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, như: hạn chế ra đường quá sớm vào buổi sáng, nhất là các đối tượng trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai.
Trường hợp cần phải di chuyển ra khỏi nhà thì nên đợi tan bớt sương mù để các chất độc trong không khí đã bay lên cao. Khi di chuyển ngoài đường nên sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương; không tập luyện thể dục thể thao ngoài trời vào buổi sớm khi có sương mù dày đặc; cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm.
Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, những ngày qua, Hà Nội đang ở trong giai đoạn ô nhiễm không khí đáng báo động. Nguyên nhân do các nguồn phát thải không giảm, trong khi lượng sương mù dày khiến bụi trong không khí bị lưu trữ ở tầng thấp khuếch tán ngày càng rộng.
Để hạn chế tình trạng nồm ẩm, nấm mốc, người dân cần bịt kín các cửa thông gió, dùng khăn khô lau sàn nhà và các vật dụng sinh hoạt liên tục. Gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng. Thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
(Theo sggp.org.vn)