Thứ Tư, 27/03/2024, 17:59 (GMT+7)
.

4 cách vi khuẩn tấn công khiến cơ thể bị ngộ độc thực phẩm và 2 cách phòng ngừa hiệu quả

(ABO) Vừa qua, liên quan vụ ngộ độc hàng loạt sau khi ăn tại quán cơm gà ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Pasteur cho biết kết quả kiểm nghiệm có 3 vi khuẩn gây ra là Salmonella spp, Bacillus cereus và Staphylococcus.

Để giúp người dân biết nhiều hơn về 3 loại vi khuẩn này, cách nó tấn công cơ thể ra sao, phòng ngừa như thế nào, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:

Về chuyên môn, Salmonella spp được tìm thấy trong thịt sống, gia cầm, trứng và sữa, nó bị tiêu diệt ở nhiệt độ 74 độ C. Bacillus cereus được tìm thấy trong đất, nước và thực phẩm, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C.  Staphylococcus aureus được tìm thấy trên da bàn tay và trong mũi của con người, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 74 độ C. Các vi khuẩn này có khả năng sống và phát triển trong thực phẩm ô nhiễm trước khi lây cho người.

Khi thực phẩm hoặc tay, dụng cụ chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn thì vi khuẩn sẽ có bốn cách tấn công cơ thể con người.

1. Thứ nhất, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp tế bào của cơ thể. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bằng hai con đường, đó là trực tiếp qua đường miệng hoặc gián tiếp qua bàn tay, dụng cụ chế biến thực phẩm hay chính thực phẩm ô nhiễm, vi khuẩn sẽ bám dính vào niêm mạc đường tiêu hóa rồi xâm nhập vào tế bào bao tử và ruột. Vi khuẩn từ ruột đi vào máu, sinh sôi nảy nở trong các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch (đại thực bào, hạch bạch huyết) và giải phóng các độc tố, gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

2. Thứ hai, vi khuẩn tấn công và phá hủy các tế bào của cơ thể. Vi khuẩn phá hủy tế bào cơ thể, dẫn đến tổn thương mô và hoại tử tế bào đường tiêu hóa.

Tại bao tử, vi khuẩn làm tổn thương tế bào của bao tử, từ đó kích thích bao tử gây nên triệu chứng mắc ói, khó chịu, đau bụng. Bao tử bị tổn thương, nó kích thích trung tâm nôn ở não gây triệu chứng ói mửa.

Ói mửa là phản xạ tự vệ có lợi cho cơ thể nhằm tống xuất vi khuẩn và thức ăn nhiễm khuẩn ra ngoài. Thuốc cầm ói và cầm tiêu chảy sẽ không có lợi cho người bệnh.

Tại đường ruột, vi khuẩn làm tổn thương tế bào đường ruột và kích thích đường ruột tiết ra nhiều dịch, gây triệu chứng tiêu chảy, đau thắt bụng, nếu chạm đến mạch máu ruột gây tiêu ra phân có đàm máu.

3. Thứ ba, vi khuẩn tiết ra độc tố tấn công cơ thể. Phần lớn vi khuẩn đường ruột đều có khả năng tiết ra nhiều loại độc tố khác nhau. Thí dụ, vi khuẩn Salmonella sinh ra độc tố Endotoxin, kích thích cơ thể tạo phản ứng viêm, dẫn đến sốt, tiêu chảy và sốc.

Exotoxin gây triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Vi khuẩn Bacillus cereus tiết ra độc tố HBL (Hemolysin BL), độc tố ly giải hồng cầu, tức phá hủy màng tế bào hồng cầu, tế bào hồng cầu vỡ ra gây triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và thiếu máu. Vi khuẩn Staphylococcus tiết độc tố Exotoxins gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

4. Thứ tư là vi khuẩn kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng viêm để chống lại vi khuẩn. Phản ứng viêm có thể gây ra các triệu chứng như sốt cao, viêm nhiều cơ quan của cơ thể, nếu nặng gây sốc nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.

Tóm lại, người dân biết được  4 cách vi khuẩn tấn công cơ thể gây ra triệu chứng ngộ độc thực phẩm, từ đó chúng ta có hai cách để bảo vệ mình.

Thứ nhất là ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bằng cách ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ đúng cách, lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn.

Thứ  hai là tăng cường sức khỏe của bản thân nhằm tăng sự đề kháng với bệnh tật.

Người có sức khỏe tốt sẽ mắc bệnh nhẹ và tự khỏi nếu chẳng may mắc bệnh ngộ độc thực phẩm. Muốn vậy, người dân cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau xanh và protein nạc để cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch; ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch; tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu cho tế bào khắp cơ thể hoạt động và tăng cường chức năng của hệ miễn dịch; giảm căng thẳng để cơ thể sản xuất nhiều nội tiết tố có lợi, nếu căng thẳng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch.

     BS NGUYỄN THÀNH ÚC


 

.
.
.