Kiểm soát tốt huyết áp để sống khỏe
Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh đang phát triển ở mức báo động đối với sức khỏe cộng đồng trên thế giới, đặc biệt tại nước ta. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể làm bệnh nhân tàn phế hoặc tử vong nếu người bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, THA là một trong những bệnh được đưa vào Chương trình hành động quốc gia để phòng, chống.
HUYẾT ÁP VÀ THA
Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Thúy Phượng, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang, huyết áp là khi tim co bóp, máu sẽ được bơm ra động mạch và máu ép vào thành động mạch làm mạch máu căng lên, tạo một áp lực máu cần thiết nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.
Kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm, theo dõi và tư vấn điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Ảnh: P.M |
Huyết áp thể hiện bằng 2 chỉ số: Một là, huyết áp tối đa, là lúc tim co lại để tống máu ra (còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên), bình thường từ 90 đến 139 mm Hg. Hai là, huyết áp tối thiểu, là khi tim giãn ra và thành động mạch sẽ trở về trạng thái ban đầu (còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới), bình thường từ 60 đến 89 mm Hg.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp bình thường đo ở cánh tay là =120/80 mmHg. Đây là huyết áp trung bình, bình thường đối với người lớn. Huyết áp có đặc điểm là thay đổi theo thời gian, trạng thái tâm sinh lý và nhiều yếu tố khác.
THA là khi áp suất của máu đẩy vào thành động mạch lên cao, những người có huyết áp thường xuyên cao hơn mức bình thường được gọi là THA. Cũng theo WHO, THA đối với người từ 18 tuổi trở lên khi người đó có ít nhất 1 trong 2 số huyết áp sau: Huyết áp tối đa từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tối thiểu từ 90 mm Hg trở lên. Như vậy, nếu con số huyết áp 140/80, 130/100 hoặc 150/90 mm Hg sau nhiều lần đo thì gọi là THA.
NGUY HIỂM RÌNH RẬP
THA là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, THA không chỉ có ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh lý tim mạch, mà còn có ảnh hưởng nhiều đến gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Theo tài liệu của WHO, huyết áp là 1 trong 6 yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Tỷ lệ người tử vong do hậu quả của THA chiếm khoảng 13% tổng số ca tử vong trên thế giới và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật chung toàn cầu.
Tiến sĩ Trần Hữu Thế thực hiện thủ thuật can thiệp cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ tim do THA. |
Tần suất THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện tại đang ở mức rất cao, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tại các nước đang phát triển có hình thái bệnh tật chuyển đổi từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang các bệnh không lây truyền là chính.
Ở Việt Nam, tỷ lệ THA cũng đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Giáo sư Đặng Văn Chung, vào năm 1960, tần suất THA ở người lớn sống ở miền Bắc chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (năm 1992), theo điều tra trên toàn quốc của ông Trần Đỗ Trinh và cộng sự, tỷ lệ này đã là 11,7%, tăng hơn 11 lần và mỗi năm tăng trung bình 0,33%.
Thông tin từ Hội Tim mạch Việt Nam, bệnh tim mạch đang gia tăng rất nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, chiếm 33% tổng số bệnh nhân tử vong. Cứ 3 người tử vong thì có 1 người do nguyên nhân tim mạch.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân còn chủ quan với sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn với căn bệnh tăng huyết áp, có đến 50% người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết; trong số 50% còn lại biết bệnh, nhưng chỉ có một nửa là điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.
Hiện nay, THA được xem là 1 trong 10 bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân loại, có thể làm giảm thọ từ 10 - 20 tuổi.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho rằng, con số 25% dân số mắc bệnh THA là rất lớn, với tỷ lệ cứ 4 người trưởng thành lại có 1 người bị THA. Điều đáng lo hơn là trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động. Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của mình, từ THA dẫn tới rất nhiều biến chứng khác, điển hình là đột quỵ.
Về nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, Tiến sĩ Trần Hữu Thế, Trưởng Khoa tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: Thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… dẫn tới béo phì, THA, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài, khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi... Trong mô hình bệnh tật về tim mạch, các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi, nhưng các bệnh do xơ vữa động mạch lại có xu hướng tăng lên.
“Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống khỏe” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống THA năm 2024. Với chủ đề này, WHO và Hội THA quốc tế kêu gọi mỗi người dân trên 18 tuổi hãy tới các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm, theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. |
Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng. Bệnh tim mạch hoàn toàn phòng ngừa được, nhưng nhiều người còn rất chủ quan.
Để phòng tránh bệnh lý THA cũng như các bệnh lý tim mạch nói chung, Tiến sĩ Trần Hữu Thế khuyến cáo:
Thứ nhất, mọi người cần thay đổi, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa THA và bệnh lý tim mạch. Trong đó, điều đầu tiên là cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành bệnh lý này nên ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh hiệu quả. Do đó, trong chế độ ăn, cần ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc; ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; hạn chế uống rượu, bia và các thức uống có cồn khác; uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...
Thứ hai, luyện tập thể dục hằng ngày, tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh THA, tim mạch. Tập thư giãn và giảm tối đa stress; ngủ đủ giấc, ngủ trưa khi cần thiết; cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, tránh thừa cân, béo phì.
Thứ ba, giữ ấm cơ thể, bởi việc nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Thứ tư, không hút thuốc lá. Chính thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị THA và bệnh lý tim mạch. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.
Thứ năm, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ và kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, đối với bệnh nhân THA thì cần tuân thủ dùng thuốc điều trị bởi THA không thể khỏi hoàn toàn, cần điều trị lâu dài và có thể kéo dài đến suốt đời.
Vì vậy, mọi người cần phải tuân thủ dùng thuốc mỗi ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Người bệnh THA không được tự ý đổi liều hay ngưng dùng thuốc, bởi việc ngưng thuốc đột ngột có thể gây THA đến mức nguy hiểm. Tập thói quen dùng thuốc vào thời gian cố định. Điều cần lưu ý là khi lỡ quên dùng một liều thuốc, không được dùng liều gấp đôi ở lần tiếp theo.
MAI HÀ