.

Tiền Giang: Không chủ quan, lơ là với bệnh sởi

Cập nhật: 15:54, 16/07/2024 (GMT+7)

(ABO) Theo báo cáo tình hình các bệnh truyền nhiễm trong Chương trình mở rộng của Sở Y tế Tiền Giang ghi nhận, từ ngày 31-5 đến ngày 8-7-2024, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận 9 trường hợp bệnh sởi có xét nghiệm khẳng định tại 6 địa phương gồm: TP. Mỹ Tho 2 ca, huyện Tân Phước 2 ca, huyện Cái Bè 1 ca, huyện Chợ Gạo 1 ca, huyện Châu Thành 1 ca, huyện Cai Lậy 2 ca và 1 trường hợp bệnh ho gà trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi khi trẻ 9 tháng tuổi .
Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi khi trẻ 9 tháng tuổi .

Tất cả 9 trường hợp mắc sởi sức khỏe ổn định, trong đó có 7 trường hợp đã xuất viện. Hầu hết các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân đã hết thời gian theo dõi sức khỏe và không ghi nhận trường hợp có bất thường về sức khỏe.

Tất cả 9 trường hợp mắc sởi đều là ca bệnh tản phát, nên khả năng lây lan tại địa phương rất thấp. Tuy nhiên, cần theo dõi các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng nơi ca bệnh sinh sống vì có khả năng ghi nhận thêm ca mắc mới.

Ngay sau khi có báo cáo ca ghi nhận đầu tiên và những ca bệnh sởi tiếp theo, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xác minh, điều tra các yếu tố dịch tễ của các trường hợp bệnh và xử lý dịch theo quy định; lập danh sách, theo dõi sức khỏe hằng ngày các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân. 

Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền cho người thân trong gia đình và các hộ gia đình lân cận cách phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống; hướng dẫn người nhà bệnh nhân thường xuyên làm sạch đồ chơi, lau sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày; đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng cách ly bệnh nhân hằng ngày.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình bệnh sởi và ho gà tại mỗi địa phương thông qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm, đẩy mạnh công tác giám sát dựa vào sự kiện, theo dõi các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng nơi ca bệnh sinh sống; theo dõi tình trạng sức khỏe của những người tiếp xúc gần.

Trung tâm Y tế huyện tiến hành lấy mẫu máu và tách huyết thanh gửi CDC Tiền Giang để chuyển về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm các trường hợp sốt phát ban có liên quan dịch tễ với các trường hợp sởi đã xác định.

Trạm Y tế tham mưu tuyên truyền về phòng, chống bệnh sởi và ho gà để phát thanh trên đài truyền thanh huyện, xã, trường học, các cuộc họp ban, ngành, đặc biệt là tại các họp tổ nhân dân tự quản để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về nhận biết và phòng chống bệnh sốt, phát ban, lợi ích tiêm vắc xin sởi thông qua tin nhắn, băng rôn tại trường, lưu động, loa phát thanh, truyền hình, các cuộc họp ban, ngành, đặc biệt là tại các họp tổ nhân dân tự quản. Khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi và ho gà.

Tăng cường vệ sinh cá nhân: Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng; thường xuyên vệ sinh mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, phải nghỉ học, nghỉ làm việc và cách ly theo quy định

Nâng cao miễn dịch cộng đồng, thông qua rà soát tỷ lệ tiêm chủng đối với trẻ trên 2 tuổi trong trường học tiểu học, trung học và trong cộng đồng. Tiêm vét vắc xin sởi và ho gà cho trẻ dưới 2 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.

Địa phương chủ động nguồn lực, nguồn kinh phí chống dịch để tiêm vắc xin cho trẻ nguy cơ cao ngoài diện tiêm chủng mở rộng.  Khuyến khích cán bộ y tế và giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học chủ động tiêm vắc xin sởi.

THANH HOÀNG

 

.
.
.