Khám sức khỏe tiền hôn nhân - tiền đề tạo dựng gia đình hạnh phúc
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh. Đây là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên và là tiền đề vô cùng quan trọng giúp tạo dựng một cuộc sống gia đình vững bền, hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
HÀNH ĐỘNG Ý NGHĨA
Giai đoạn tiền hôn nhân bắt đầu từ lúc một người có khả năng sinh sản tới khi kết hôn. Người ở giai đoạn này gồm trẻ vị thành niên có khả năng sinh sản và người lớn tuổi (thậm chí 30 - 40 tuổi) mà chưa từng kết hôn.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành. |
Thông thường, trước hôn nhân, các cặp nam, nữ ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc sống mới thì chỉ quan tâm tới việc tổ chức đám cưới và chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi cuộc sống, còn vấn đề sức khỏe sinh sản hầu như không được nhắc đến. Khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, không ít cặp vợ chồng rơi vào mâu thuẫn mà xuất phát từ việc thiếu kiến thức, chưa chuẩn bị tâm lý.
Có những trường hợp vì thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo là suy giảm sức khỏe, tâm lý lâu dài, đe dọa hạnh phúc gia đình, sâu rộng hơn là ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng nếu người nam và người nữ được hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tốt.
Theo Trưởng Phòng nghiệp vụ, Chi cục Dân số tỉnh Tiền Giang Lê Trần Thu Thủy, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin. Đối với những người vốn chưa có kinh nghiệm trong đời sống tình dục trước đó, khám sức khỏe tiền hôn nhân và nhận được sự tư vấn của bác sĩ sẽ giúp bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng, tránh được những rắc rối trong đời sống tình dục, những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến đường sinh sản hoặc xuất hiện những hậu quả của các bệnh tật có từ trước, ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân thật sự là việc làm hết sức cần thiết cho các đôi nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn. Chuyên gia về y tế khuyến cáo, các cặp đôi cần đi khám để tầm soát sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn 6 tháng, đây là thời điểm thích hợp giúp các cặp đôi phòng tránh những rủi ro sau này và có những giải pháp can thiệp kịp thời để khắc phục nếu không may có những vấn đề về sức khỏe. |
Còn đối với những cặp đôi đang muốn có con, khám tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở và sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Khám tiền hôn nhân giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Bên cạnh đó, người mẹ tương lai nếu mong muốn có con sớm nhất cũng cần hiểu rõ và tiêm vắc xin cũng như bổ sung khoáng chất, chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý, chuẩn bị điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn. Ngoài ra, điều này cũng một phần giúp phụ nữ kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số lượng con một cách tốt nhất.
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, bởi nhiều dị tật bẩm sinh hay bệnh tật của con cái có thể là do di truyền từ bố mẹ. Do sự thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh của trẻ ngay trong giai đoạn bào thai nên nhiều cặp vợ chồng đã sinh con bị dị tật, thoát vị não, não úng thủy, bại não, dị tật cơ xương, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Những trẻ em này có thể chết ngay khi chào đời, trường hợp còn sống được thì nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân trẻ, gia đình và xã hội suốt đời.
Ở nước ta hiện nay, khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa là một việc làm bắt buộc, nhiều cặp đôi trong độ tuổi kết hôn, độ tuổi sinh sản chưa coi trọng vấn đề này. Nhiều bạn trẻ chưa có thông tin, kiến thức đầy đủ về việc đi khám tiền hôn nhân; còn e dè việc đi khám sức khỏe trước khi kết hôn, một phần vì tâm lý sợ người quen, bạn bè dị nghị, một phần vì sợ nếu không may bản thân hoặc bạn mình có bệnh lý gì thì lại ảnh hưởng đến tình cảm của họ… Số ít khác thì nghĩ rằng, mình không có vấn đề gì do sức khỏe bình thường, không có ốm đau, bệnh tật gì. Do vậy, số nam, nữ thanh niên chủ động đi khám sức khỏe trước khi kết hôn còn rất thấp.
CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH
Tại Tiền Giang, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được đưa vào chỉ tiêu pháp lệnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số từ năm 2023. Về vấn đề này, theo Chi cục Dân số tỉnh Tiền Giang, đây là sự cần thiết nhằm huy động sự tham gia, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Mục đích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng; phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất; phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai và chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau…
Buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Trường THPT Tân Hiệp, huyện Châu Thành. |
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân, mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình. Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm, nhờ đó tránh được những khúc mắc trong sinh hoạt vợ chồng.
Trong quá trình kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi được khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản như: Siêu âm tử cung, buồng trứng, làm tinh dịch đồ…, khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý của bản thân, để đánh giá khả năng mang gen di truyền bệnh lý và có thể ảnh hưởng tới con cái sau này hay không.
Với các xét nghiệm toàn diện được thực hiện, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi tránh sinh ra những đứa trẻ mắc một số bệnh di truyền thường gặp; đồng thời, giúp tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhờ đó hạn chế khả năng di truyền cho con cái, lây bệnh cho bạn đời cũng như có kế hoạch điều trị bệnh sớm.
Trong trường hợp 1 trong 2 người gặp vấn đề về sinh sản như: U nang buồng trứng, tinh trùng yếu, vô tinh… bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời.
Tại Tiền Giang, khi đưa chỉ tiêu tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân vào chỉ tiêu pháp lệnh, công tác này tại các địa phương đã có hiệu quả tích cực. Đặc biệt, các trung tâm y tế đã tạo điều kiện thuận lợi, miễn phí tiền khám cho các cặp đôi đến khám sức khỏe tiền hôn nhân. Các bạn trẻ chỉ tốn chi phí thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trong quá trình khám.
HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Tại Tiền Giang, từ năm 2013, mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại huyện Tân Phú Đông, đến năm 2017, mở rộng ra 88 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành, thị. Đến nay, 170/170 xã, phường, thị trấn đều có Tổ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân với hơn 800 thành viên là cán bộ y tế, dân số và tư pháp xã, tư vấn các nội dung hôn nhân và cuộc sống gia đình, các biện pháp tránh thai, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, các bệnh lý di truyền…
Bên cạnh tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn, mô hình còn tư vấn cộng đồng thông qua cộng tác viên dân số để tiếp cận, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; đưa các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào trong hoạt động của câu lạc bộ tiền hôn nhân tại cộng đồng, trong buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường phổ thông; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và nền tảng kỹ thuật số...
Kết quả, năm 2023, toàn tỉnh có 99,15% số cặp nam, nữ đăng ký kết hôn tại các địa phương được tư vấn miễn phí các nội dung về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Sau tư vấn, 32,25% các cặp đôi đã thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 2.419 cặp vợ chồng được tư vấn và 1.251 cặp vợ chồng khám sức khỏe trong 2.427 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn mới (kết hôn lần đầu, chưa có thai, chưa có con) tại UBND các xã, phường, thị trấn. Kết quả, tầm soát phát hiện 6 ca viêm gan B; 71 ca gan nhiễm mỡ; 11 ca nghi ngờ Thalassemia; 19 ca sỏi thận; 4 ca nang buồng trứng và 18 ca bệnh lý khác như: Hemangioma gan, sỏi thận, vôi hóa tuyến tiền liệt, sỏi túi mật, polyp túi mật, viêm nhiễm phụ khoa, thiếu máu, tăng huyết áp, hở van tim... tất cả các trường hợp bất thường trên đều được tư vấn và hướng dẫn điều trị.
Mô hình này đã nâng cao nhận thức cho thanh niên, trẻ vị thành niên và đặc biệt là nâng cao kỹ năng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn; đồng thời, làm giảm tỷ lệ sinh con dị tật, mắc các bệnh chuyển hóa bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Tại Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra các chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%”.
Để đạt được mục tiêu này, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cũng như toàn xã hội.
CẨM CHI - THỦY HÀ