.

Thuốc chữa bệnh vẫn loạn giá

Cập nhật: 09:21, 19/10/2024 (GMT+7)

Việc kiểm soát giá thuốc được ngành y tế đánh giá là khá chặt chẽ, song ghi nhận thực tế cho thấy giá thuốc vẫn mỗi nơi mỗi kiểu. Khi thuốc trên thị trường rơi vào cảnh loạn giá, người chịu thiệt không ai khác là người bệnh.

a
Người dân mua thuốc tại nhà thuốc Long Châu trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1, TPHCM

Mỗi nơi một giá

Anh Nguyễn Văn Hoàng (46 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) được bác sĩ kê đơn thuốc Lipanthyl (150mg) để điều trị rối loạn mỡ máu, liều dùng 1 viên/ngày, sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng/đợt điều trị. Trong đợt điều trị đầu tiên, anh mua thuốc Lipanthyl (150mg) tại hiệu thuốc gần nhà trên đường Trần Đình Xu, quận 1 với giá 17.000 đồng/viên. Các đợt điều trị sau đó, anh đến nhà thuốc Long Châu ở đường Phạm Viết Chánh, quận 1 mua với giá rẻ hơn, chỉ 11.330 đồng/viên. Theo giá kê khai tại Cục Quản lý Dược, thuốc Lipanthyl (150mg) có giá 11.618 đồng/viên. “Cùng loại thuốc nhưng giá chênh nhau gần 6.000 đồng. Nếu điều trị bệnh kéo dài, người bệnh không để ý sẽ bị “móc túi” số tiền khá lớn”, anh Hoàng bức xúc nói.

Tại 3 quầy thuốc H.L. (đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình), thuốc Fugacar dạng viên nén nhai do Thái Lan sản xuất có giá bán khác nhau, từ 22.000-27.000 đồng/viên. Theo giá kê khai tại Cục Quản lý Dược ngày 12-6, loại thuốc này có giá 19.335 đồng/viên. Tại nhà thuốc Đ.C. (đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3), thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm Dofoscar (chứa hoạt chất calcitriol 0,25mcg) có giá bán lẻ là 38.000 đồng/vỉ, trong khi giá kê khai với Bộ Y tế là 30.000 đồng/vỉ.

Giá thuốc “nhảy múa” chóng mặt ngay tại các nhà thuốc gần bệnh viện. Khi phóng viên hỏi mua thuốc Henex (điều trị suy tĩnh mạch) ở nhà thuốc H.P. (đường Sư Vạn Hạnh, gần Bệnh viện Nhân dân 115), nhân viên nhà thuốc báo giá 8.000 đồng/viên, cao gần gấp 2 lần so với giá bán tại nhà thuốc Đ.M. (đường Trần Hưng Đạo, quận 5). Trong khi đó, giá kê khai tại Bộ Y tế chỉ có 2.800 đồng/viên. Nhân viên bán hàng khẳng định, thuốc có giá cao hơn vì là thuốc nhập ngoại, trong khi nhãn thuốc ghi rõ là được sản xuất tại Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam (Bình Dương).

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, dù đã được bảo hiểm y tế chi trả phần lớn, song chi phí từ tiền túi của người bệnh cho chi tiêu y tế vẫn chiếm tỷ lệ khá cao với 43%, và chi phí tiền thuốc chiếm khoảng 60% chi phí điều trị.

Người bệnh thiệt đủ đường

Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù các cơ sở kinh doanh thuốc đã niêm yết và bán đúng giá công khai, nhưng mức giá này lại cao hơn nhiều lần so với quy định. Trong khi đó, thuốc là mặt hàng người bệnh khó mặc cả về giá. Dù giá cao nhưng để bảo đảm tính mạng, người bệnh vẫn phải chấp nhận mua.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, nêu thực tế, từ trước đến nay, cơ quan chức năng hầu như chỉ quản lý giá thuốc bán ra tại các hệ thống nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện (theo Thông tư 15 của Bộ Y tế). Tức là mua thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2%-15%. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc thì theo… quy luật cạnh tranh của thị trường, dẫn đến tình trạng mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, hiện nay việc quản lý giá thuốc rất lỏng lẻo. Việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 kỳ vọng giúp kiểm soát giá bán trên thị trường.

Mới đây, trả lời băn khoăn của cử tri TPHCM về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để tăng cường hơn nữa việc kiểm soát giá thuốc, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung biện pháp quản lý giá thuốc tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 (đã trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tuần sau).

Cụ thể: công bố giá bán buôn thuốc dự kiến; kiến nghị mức giá bán buôn dự kiến đã công bố... đối với thuốc kê đơn; kê khai giá theo pháp luật về giá đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu. Bên cạnh đó, hiện Bộ Y tế đã công bố thông tin giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn), qua đó người dân có đầy đủ thông tin để đối chiếu, so sánh và lựa chọn các thuốc với giá cả hợp lý.

TPHCM nghiên cứu xây dựng trung tâm dự trữ thuốc hiếm

UBND TPHCM vừa có văn bản báo cáo Thường trực HĐND TPHCM về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố. Để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là cung ứng các thuốc hiếm, TPHCM đang triển khai nghiên cứu xây dựng trung tâm dự trữ thuốc hiếm nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; đồng thời xây dựng phần mềm để tra cứu tồn kho thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất thuốc trong trường hợp khẩn cấp.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.