.

Cảnh giác các dịch bệnh xâm nhập vào trong nước

Cập nhật: 08:39, 26/12/2024 (GMT+7)

Nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới như: “Dịch bệnh bí ẩn” tại Công gô, đậu mùa khỉ… được đánh giá có nguy cơ xâm nhập vào trong nước, nhất là giai đoạn cuối năm, khi nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân gia tăng. 

Nhu cầu đi lại, nhập cảnh tăng cao tại sân bay. Ảnh: TTXVN
Nhu cầu đi lại, nhập cảnh tăng cao tại sân bay. Ảnh: TTXVN

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa thông tin, phát hiện 400 trường hợp mắc căn bệnh bí ẩn tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), và 31 trường hợp đã tử vong trong thời gian từ ngày 24/10 - 5/12/2024. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều là trẻ em dưới 14 tuổi, tại 9/30 khu vực thuộc vùng Panzi, tỉnh Kwango, phía Tây Nam Congo.
 
Các triệu chứng của bệnh này gồm: Sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ. Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em (53% số mắc và 54,8% số tử vong là dưới 5 tuổi) và tất cả các trường hợp nặng đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
 
Không chỉ dịch bệnh tại Congo, theo báo cáo mới nhất của WHO, tính đến ngày 15/12/2024, châu Phi đã ghi nhận 13.769 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 20 quốc gia, trong đó có 60 ca tử vong. Congo vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 9.513 ca bệnh. Đáng chú ý, đợt bùng phát mới nhất ghi nhận sự lây lan của biến thể nguy hiểm Clade 1b (xuất hiện lần đầu tiên tại Congo từ tháng 9/2023) và đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến thể Clade 1b tại 8 quốc gia ngoài châu Phi, trong đó có Thụy Điển, Thái Lan... Tỷ lệ tử vong khi mắc biến thể này là khoảng 3,6%, cao hơn các biến thể trước đó.
 
Hay mới đây, Nam Phi cũng đã cảnh báo về sự gia tăng đáng kể số ca mắc bệnh Rubella trên khắp cả nước, với hơn 10.000 ca được báo cáo từ đầu năm đến tháng 11/2024.
 
Trước bối cảnh các dịch bệnh tăng cao trên thế giới, các chuyên gia đánh giá, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là có thể xảy ra; nhất là giai đoạn gần Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định: “Các dịch bệnh hiện nay có xu hướng diễn biến nhanh hơn, xảy ra nhiều hơn. Các dịch từ nước ngoài xâm nhập qua biên giới cũng sẽ có tốc độ nhanh. Việc đi lại, giao lưu toàn cầu hóa gia tăng; việc con người tiếp xúc với động vật hoang dã cũng tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Có những loại virus trước kia chỉ lưu hành ở động vật, nhưng bây giờ đã lây sang người; gây ra dịch và tiếp tục lây lan từ người sang người, như bệnh đậu mùa khỉ”.
 
Do vậy, việc phòng các bệnh qua biên giới là điều cần phải lưu ý; bởi với các bệnh lây qua biên giới thường đã có biến chủng, độc lực cao, lây lan nhanh. Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam là một trong các thành viên của các tổ chức điều lệ y tế quốc tế, luôn có thông tin, theo dõi hàng ngày, sẽ có sự bám sát.
 
Cần các biện pháp mạnh
 
Về việc theo dõi các dịch bệnh trên thế giới hiện nay, TS. Trần Đại Quang, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Đối với các dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân hoặc có nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài; Bộ Y tế luôn có 2 kênh theo dõi: Thông qua các mạng lưới đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế, WHO khi có bất kỳ thông tin nào liên quan đến dịch bệnh chúng ta sẽ nhận được thông tin ngay; qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát dựa vào sự kiện để bám sát ngay từ các thông tin ban đầu, kể cả tin đồn. Với các trường hợp bệnh không rõ nguyên nhân tại Congo, Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ rất sớm. Tuy nhiên, việc thông tin thế nào đến người dân, cộng đồng cần có sự rà soát, xác minh để thông tin cho hợp lý”.
 
Theo TS. Trần Đại Quang, tính đến cuối tuần qua, chưa có thông tin nào mới về “dịch bệnh bí ẩn” tại Congo. Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi; tạm thời chưa có gì đáng lo ngại, vì WHO đã có sự khẳng định qua các kết quả xét nghiệm ban, đánh giá mức độ nguy cơ của dịch bệnh này thấp; chỉ lưu ý việc giám sát tại biên giới với quốc gia láng giềng gần khu vực xảy ra dịch.
 
Với các bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ xảy ra, Bộ Y tế vẫn đang theo dõi giám sát thường xuyên. Khi có bất kỳ diễn biến mới nào, đặc biệt có nguy cơ xâm nhập, ngành Y tế sẽ kích hoạt hệ thống kiểm dịch y tế, sẽ có các biện pháp kiểm soát ngay tại cửa khẩu, kiểm soát trước khi các hành khách nhập cảnh vào nội địa. Điều này giúp Việt Nam luôn chủ động trước các dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào trong nước.
 
Trong bối cảnh mùa lễ hội sắp tới, Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh đầu năm, mùa đông-xuân; gửi về các địa phương để có sự chủ động trong công tác phòng chống dịch.
 
Giai đoạn hiện nay, khí hậu lạnh, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây lan qua đường hô hấp; các kế hoạch chủ yếu tập trung giám sát các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các ca bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp… Không chỉ riêng ngành Y tế, trong phòng chống dịch, cần sự phối hợp của các ngành khác thường xuyên như: Ngành Nông nghiệp thông tin về các ổ dịch trên gia cầm, động vật; tại các cửa khẩu, các chợ gia cầm… để có thông tin sớm, có sự chủ động; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp trong kiểm soát lây lan dịch bệnh trong trường học…
 
“Việc phòng bệnh phải thực hiện thường xuyên và từ những việc nhỏ như vệ sinh, mặc ấm, an toàn thực phẩm… Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật các khuyến cáo từ Bộ Y tế để nếu có các dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm thì kịp thời có thông báo với ngành y tế để có biện pháp xử lý, tránh lây lan dịch bệnh. Để các biện pháp phòng bệnh đi vào cộng đồng, dễ nhớ, dễ làm cần nâng cao công tác truyền thông, cập nhật các hướng dẫn để truyền tải đến người dân”, TS. Trần Đại Quang cho biết.
 
(Theo https://baotintuc.vn/y-te/canh-giac-cac-dich-benh-xam-nhap-vao-trong-nuoc-20241224162910438.htm)
 

 

.
.
.