.

Kết hợp Đông-Tây y đem lại hiệu quả cao trong phòng chống đột quỵ não

Cập nhật: 14:57, 23/12/2024 (GMT+7)

Với những phương pháp điều trị đa dạng và kinh nghiệm lâu đời, y học cổ truyền không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn có thể hỗ trợ tích cực trong quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ não.

a
GS,TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam trao đổi về vai trò của phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Ngày 23/12, Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc Đông-Tây y kết hợp trong phòng, chống đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm cho các cán bộ, hội viên của Hội Đông y Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giúp các thầy thuốc đông y trên cả nước có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh và chăm sóc hiệu quả cho bệnh nhân đột quỵ não.

Các chuyên gia đầu ngành về Tây y cập nhật những điểm mới trong sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân đột quỵ não: những tiến bộ mới trong nghiên cứu bệnh lý mạch máu; chẩn đoán và điều trị đột quỵ não; chỉ định và các phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị nhồi máu não, xuất huyết não…

Về phần Đông y, các tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân như: tổng quan trúng phong; phục hồi chức năng sau đột quỵ; các di chứng sau đột quỵ não và vai trò của châm cứu - cấy chỉ trong phục hồi chức năng các di chứng sau đột quỵ; công trình nghiên cứu dòng sản phẩm phòng và điều trị huyết khối, đột quỵ từ thảo dược…

a
PGS,TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nêu rõ, đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Việc tìm ra các phương pháp phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng hiệu quả là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Trong bối cảnh đó, sự kết hợp giữa Đông y và Tây y mở ra những triển vọng mới, tận dụng những ưu điểm của cả hai hệ thống để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Hằng năm trên thế giới có khoảng 12,2 triệu người bị đột quỵ não, trong đó khoảng 16% là người trẻ từ 15 đến 49 tuổi. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ não và đang trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, với tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và gây khả năng tàn tật nặng nề cao.

Điều này đòi hỏi cần có sự can thiệp kịp thời trong công tác phòng ngừa, phát hiện và điều trị. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện cơ sở hạ tầng y tế vẫn là những yếu tố then chốt để giảm thiểu tác động của bệnh lý này.

Đáng chú ý, y học cổ truyền Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phòng ngừa và phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não. Với những phương pháp điều trị đa dạng và kinh nghiệm lâu đời, y học cổ truyền không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn có thể hỗ trợ tích cực trong quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ.

Các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, và thảo dược có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, phục hồi chức năng vận động, giảm thiểu di chứng và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình hồi phục. Nhưng việc sử dụng y học cổ truyền cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc có chuyên môn để bảo đảm hiệu quả và an toàn, đặc biệt khi kết hợp với các phương pháp điều trị Tây y.

a
Điều trị cho người bệnh đột quỵ tại Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai).

GS, TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng lưu ý, đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, dễ để lại hậu quả di chứng, do đó phục hồi chức năng đối với người bệnh là rất quan trọng. Ngày nay với sự tiến bộ của y học, phục hồi chức năng giai đoạn cấp góp phần phục hồi và tiên lượng cho người bệnh.

Quan điểm trước đây thường cho rằng phục hồi chức năng được thực hiện sau khi có di chứng, nhưng hiện nay, phục hồi chức năng từ giai đoạn cấp có tác động đến tính mềm dẻo của não và có thể thúc đẩy cải thiện tình trạng.

Thực hiện phục hồi chức năng chất lượng cao ngay từ giai đoạn cấp bằng y tế nhóm, với sự phối hợp bác sĩ ngoại thần kinh, nội thần kinh, phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng, dược sĩ… góp phần phục hồi chức năng và nâng cao tỷ lệ hòa nhập xã hội của người bệnh đột quỵ não.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.