Năm 2024 đột phá và thách thức của ngành y tế
Hai luật BYHT và Dược sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khám chữa bệnh, song nhiều bệnh dịch trỗi dậy, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt... đánh dấu năm 2024 bận rộn của ngành y.
Nhiều Luật mới tác động lớn y tế
Năm 2024 chứng kiến nỗ lực của ngành y tế khi tham gia soạn thảo, sửa đổi và được Quốc hội thông qua Luật BHYT sửa đổi và Luật Dược sửa đổi. Đây là hai Luật có tính tác động lớn đến hoạt động khám chữa bệnh người dân, giải quyết nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu trong quy định thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), kinh doanh mua sắm thuốc...
Luật BHYT sửa đổi xóa bỏ "địa giới hành chính", chi trả 100% mức hưởng bảo hiểm cho người bệnh tại các cơ sở y tế thay vì phân cấp như trước, cho phép điều chuyển thuốc BHYT giữa các bệnh viện, thanh toán lại chi phí bệnh nhân mua thuốc ngoài bệnh viện khi thiếu thuốc... Luật mới cũng giải quyết tình trạng giấy chuyển viện, phân cấp BHYT theo hạng nhiều năm gây thiệt thòi và phiền phức cho bệnh nhân.
Còn Luật Dược sửa đổi tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm thuốc, giúp người dân dễ tiếp cận thuốc mới. Đồng thời, nhiều quy định siết và minh bạch giá thuốc, hỗ trợ dược nội địa phát triển, chống đầu cơ đội giá qua các tầng trung gian, cấm bán online thuốc kê đơn.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở, khoảng 10% tùy loại dịch vụ. Bộ Y tế đánh giá mức điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến người dân, bởi người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%.
Ngoài ra, Bộ Y tế xây dựng nhiều thông tư, nghị định trình Quốc hội thông qua, trong đó nổi bật nhất là cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đây là lần đầu tiên vấn đề cấm thuốc lá điện tử được đặt ra tại nghị trường và đạt được thống nhất cao từ đại biểu Quốc hội.
Ca hiến tạng tăng mạnh
Số ca chết não hiến mô tạng trong năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái, nâng tổng số ca lên hơn 180, được cho là "chưa từng có" trong lịch sử 32 năm ghép tạng. Điều này góp phần đưa tỷ lệ tạng ghép từ người cho chết não lên 10%, trong khi trước đây là 5-6%. Thời gian qua, các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện liên tiếp ra đời; nhân viên được tập huấn kiến thức tăng nhận diện người chết não tiềm năng và thuyết phục gia đình; tăng năng lực chẩn đoán, hồi sức khi chết não...
Ở Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức ghi tên mình trong bản đồ ghép tạng thế giới khi lần đầu tiên ghép đồng thời tim và gan cho một bệnh nhân nguy kịch. Sự kiện một lần nữa khẳng định Việt Nam làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.
Các y bác sĩ cúi đầu tri ân chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng tại Bệnh viện Thống Nhất, trước khi phẫu thuật lấy các mô tạng ra khỏi cơ thể và chuyển đi các trung tâm ghép tạng, ngày 24-11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Thành tựu y khoa nổi trội
Đầu năm nay, ê kíp bác sĩ Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ phối hợp thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng đầu tiên Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Kỹ thuật này đòi hỏi rất lớn ở tay nghề bác sĩ, hiện chỉ vài nơi trên thế giới thực hiện được. Công trình được vinh danh là một trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023.
Đến nay, nhiều trẻ chào đời khỏe mạnh sau khi sửa dị tật tim trong bụng mẹ. Trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh tương tự đều phải chờ đến khi em bé ra đời, nuôi đến lúc nặng vài kg mới can thiệp được. Không ít trẻ do tình trạng quá nặng, đã tử vong trong bụng mẹ, hoặc khi chào đời tim đã hỏng nặng, dù can thiệp nhiều lần cũng khó trở lại bình thường.
Các y bác sĩ hai bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 trong ca can thiệp tim bào thai đầu tiên, hồi tháng 1. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Bên cạnh những thành quả mang tính đột phá trong năm, ngành y tế đối mặt với tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể tăng cao với số vụ, số nạn nhân nhiều kỷ lục; nhiều dịch bệnh bất ngờ tái xuất.
Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt
Ngành y tế ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, mức độ tác động lên đến hàng trăm người, nhất là ở các khu công nghiệp. Mới đây, gần 100 công nhân ba nhà máy thuộc khu công nghiệp WHA ở Nghệ An bị ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa. Trước đó, 287 công nhân tại khu công nghiệp Hòa Phú ở Vĩnh Long cũng đi cấp cứu do thức ăn nhiễm khuẩn. Hàng nghìn công nhân các công ty tại Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Phước, Hải Phòng, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... cũng xảy ra ngộ độc.
Các trường học cũng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, như 40 sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai, 23 học sinh Kiên Giang cấp cứu sau khi ở căn tin trường. 72 học sinh Hà Giang ngộ độc sau ăn tiệc Trung thu, 29 học sinh ở Khánh Hòa nhập viện sau ăn cơm cuộn, cơm nắm mua của người bán rong trước cổng trường.
Nhiều vụ ngộ độc lớn xảy ra tại các quán ăn. Tháng 8, bánh mì từ tiệm Hồng Ngọc ở Đồng Tháp khiến 149 người bị ngộ độc, nguyên nhân do pate gan tự sản xuất nhiễm khuẩn Salmonella. 48 du khách ở Bình Thuận nhập viện hồi tháng 7 sau khi ăn ở nhà hàng. Trước đó, hơn 560 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng ở Đồng Nai, trong đó một em bé 6 tuổi tử vong. Tháng 4, rong biển cơm cuộn từ cơ sở bán rong ở Khánh Hòa nhiễm khuẩn cũng khiến 74 người ngộ độc. Tháng 3, hàng trăm người ngộ độc sau khi ăn cơm gà mua ở quán Trâm Anh. Cuối tháng 1, gần 160 người cũng ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm Thu Hà.
Các chuyên gia đánh giá những vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt có tác động đến nhiều khía cạnh của xã hội và đặt ra nhiều thách thức lớn, bao gồm hệ quả lên sức khỏe trực tiếp và lâu dài, tăng chi phí cũng như áp lực lên hệ thống y tế. Mặt khác, chúng có thể khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng thực phẩm, gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.
Nhiều dịch bệnh trỗi dậy
11 tháng đầu năm, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 5.000 ca dương tính với virus sởi, cao hơn 111 lần so với năm 2023. Những năm trước, các ca bệnh chỉ rải rác. Ngoài nguyên nhân liên quan đến tính chu kỳ của dịch bệnh, số ca sởi ở nước ta tăng cao còn do tỷ lệ tiêm chủng thấp, khan hiếm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng những năm sau đại dịch Covid. TP HCM công bố dịch từ cuối tháng 8, triển khai chiến dịch tiêm vaccine miễn phí ngay sau đó, song đến nay số ca vẫn không ngừng tăng, với hơn 16.000 ca bệnh, trong đó 4 trẻ tử vong.
Số ca bệnh lao tại Việt Nam tăng cao, trong bối cảnh số ca mắc toàn cầu ở mức cao nhất, trở thành bệnh truyền nhiễm chết chóc nhất trong năm qua, vượt qua Covid-19. Nước ta hiện đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới, gần 40% người bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện điều trị.
Các ca bạch hầu cũng liên tiếp được phát hiện ở Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa... với số người mắc và có tiếp xúc lên tới hàng trăm. UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát hôm 11/8 đến 23/8. Hồi giữa năm, các bệnh viện tại Hà Nội, TP HCM cũng ghi nhận lượng trẻ mắc ho gà tăng đột biến, phần lớn trẻ dưới một tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine.
Sự trỗi dậy của các dịch bệnh gây áp lực lên y tế, dẫn đến quá tải bệnh viện, thiếu nhân lực và trang thiết bị. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong dự phòng bệnh, đòi hỏi sự đáp ứng rất lớn của hệ thống y tế và nguồn lực của toàn xã hội.
(Theo vnexpress.net)