Tiền Giang thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực dân số
Theo đánh giá của Tổng cục Dân số, Tiền Giang là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác dân số. Những năm qua, hoạt động dân số của tỉnh đi đúng hướng, đó là đầu tư vào các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
HƯỚNG ĐI ĐÚNG
Trong năm 2024, Tiền Giang tiếp tục đầu tư cho các hoạt động dân số và phát triển. Đây là sự đầu tư đúng hướng trong điều kiện hiện nay. Cụ thể, trước xu thế mức sinh giảm của cả nước, thì Tiền Giang đã triển khai Chương trình “Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030”, với nhiều hoạt động thiết thực.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hoạt động thích ứng với điều kiện già hóa dân số hiện nay. |
Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số. HĐND tỉnh đã tiên phong trong việc ban hành Nghị quyết 26 nhằm khen thưởng, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, quy định mức hỗ trợ cộng tác viên dân số và chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có gần 9.300 phụ nữ sinh đủ 2 con đủ điều kiện lập hồ sơ khen thưởng, trong số này có hơn 7.100 phụ nữ đã được khen thưởng. Sở Y tế đã và đang trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận 6 xã thực hiện đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ 2 con là xã Thạnh Hòa và Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước; xã Phú Phong, huyện Châu Thành; xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho; phường Long Thuận, TP. Gò Công; xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo.
HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 17 quy định kinh phí hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ngành Dân số tỉnh bảo đảm cấp đủ phương tiện tránh thai (PTTT) cho các đối tượng miễn phí, không để đối tượng được cấp miễn phí PTTT không được thụ hưởng chính sách.
Song song đó, tỉnh tiếp tục tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt, lồng ghép kết hợp cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn và các dịch vụ khác về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Gần 10 năm qua, Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”. Theo đó, đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
Tiếp tục đưa các nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình giáo dục cho học sinh các trường phổ thông, chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường chính trị, hành chính và đưa vào quy ước của tổ dân phố.
Kết quả là nhiều năm qua Tiền Giang đã thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2030 của chương trình là đưa tỷ số giới tính khi sinh quay về mức 109 bé trai/100 bé gái; con số này của năm 2024 là 108,4 bé trai/100 bé gái.
Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ triển khai hiệu quả. Tỉnh đã mở rộng hệ thống tin quản lý hậu cần PTTT và cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý hậu cần, theo dõi quản lý đối tượng.
Thực hiện các biện pháp thúc đẩy, linh hoạt trong cung cấp dịch vụ lâm sàng tại các cơ sở y tế và phi lâm sàng qua mạng lưới cộng tác viên dân số. Huy động tối đa việc cấp phát PTTT phi lâm sàng tại nhà cho đối tượng có nhu cầu, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ tránh thai trên địa bàn.
Đặc biệt, Chương trình Sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung (CTC) thực hiện rất hiệu quả. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã sàng lọc ung thư vú cho gần 74.500 phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 54 tuổi, qua đó phát hiện hơn 1.000 trường hợp có bất thường ở tuyến vú để tầm soát tiếp và đã chẩn đoán xác định 169 trường hợp mắc bệnh.
Có 73.159 phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 54 tuổi có chồng được tầm soát ung thư CTC, kết quả phát hiện 215 trường hợp mắc bệnh. Việc tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hiệu quả điều trị chữa lành của bệnh nhân.
Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đạt kết quả mà chương trình hướng đến vào năm 2030. Trong đó năm 2024, tỉnh có 15.211/20.903 thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh, đạt tỷ lệ 72,77%; qua tầm soát phát hiện 14 trường hợp bất thường, từ đó đề xuất hướng xử lý phù hợp. Có 16.946/18.026 trẻ sinh ra được thực hiện sàng lọc sơ sinh, chiếm hơn 94%, kết quả phát hiện 80 trẻ thiếu men G6PD, 4 trẻ suy giáp và 2 trẻ tăng sản thượng thận.
Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân: Tổ chức tư vấn cộng đồng thông qua cộng tác viên dân số để tiếp cận, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Đưa các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào trong hoạt động của Câu lạc bộ Tiền hôn nhân tại cộng đồng; trong buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường phổ thông.
Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và nền tảng kỹ thuật số. Trong năm qua, trên 99,7% cặp đăng ký kết hôn mới được tư vấn và trên 51% thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Các cộng tác viên dân số tích cực phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân và cộng đồng thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thanh niên không tảo hôn, không kết hôn cận huyết. Kết quả năm 2024, có 20 cặp tảo hôn, giảm 91,5% so với năm 2019, đạt và vượt chỉ tiêu trong Chiến lược Dân số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tiếp tục duy trì hoạt động 164 câu lạc bộ, thực hiện lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi.
Toàn tỉnh đã khám và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 207.434 người cao tuổi, đạt 63,38% và trong năm đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ bằng ngân sách tỉnh cho 20.380 người từ 81 tuổi, đạt 100,57% so với kế hoạch.
NHỮNG KHÓ KHĂN
Trong 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển, Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác dân số. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt. Theo Bộ Y tế, công tác dân số nước ta trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên… Đây cũng là khó khăn mà Tiền Giang đang gặp phải trong công tác dân số.
Thông tin từ Chi cục Dân số Tiền Giang, trong năm 2024, công tác dân số của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chỉ tiêu đạt ở mức cao, hoàn hành vượt mức so với mục tiêu đề ra cho năm 2030. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng vẫn còn chỉ tiêu không đạt, đó là các chỉ tiêu về mức sinh.
Trong năm 2024, chỉ tiêu về mức sinh của tỉnh đặt ra là tỷ suất sinh thô ở mức 13‰ đến 14‰ nhưng thực hiện chỉ đạt 11,55‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đề ra là 0,8% nhưng chỉ đạt 0,64%; tổng số con của 1 phụ nữ đề ra là 1,8 - 2,1 con, chỉ đạt 1,7 con; do đó kéo theo chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh giảm đi 1,56 điểm ‰, trong khi chỉ tiêu đề ra cho năm 2024 là tăng 0,3 điểm ‰.
Trên cơ sở kết quả công tác dân số năm 2024, Sở Y tế Tiền Giang đã đề ra kế hoạch công tác dân số của năm 2025. Trong đó, sẽ tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác dân số. Cụ thể, các hoạt động nhằm đạt mức sinh thay thế như tuyên truyền, vận động người dân sinh đủ 2 con, nuôi dạy tốt. Cung cấp đầy đủ PTTT phi lâm sàng thông qua việc thực hiện Đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020 -2030” và duy trì tiếp thị xã hội các PTTT.
Thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số như tổ chức tư vấn cộng đồng thông qua cộng tác viên dân số để tiếp cận, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Đưa các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vào trong hoạt động của Câu lạc bộ Tiền hôn nhân tại cộng đồng, trong buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường phổ thông.
Sở Y tế tiếp tục thực hiện Đề án “Xã hội hóa sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh giai đoạn 2021 - 2030” và Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; các chương trình: Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.
THỦY HÀ