.

Cuộc chiến dài hơi chống dịch sốt xuất huyết tại phía Nam

Cập nhật: 12:21, 16/12/2024 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng liên tục ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết, với nguy cơ tiếp tục tăng vào cuối năm trong bối cảnh tình hình thời tiết nắng, mưa thay đổi thất thường. Thực tế này đang đặt ra bài toán cho chính quyền và cả cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, đồng thời gây áp lực lên hệ thống y tế nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Thách thức lớn trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phải đối mặt với gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng. Trước đây, sốt xuất huyết thường bùng phát theo chu kỳ rõ ràng; nhưng hiện nay, đã lan rộng gần như quanh năm và không còn giới hạn ở một số địa phương nhất định. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực phía Nam, dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp. Theo Sở Y tế Thành phố, chỉ từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 14.000 ca mắc, trong đó riêng tuần qua có tới 659 trường hợp mới. Một số khu vực như Quận 1, TP Thủ Đức và Quận 7 dẫn đầu với số ca mắc trên 100.000 người.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng với nhiều biến chứng nguy kịch như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan và suy đa cơ quan.

Sốt xuất huyết đã và đang tạo ra gánh nặng lớn cho ngành y tế, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế, đời sống của người dân. Ảnh: VNVC
Sốt xuất huyết đã và đang tạo ra gánh nặng lớn cho ngành y tế, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế, đời sống của người dân. Ảnh: VNVC


Sốt xuất huyết, căn bệnh do virus Dengue gây ra, đã trở thành một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách. Mặc dù dạng nhẹ của bệnh chỉ gây sốt, phát ban và đau nhức, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành dạng nặng, gây chảy máu nghiêm trọng, suy đa tạng và thậm chí là tử vong. Điều đáng nói là các triệu chứng ban đầu thường bị nhầm lẫn với cảm sốt thông thường, khiến việc phát hiện sớm trở thành một thách thức lớn.

Lý giải sự bùng phát mạnh mẽ của dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng chính là hai yếu tố hàng đầu. Hiện tượng “El Niño” trong năm nay đã khiến thời tiết tại Nam Bộ trở nên khắc nghiệt, với những tháng nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt mưa trái mùa bất thường. Chính sự giao thoa này tạo ra môi trường lý tưởng cho muỗi “Aedes aegypti” (loài côn trùng truyền virus sốt xuất huyết, có khả năng sinh sôi mạnh mẽ).

Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tại phía Nam lại góp phần không nhỏ vào sự lây lan của dịch bệnh. Các khu vực đông dân cư, thiếu không gian xanh và hệ thống thoát nước kém là những “điểm nóng” của dịch sốt xuất huyết.

Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG LÊ
Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG LÊ


Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng còn chưa cao cũng là một phần nguyên nhân. Mặc dù đã có nhiều chiến dịch tuyên truyền, nhưng việc diệt lăng quăng, xử lý rác thải, hay che đậy các dụng cụ chứa nước vẫn chưa được thực hiện triệt để ở nhiều hộ gia đình. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, có những khu vực được phun thuốc diệt muỗi nhưng chỉ sau vài ngày, tình trạng muỗi vẫn tái diễn vì các ổ lăng quăng chưa được xử lý dứt điểm.

Chủ động trong công tác phòng, chống dịch

Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiểm soát và giảm thiểu tác động của sốt xuất huyết tại Việt Nam? Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết ngày càng diễn biến phức tạp, vắc xin sốt xuất huyết đang được xem như một “vũ khí mới” trong cuộc chiến phòng ngừa bệnh, đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu gánh nặng y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ở nước ta, sau khi cấp phép sử dụng loại vắc xin này vào tháng 5, đã chính thức đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, cho phép người dân chủ động tiêm phòng bằng chi phí tự chi trả. Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm giảm số ca mắc bệnh, nhập viện và cả áp lực đè nặng lên hệ thống y tế nói chung.

Tuy nhiên, vắc xin không phải là “lá chắn” toàn năng. Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn tồn tại do sự hiện diện của muỗi và bọ gậy, những tác nhân trong chuỗi lây truyền. Do đó, bên cạnh việc tiêm chủng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành y tế và cộng đồng để kiểm soát tình hình. Trước tiên, việc nâng cao nhận thức cộng đồng cần được đặt lên hàng đầu. Các chiến dịch tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phát tờ rơi hay tổ chức hội thảo, mà cần đi sâu vào từng hộ gia đình, đặc biệt ở các khu vực nguy cơ cao. Sự tham gia chủ động của người dân trong việc loại bỏ ổ lăng quăng, sử dụng màn chống muỗi và giữ vệ sinh môi trường là yếu tố then chốt để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ gốc.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần triển khai các biện pháp quyết liệt hơn để xử lý triệt để môi trường sống của muỗi. Việc tổng vệ sinh môi trường, cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý các công trình xây dựng dang dở phải được thực hiện định kỳ. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Sốt xuất huyết vẫn sẽ là bài toán đối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và tốc độ đô thị hóa không ngừng tăng cao. Trong cuộc chiến dài hơi này, sự chung tay của chính quyền, ngành y tế và người dân là yếu tố quyết định thành bại. Đã đến lúc không chỉ “chữa cháy” mà phải hành động bài bản, chiến lược để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xây dựng một hệ thống phòng, chống dịch bền vững.


 (Theo qdnd.vn)

.
.
.