.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm

Cập nhật: 20:38, 11/12/2024 (GMT+7)
Tại các bệnh viện trên cả nước, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), sởi, ho gà và các bệnh hô hấp nhập viện có xu hướng tăng nhanh. Các chuyên gia y tế dự báo, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
 
Nhiều ca mắc SXH biến chứng nặng
 
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tiếp nhận và điều trị em Tr.Q.V. (15 tuổi, ngụ quận Bình Tân) bị sốc SXH, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, ói, tay chân lạnh. Ngay lập tức, bệnh nhi được truyền dịch cao phân tử chống sốc, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương và được đặt nội khí quản... Sau gần 10 ngày điều trị, bệnh nhi dần bình phục, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng đông máu trở về bình thường. 
Nhiều bệnh nhi nhập viện vì sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: GIAO LINH
Nhiều bệnh nhi nhập viện vì sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: GIAO LINH

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi B.N.M.K. (4 tuổi, ngụ Vĩnh Long, tạm trú ở quận Tân Phú) cũng bị sốc SXH nặng. Sau gần 3 tuần điều trị với 6 đợt lọc máu liên tục, tình trạng trẻ cải thiện, chức năng gan thận trở về bình thường, được cai máy thở, tỉnh táo...

Theo BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mặc dù chưa tới mùa mưa nhưng dịch SXH đang diễn biến phức tạp, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan và suy đa cơ quan… Nhiều trẻ khi thăm khám ở các cơ sở y tế tuyến trước, phòng khám tư nhân, bị chẩn đoán sai do không nhận ra các dấu hiệu lâm sàng của SXH.
 
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 13.400 ca mắc SXH, riêng tuần qua ghi nhận 659 trường hợp, là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất khu vực phía Nam (chiếm 25,0% tổng số ca mắc của khu vực). Trong đó, đã có 1 ca tử vong là nữ bệnh nhân, ngụ huyện Bình Chánh.
 
Trong khi đó, tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết, trong tuần đầu của tháng 12, Hà Nội ghi nhận thêm khoảng 580 ca mắc SXH; tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là trên 8.000 trường hợp mắc và vẫn còn tới 45 ổ dịch SXH chưa được khống chế.
 
Dịch sởi vẫn chưa hạ nhiệt
 
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 19.000 ca bệnh sởi. Đối tượng mắc sởi nhiều nhất là nhóm trẻ từ 1-10 tuổi, chiếm khoảng 60% tổng số ca bệnh. Hiện dịch bệnh vẫn đang tăng nhanh ở nhiều địa phương, với 46 ổ dịch đang hoạt động. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM là 3 tỉnh, thành phố có số ca sởi cao nhất. Tại TPHCM, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận rất đông bệnh nhân sởi từ địa phương khác, trong đó người lớn mắc sởi đang gia tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm. 
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: GIAO LINH
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: GIAO LINH
Ngày 10-12, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP). Theo Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, các bệnh viện liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp viêm phổi nhập viện, trong đó có nhiều ca mắc cúm A (H5) được chuyển từ tỉnh Long An lên điều trị.

Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang; tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ trì, phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện hoạt động giám sát những trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca mắc sởi của thành phố chủ yếu tập trung ở các quận huyện tiếp giáp với Đồng Nai và Bình Dương. “TPHCM triển khai giải pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để rà soát, mời tiêm. Thế nhưng, hiện còn rất nhiều trẻ không nằm trong danh sách quản lý, thậm chí không nằm trong danh sách quản lý tiêm chủng của Bộ Y tế”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đề nghị các bệnh viện thực hiện tốt việc cách ly điều trị sởi, tăng cường điều trị ngoại trú, duy trì hội chẩn với tuyến trên, hạn chế chuyển tuyến để giảm nguy cơ lây lan rộng.

Về công tác tiêm chủng, TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đã hoàn thành với kết quả từ 95% trở lên, thậm chí trên 100% (như tại TPHCM). Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tăng cao, kể cả ở nhóm tuổi thuộc chiến dịch tiêm chủng. Nghịch lý tỷ lệ tiêm vượt chuẩn, ca nhiễm vượt dự báo khiến cho diễn biến dịch rất phức tạp. Trong đó có nguyên nhân là địa phương chưa rà soát chính xác số lượng trẻ em và tiếp cận để mời tiêm, đặc biệt trẻ thuộc nhóm biến động dân cư, nhóm trẻ theo cha mẹ lên các thành phố làm việc; các khu công nhân, nhà trọ… 
 
(Theo www.sggp.org.vn)
 
 

 

.
.
.