.

Muốn thành công phải biết vượt qua sự tiếc nuối

Cập nhật: 16:28, 12/11/2021 (GMT+7)

Ngày đội tuyển bóng đá nam Việt Nam chính thức vượt qua vòng loại thứ 2 để bước vào vòng loại thứ 3 sân chơi danh giá nhất thế giới - World Cup, người hâm mộ cả nước đã sướng phát điên.  

Công Phượng và đội tuyển Việt Nam đã nỗ lực đến cùng trong trận đấu với Nhật Bản trên sân Mỹ Đình. Ảnh: MINH HOÀNG
Công Phượng và đội tuyển Việt Nam đã nỗ lực đến cùng trong trận đấu với Nhật Bản trên sân Mỹ Đình. Ảnh: MINH HOÀNG

Chúng ta bỏ lại toàn bộ Đông Nam Á trong đó có ông kẹ Thái Lan - đội cũng từng bước đến vòng đấu này như chúng ta. Chúng ta là trong 12 vì tinh tú Á châu cạnh tranh cho 4,5 suất dự World Cup 2022. Tự hào chứ! Hy vọng chứ!

Nhưng, nếu thành thật với lòng mình thì trước khi bóng lăn, chắc hẳn mỗi chúng ta đều không thể bỏ qua lý trí mà đặt cửa 100% Việt Nam có thể giành vé đi Qatar năm sau. Vì bảng đấu của chúng ta có những ai? Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Oman và Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Oman là ta có thể nuôi hy vọng có điểm thì 3 đối thủ còn lại đều quá mạnh để nghĩ đến một kết quả hòa.

Thực tế, thầy trò HLV Park Hang-seo đã làm không hề tệ. Đặc biệt nếu so sánh với các đội tuyển Việt Nam trước đây, đó là một sự tiến bộ vượt bậc. Những trận thua trước Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman, chúng ta đều ghi được bàn thắng vào lưới đối thủ, thậm chí trước Saudi và Oman chúng ta còn là đội dẫn trước. Đó đều là những bàn thắng đẹp, đẳng cấp cao. Trước 2 đối thủ mạnh nhất bảng là Nhật và Australia, chúng ta chỉ để thủng lưới duy nhất một bàn, điều mà trước kia đã được xem là kỳ tích. Trước Trung Quốc, chúng ta dù bị dẫn trước 2 bàn vẫn bình tĩnh, bản lĩnh kéo trận đấu về vạch xuất phát và chỉ đánh rơi 1 điểm đầy đáng tiếc vào phút chót.

Văn Thanh tranh chấp bóng bổng với cầu thủ Nhật Bản. Ảnh: MINH HOÀNG
Văn Thanh tranh chấp bóng bổng với cầu thủ Nhật Bản. Ảnh: MINH HOÀNG

Kết thúc 5 trận đấu lượt đi, Việt Nam thua cả 5 và nhận về tròn trĩnh 0 điểm. Chỉ nhìn vào kết quả, chúng ta là rổ điểm của bảng đấu. Nhưng nhìn vào từng trận đấu, các đối thủ cũng không quá dễ dàng để lấy 3 điểm trước chúng ta. Chúng ta đã toàn thua nhưng cách chúng ta ứng xử trong mỗi trận thua, mỗi bàn thua đã khác trước rất nhiều: không vỡ trận, không buông xuôi, không đổ lỗi, không tiêu cực. Đó là một cách thua văn minh và mang theo hy vọng.

Đọng lại sau 5 trận đấu đã qua tại vòng sơ loại thứ 3 của đội tuyển Việt Nam là một sự tiếc nuối. Nhưng chỉ là tiếc nuối nhẹ thôi. Vì những bàn thắng sớm của Quang Hải, Tiến Linh, siêu phẩm của Tấn Tài, pha phối hợp đỉnh cao của Công Phượng - Quang Hải - Tiến Linh, những tình huống xử lý mãn nhãn của Hoàng Đức, chiếc thẻ đỏ của Duy Mạnh, sự non nớt của Thanh Bình, VAR (siêu nhòe) trong trận với Australia… không đủ để đảm bảo cho Việt Nam có được những kết quả khả quan hơn. Nhìn vào thế trận, dù không còn quá lép vế nữa nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn còn cách xa các đối thủ một đến vài bậc.

Cảm giác tiếc nuối rất dễ khiến con người ta đánh mất đi sự tỉnh táo và khách quan trong nhìn nhận, đánh giá. Sự tiến bộ và những thành công liên tiếp của đội tuyển Việt Nam ở sân chơi U23, sân chơi Đông Nam Á đã khiến khán giả có phần no nê, quen dần với những chiến thắng, từ đó mà sự kỳ vọng, đòi hỏi cũng nhanh chóng được nâng cấp lên. Để tới sân chơi vòng sơ loại thứ 3 World Cup 2022 này chúng ta mới chợt nhận ra mình còn một quãng đường dài nữa phải đi để có thể đàng hoàng ngồi chung mâm với các đại gia châu lục.

Các Cổ động viên trung thành của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG
Các Cổ động viên trung thành của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG

Cứ tiếc nuối đi, vì đó là cảm xúc tự nhiên rất người. Nhưng chỉ nên một chút thôi vì thứ chúng ta đánh mất không phải thứ quá lớn khiến có thể thay đổi cục diện. Chỉ nên một thoáng thôi vì chúng ta vẫn còn 5 trận lượt về, và xa hơn là cả một kế hoạch cho Asian Cup, World Cup 2026. Và, cũng không thể quá kẻ cả, khệnh khạng mà bỏ qua những SEA Games, AFF Cup. Vì, có thể chúng ta không cần những chiếc cúp, những chiếc huy chương đó nữa, nhưng chúng ta vẫn cần môi trường cọ xát, thử nghiệm, khẳng định. Sự vươn tầm nào cũng cần những trải nghiệm và bệ phóng. Sẽ không có đội tuyển Việt Nam tại vòng sơ loại thứ 3 World Cup 2022 này nếu không có những Thường Châu tuyết trắng, AFF Cup lần 2, SEA Games sau một vòng hoa giáp (60 năm)…

Tiếc nuối không giúp ta thành công. Nó chỉ khiến ta được nuông chiều cảm xúc. Và sự nuông chiều nào cũng dễ sinh ra lười biếng, ủy mị, hư hỏng. Vì thế muốn thành công phải biết vượt qua sự tiếc nuối. Dù cho đó là tiếc nuối về những chiến thắng, thành công đã qua hay về những sai lầm không đáng có.

Có thể thế hệ này đã có nhiều cầu thủ “đụng trần” năng lực. Có thể đây sẽ là đỉnh cao cuối của một chu kỳ thành công. Không sao cả. Sự chấp nhận và bản lĩnh đối mặt với thực tế - dù nghiệt ngã thế nào, là điều kiện cần để kiến tạo nên những thành công tiếp theo. Bóng đá hay cuộc đời đều như vậy. Chúng ta đã nghe thấy thầy Park nói rất nhiều về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam trong họp báo sau trận đấu.

Các CĐV luôn dành cho đội tuyển một tình yêu vô bờ bến. Ảnh: MINH HOÀNG
Các CĐV luôn dành cho đội tuyển một tình yêu vô bờ bến. Ảnh: MINH HOÀNG

Hy vọng VFF không mãi đắm chìm vào ánh hào quang cũ hay cố gắng “vắt” lứa hiện tại để khẩn trương cho kế hoạch tiếp theo. Hy vọng các tuyển thủ hôm nay dù đến ngưỡng hay còn tiềm năng, vẫn tiếp tục chiến đấu, nêu cao sự chuyên nghiệp, khát khao cống hiến để làm gương và truyền lửa cho thế hệ tiếp theo. Hy vọng các ông bầu, lò đào tạo trẻ, nhà tài trợ và cả truyền thông, hãy thôi tiếc nuối để tập trung cho hiện tại và nghĩ về tương lai.

Sự tiếc nuối không tạo ra tương lai, nhưng trong sự tiếc nuối có bóng hình của tương lai. Chúng ta đã có những tiếc nuối nhất định ở lượt đi vòng sơ loại thứ 3 World Cup 2022. Đó chính là bột để có thể gột nên hồ ở tương lai. Hãy vững tin và không ngừng nỗ lực để đến một ngày chúng ta không còn phải nuối tiếc.

(Theo thethao.sggp.org.vn)

.
.
.