Đừng để "niềm vui ngắn chẳng tày gang"
Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã tạo nên kỳ tích cho bóng đá nước nhà khi lần đầu tiên giành vé dự Vòng Chung kết World Cup dành cho bóng đá nữ. Dù vậy, thành công của này hoàn toàn có thể sẽ trở thành “niềm vui ngắn chẳng tày gang” nếu việc phát triển bóng đá nữ không có nhiều thay đổi.
Trước hết, phải khẳng định chiếc vé dự World Cup là phần thưởng xứng đáng dành cho sự cố gắng của thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung khi toàn đội gặp rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan. Một hành trình đầy chông gai mà các cô gái Việt Nam đã chinh phục thành công và niềm hạnh phúc chỉ đến ở những phút cuối cùng sau trận đấu nghẹt thở với Đài Bắc Trung Hoa.
Đừng để thành tích của Đội tuyển Bóng đá nữ trở thành “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Thành tích của HLV Mai Đức Chung và các học trò có thể gọi là kỳ tích của bóng đá nữ Việt Nam. Gọi là kỳ tích bởi so với bóng đá nam, bóng đá nữ Việt Nam gần như chỉ là “chiếc bóng” khi ít nhận được sự quan tâm của khán giả, cũng như những nhà đầu tư phát triển bóng đá.
Ở sân chơi quốc nội, bóng đá nữ Việt Nam có hệ thống gồm nhiều giải đấu: Giải Bóng đá nữ Vô địch quốc gia (bắt đầu từ năm 1998), Giải Bóng đá nữ Cúp quốc gia (bắt đầu từ năm 2019), Giải Vô địch bóng đá nữ U19 quốc gia (bắt đầu năm 2007). Dù vậy, việc đầu tư phát triển bóng đá nữ ở Việt Nam hiện nay vẫn khá khiêm tốn khi các giải đấu có rất ít đội tham gia. Cụ thể, các giải đấu ở lần tổ chức gần nhất chưa có quá 10 đội tham dự như: Giải Bóng đá nữ Vô địch quốc gia năm 2021 là 5 đội, Giải Bóng đá nữ Cúp quốc gia là 7 đội, Giải Vô địch U19 quốc gia là 6 đội.
Số lượng đội bóng đá nữ tham dự các giải đấu cấp quốc gia cho thấy bóng đá nữ của Việt Nam phát triển chưa thực sự mạnh mẽ. Nếu so với các quốc gia có nền bóng đá phát triển khác thì bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn kém rất xa. Các giải đấu dành cho bóng đá nữ của Việt Nam vẫn còn theo thể thức đấu cúp chứ chưa theo thể thức league như bóng đá nam. Do đó, việc duy trì tập luyện thường xuyên của các cầu thủ nữ khó hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam.
Những người làm bóng đá cũng chưa thực sự mặn mà với bóng đá nữ khi chủ yếu tập trung phát triển bóng đá nam. Việc phát triển bóng đá nữ song song với đội nam là việc không hề xa lạ của bóng đá hiện đại. Ở các nền bóng đá lớn ở châu Á, châu Âu, nhiều đội bóng nữ khoác cùng màu áo với các đồng nghiệp nam đại diện cho câu lạc bộ thi đấu ở giải vô địch bóng đá nữ. Nhờ sự đầu tư đồng đều như thế mà các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thường xuyên góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dành cho các cầu thủ nữ. Thậm chí, Nhật Bản đã từng đoạt chức vô địch vào năm 2011.
Thành tích của Đội tuyển Bóng đá nữ ở thời điểm hiện tại là “cú hích” chất lượng để bóng đá nữ Việt Nam được quan tâm và có nhiều thay đổi để phát triển bền vững hơn. Sau Giải Vô địch bóng đá nữ châu Á vừa qua, một số quốc gia như Thái Lan đã bắt đầu có những thay đổi khi tổ chức lại hệ thống giải đấu dành cho nữ theo thể thức league với 3 hạng thi đấu. Bóng đá nữ Việt Nam nếu không thể “bắt sóng” để đồng bộ với sự phát triển chung của bóng đá nữ hiện nay thì việc đoạt vé dự World Cup hiện tại có thể là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”.
CAO THẮNG