.

Chào World Cup, đón tân xuân

Cập nhật: 14:05, 12/02/2022 (GMT+7)
Dấu mốc lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam.
Dấu mốc lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam.

Vinh quang và ngây ngất, những dư vị tự hào vẫn mãi tỏa lan. Vòng chung kết Cúp vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2003 - 2023 FIFA Women’s World Cup được tổ chức tại Australia và New Zealand - đánh dấu lần đầu Đội tuyển nữ Việt Nam bước ra đấu trường thế giới.

CÒN nước còn tát, nhất định chúng tôi không bỏ cuộc, đó là khẳng định của huấn luyện viên Mai Đức Chung trước trận đấu quyết định. Thiếu hụt lực lượng trầm trọng, lại phải đối diện những địch thủ hùng mạnh ở "bảng tử thần", nhưng thầy trò vẫn hạ quyết tâm, vượt lên mọi nghịch cảnh, và làm tròn lời hứa sắt đá ấy với người hâm mộ.

Bất chấp tất cả mọi thách thức cam go, những nỗ lực không biết mệt mỏi đã giúp toàn đội lách qua khe cửa hẹp, giành suất tham dự vòng play-off. Vượt qua Thái Lan (2-0) và chiến thắng (2-1) trước Đài Bắc Trung Hoa, "những cô gái vàng Việt Nam" hoàn tất một hành trình lịch sử.

Tổng cộng, Huỳnh Như và đồng đội đã chơi sáu trận trong suốt 17 ngày tại Asian Cup 2022, với mật độ trung bình gần ba ngày một trận, với ý chí rực lửa cũng như phong cách cực kỳ chuyên nghiệp. Và thành quả ngọt ngào trong niềm vui bùng nổ mà họ nhận được là sự đáp đền vô cùng xứng đáng.

SAU những cống hiến không biết mệt mỏi, giới chuyên môn kỳ vọng tấm vé tham dự World Cup 2023 sẽ trở thành cú huých, giúp bóng đá nữ nước ta "cất cánh" về nhiều mặt. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội phát triển lớn chưa từng có, mà VFF không nên, cũng không thể bỏ lỡ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, phải khẳng định việc tổ chức thành công Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2021 đã khỏa lấp khoảng trống "đói bóng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho Asian Cup 2022. Từ bệ phóng ấy, các nữ cầu thủ của chúng ta đã có cơ hội "thực chiến", tìm lại phong độ cũng như cảm giác thi đấu đích thực. Bởi vậy, các nhà tổ chức cũng cần xem xét đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giải đấu này. Càng nhanh chóng được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, chắc chắn khả năng phát triển của các tài năng trẻ sẽ càng "vũ bão".

Hơn thế, muốn phát triển, chúng ta cũng cần từng bước thay đổi những thiên kiến-định kiến về bóng đá nữ. Nói cách khác, bóng đá nữ cần một lượng khán giả trung thành và cuồng nhiệt. Họ cần cả cơ chế đầu tư lẫn những sự ủng hộ bền bỉ. Họ không nên chỉ được chú ý và tung hô những khi làm nên các kỳ tích, mà những nỗ lực thanh xuân của họ cần được trân trọng cũng như hỗ trợ ngay cả trong những ngày thường.

Vẫn biết là rất khó, và vẫn biết mọi sự so sánh đều có những khía cạnh khập khiễng. Vẫn biết bóng đá nữ ở cấp độ thế giới cũng chưa từng nhận được những sự quan tâm ngang bằng với bóng đá nam. Song, có lẽ ai cũng không khỏi xót xa khi cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Minh Nguyệt trải lòng: "Việc hô hào vốn đã diễn ra rất nhiều lần để rồi đâu lại vào đấy. Vậy nên, tất cả chị em cầu thủ vẫn mong đợi những đổi thay đích thực và dài hạn, chứ không chỉ là hành động nhất thời".

Chỉ cần sau dấu mốc lịch sử này, người hâm mộ "chăm" xem bóng đá nữ hơn, những khác biệt có lẽ sẽ rất rõ rệt, đầu tiên là ở khả năng kêu gọi xã hội hóa.

THỰC tế, dù tham dự World Cup 2023, bóng đá nữ Việt Nam vẫn ở khoảng cách khá xa so với nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, chưa nói tới mặt bằng chung thế giới. Việc nâng số đội tham dự lên con số 32 là một nguyên nhân quan trọng mở ra cơ hội cho các "nữ chiến binh sao Vàng" được tận hưởng bầu không khí bóng đá ở đẳng cấp cao nhất. Tuy nhiên, từ lần góp mặt đầu tiên này, chúng ta sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để dần nỗ lực thu hẹp khoảng cách ấy.

Hy vọng, bóng đá nữ càng được yêu mến và đầu tư nhiều hơn, càng nhiều cầu thủ trẻ tài năng sẽ được phát hiện và bồi dưỡng. Thậm chí, việc thường xuyên tham dự các sân chơi quốc tế cũng sẽ giúp các chân sút trong nước có cơ hội tiếp cận nhiều hệ thống đào tạo và thi đấu chuyên nghiệp tại các nước lớn trên thế giới.

Cuối cùng, song song bài toán đầu tư phát triển chất lượng chuyên môn, điều mấu chốt để các cô gái có thể yên tâm cống hiến theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt vẫn là những gì đã hiện hữu mười hay hai mươi năm trước: "Cần bảo đảm tương lai cho cầu thủ sau khi giải nghệ. Đó tối thiểu phải là công việc mang về mức thu nhập ổn định, để các nữ cầu thủ không phải lo lắng gì nhiều về cuộc sống cá nhân".

Duy nhất "bố Chung"

Ở khu vực Đông Nam Á, không vị huấn luyện viên đội tuyển nữ nào gặt hái nhiều thành công như ông Mai Đức Chung. Nhà cầm quân 71 tuổi giúp Việt Nam bốn lần giành Huy chương vàng SEA Games, cùng một lần lên ngôi AFF Cup 2019. Tại đấu trường quốc tế, ông và các học trò đã lọt top 4 Asian Games 2014, hạng 5 Asian Cup 2022 qua đó giành vé tham dự World Cup lần đầu trong lịch sử.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung với các cầu thủ nữ không chỉ là thầy, là huấn luyện viên mà được gọi với cái tên trìu mến "bố Chung", như người thân trong gia đình. Tình thương, sự thấu hiểu cũng như những lời động viên tinh thần từ "bố Chung" chính là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy các cô gái thi đấu hết mình trên sân cỏ.

(Theo nhandan.vn)
 


 

 

.
.
.