Ra đi và dang dở một thế hệ
Dù đã 4 lần rời khỏi HA.GL để chơi cho các đội bóng khác nhau, bao gồm thời gian được CLB TP.HCM mượn nhưng chuyến xuất ngoại sang đá cho Yokohama được xem là lần chia tay chính thức của Công Phượng. Rồi ngay sau đó, là những Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh…
Chưa có gì bảo đảm Công Phượng sẽ không quay lại HA.GL chơi bóng. Ở tuổi 28, về lý thuyết thời gian thi đấu đỉnh cao của Công Phượng còn ít nhất 5 năm nữa. Dù được cho là ký hợp đồng 3 năm với Yokohama FC, thì cơ hội trụ lại hết hợp đồng vẫn không chắc chắn nếu căn cứ vào các lần xuất ngoại trước đó của cầu thủ này. Hơn nữa, sau mùa giải thất vọng với HA.GL, không thể nói phong độ của Công Phượng hiện đang tốt hơn 3-4 năm trước, lúc anh còn đá cho Incheon United (Hàn Quốc). Tóm lại, ngoại trừ việc sang Nhật Bản theo diện định cư lâu dài cùng gia đình, thì xét đơn thuần chuyên môn, chuyến xuất ngoại này của Công Phượng chưa có gì đáng nói.
Nhưng nếu xét ở tính thời điểm, thì đây là lúc Công Phượng khép lại quãng thời gian mà anh miêu tả “hạnh phúc nhất của mình” tại HA.GL. 15 năm đã trôi qua, từ cậu thiếu niên 13 tuổi quê Nghệ An của khóa 1 học viện HA.GL cho đến bây giờ, cái tên Công Phượng gắn liền với một giai đoạn rực rỡ nhưng dang dở của đội bóng phố Núi. Khi thời hiệu hợp đồng đào tạo - thi đấu với HA.GL kết thúc, Công Phượng đã chọn cách ra đi thay vì tiếp tục ở lại để mưu cầu một danh hiệu cá nhân trong màu áo HA.GL, điều đó phần nào cũng cho thấy cái kết thúc không trọn vẹn.
Điều dang dở lớn nhất, chắc chắn là việc không thể cùng HA.GL vươn đến một chức vô địch trong nước. Khi hợp tác cùng Arsenal - JMG để mở học viện bóng đá, định hướng của bầu Đức là “xuất khẩu” được cầu thủ. Thời điểm mà Học viện ra đời, HA.GL vừa vô địch V-League 2 năm liên tiếp (2003-2004) và tiềm lực của bầu Đức khi đó đủ sức mua hàng loạt ngôi sao để thống trị giải quốc nội. Mô hình đào tạo của JMG toàn cầu cũng vậy, nhắm đến việc thu lợi từ việc chuyển nhượng cầu thủ tiềm năng từ nơi “hẻo lánh” đến thị trường châu Âu. Thế nhưng, mọi việc không như tính toán do rất nhiều yếu tố, mà về cơ bản là dù có tài năng thì tố chất của khóa 1 học viện HA.GL không đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Công Phượng lúc còn đá cho Incheon United (Hàn Quốc). |
Không biết liên doanh đào tạo HA.GL-Arsenal-JMG thu lợi được gì từ các bản hợp đồng cho một số CLB quốc tế mượn những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường… nhưng chắc chắn là mục tiêu ban đầu đã không thể hoàn thành. Thời điểm mà bầu Đức quyết định đưa “những đứa trẻ” của mình lên đá V-League hồi năm 2015, tạo ra một cơn sốt xem bóng đá trên toàn quốc, thắp sáng bầu không khí ảm đạm của bóng đá Việt Nam, được xem là một bước đi “chữa cháy” cho khâu xuất khẩu không như ý của Học viện HA.GL-Arsenal-JMG. Những cầu thủ mới 19-20 được “ném thẳng” vào môi trường khốc liệt của V-League nhưng lại được yêu cầu là “chơi đẹp, xuống hạng cũng chấp nhận”. Nghĩa là thay vì tích lũy kinh nghiệm trận mạc để đủ điều kiện hội nhập với bóng đá quốc tế, lứa Công Phượng vẫn phải chơi thứ bóng đá của thời còn U19. Cũng vì vậy, không cầu thủ nào của HA.GL trụ được lâu dù đã được tạo điều kiện ra nước ngoài, ở các môi trường chuyên nghiệp nhất châu Á. Thậm chí, khi chỉ đá J-League 2 hoặc giải Thai-League, họ vẫn không thể thành công và quay về đá cho HAGL đến hết hợp đồng đào tạo.
Nếu xem bản hợp đồng với Yokohama FC và được đá ở J-League 1 là một bước tiến nghề nghiệp với cá nhân Công Phượng, thì cũng có nghĩa, quãng thời gian vừa qua ở HA.GL là một thất bại của Công Phượng và những người cùng khóa. Một cầu thủ đủ chất lượng để đá J-League 1, nhưng lại không thể giúp đội bóng nuôi dưỡng và phát triển tài năng mình, đoạt danh hiệu tập thể. Bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của Công Phượng chỉ được thực hiện sau khi anh là cầu thủ tự do, cũng có nghĩa là HA.GL không thu được phí chuyển nhượng. Mà không chỉ có Công Phượng, một loạt cầu thủ trụ cột khác của HA.GL cũng sẽ ra đi theo cách như vậy, để lại một khoảng trống mênh mông về nội lực ở HA.GL, cũng như thanh xuân đầy khát vọng của lứa cầu thủ tài hoa.
(Theo thethao.sggp.org.vn)