Không phải vì lòng ích kỷ
Cho tất cả hàng đã mua xuống ghe, bà Lan định bảo con trai lui ghe thì thằng Định kêu:
- Má! Ba của Hà kìa má!
Ông Tứ đang phì phèo thuốc lá, tay xách một túi nặng. Tính xuống mở dây ghe, thấy ông, bà Lan kêu lên vui vẻ:
- Anh sui! Khỏe hả anh? Hôm nay anh chở gì mà ghé ở đây?
Bỏ điếu thuốc gần tàn xuống sông, chưa kịp trả lời thì thằng Định đã lên tiếng chào ba vợ tương lai. Ông Tứ gật đầu đáp lại thằng rể và trả lời bà Lan:
- Dạ chị sui đi chợ bổ đồ hả chị? Tôi chở cát, ghé chợ mua ít thứ cho bà xã, má nó mới điện thoại bảo mua.
Bà Lan xởi lởi:
- Anh sui thật chu đáo, giỏi giang, chị sui thiệt có phước. Định ráng mà noi gương cha vợ để cho con Hà nó nhờ.
Minh họa: Lê Duy |
Định bẽn lẽn cười, mới qua dạm hỏi mà hai nhà đã gọi nhau bằng sui gia ngọt lịm, còn bắt Định và Hà gọi ông bà hai bên bằng ba má cho mai mốt khỏi ngượng. Định cũng khoái lắm, nhưng vẫn còn ngại, cậu sợ Hà thấy chàng nào hơn mình thì đổi ý trả rượu là quê nám mặt.
Hai sui gia tay bắt mặt mừng nói chuyện một lúc, bà Lan bảo:
- Chèn ơi may quá, anh sui chở cát cho anh Tám đi cùng một đường với mình, Định nói ba vợ con, cho mình có giang ghe về luôn.
Định ngần ngại:
- Chắc là… không được đâu má!
- Được mà hả anh sui, ghe tui cũng không khẳm lắm! Sui gia trong nhà mà!
Ông Tứ, ngập ngừng, do dự:
- Tôi thì sao cũng được, nhưng sợ mấy anh cảnh sát giao thông đường thủy.
Bà Lan hơi phật ý:
- Cảnh sát đường thủy họa hoằn lắm mới đi kiểm tra, đâu phải thường xuyên như đường bộ mà anh lo, nhưng thôi ý anh sui lo xa cũng tốt.
Bà giận lẩy bảo con trai:
- Thôi coi lui ghe đi con để nước ròng chạy ngược cực lắm.
Quay lại thấy ông Tứ đang đứng do dự, bà lên tiếng:
- Thôi anh sui xuống tàu đi, cho tôi gởi lời thăm chị với mấy cháu nghe anh!
Ông Tứ thấy tình hình không ổn, mới kết nghĩa sui gia, tụi nhỏ cũng mến nhau, sui gia cũng “xứng tầm” (tuổi tác ngang nhau, ai cũng có vườn tược, ghe tàu…), ngộ nhỡ bà ấy phật ý rồi mai này khó dễ con gái cưng thì tội cho nó. Thôi đành chiều ý sui mà vui vẻ hai nhà và sui gia khỏi phải vì chuyện nhỏ mà mất lòng. Nghĩ vậy nên ông bảo Định:
- Định à, con cho ghe chạy vòng qua tàu của ba rồi thảy dây lên kêu thằng Triều câu ghe vô tàu. Chị sui nói phải, cảnh sát đường thủy ít tuần tra trên sông nên việc gì phải lo.
Bà Lan nghe nói vậy, quay lại nở nụ cười rạng rỡ với anh sui gái. Anh sui hơi đỏ mặt vì nhận ra chị sui còn khá trẻ, nụ cười quyến rũ. Sau phút “bàng hoàng” với nụ cười chết người của chị sui, ông Tứ tự mắng mình “mất nết”, vội chào chị sui và nhanh chân đi về phía tàu của mình.
* * *
Bà Lan soạn áo phao ra để trước mặt nhưng không mặc vào, bà nói với con trai:
- Neo theo tàu vừa đỡ cực vừa đỡ tốn dầu!
Định không hài lòng nên bảo:
- Con lái ghe có giấy chứng nhận tài công chứ bộ, tốn dầu có bao nhiêu đâu mà con thấy phiền người ta.
- Trời! Sao lại gọi ba vợ tương lai là người ta vậy con, anh sui nghe được ảnh buồn. Mày thiệt là dốt tính, mỗi cái tiết kiệm một ít góp lại thành nhiều. Tao mà dốt tính như cha con mày thì làm sao có của dư, của để cho tụi bây được. Phiền! Phiền nỗi gì, anh sui làm việc này cũng chỉ để đức cho con gái.
Vốn ngoan hiền nên Định không dám cãi lời mẹ mình, cậu im lặng giữ tay lái cho ghe thăng bằng.
Ông Tứ cầm vô lăng tàu, căng mắt nhìn bốn bề sông nước, ông lo lắng gặp cảnh sát giao thông thì phiền lắm. Biết kéo thêm ghe nhỏ phía sau là sai luật và nguy hiểm khó lường, nhưng thái độ bà sui làm ông khó xử nên đâm liều. Tàu chở cát không nhiều nhưng ông Tứ có cảm giác như nó đang quá tải và tuy đi ngược nước nhưng nước sông chảy êm đềm, vậy mà ông cứ tưởng mình đang lái con tàu nhỏ giữa muôn trùng sóng gió. Đúng là như có sóng gió thật, bởi lòng ông mất tự tin và bất ổn, nhưng “thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ” mà. Chắc là không sao đâu, ông Tứ tự động viên mình.
Trong lúc ông sui đầy lo lắng thì bà Lan vui vẻ, vô tư, mở sổ ra tính tiền hàng hóa lấy hôm nay. Bà cộng trừ, rồi định giá từng món, miệng ca cẩm:
- Chưa tết mà hàng hóa lên giá, món nào cũng tăng giá, bán buôn cũng khó lòng, mà thôi họ chê mắc thì cứ ra chợ mà mua. Chợ xa, chạy xe vòng đường cho khỏi qua đò thì tốn tiền xăng, tốn thời gian còn hơn.
Định không xen vào chuyện mua bán của bà Lan, cậu ta cũng mang tâm trạng lo lắng sợ gặp cảnh sát tuần tra, mình thì không sao nhưng ba của Hà thì sẽ gặp rắc rối.
Bà Lan chợt hỏi:
- Má tính trình lễ hỏi tụi bây chiếc vòng cổ với chiếc lắc, tới đám cưới má cho con Hà đeo thêm chiếc lắc nữa cho đủ cặp nhưng cho mượn rồi trả lại tao. Ừa mà con tính may áo dài cưới màu gì?
Thấy Định lặng thinh, bà Lan tự trả lời:
- Màu đỏ đi nha con, màu đỏ cho nó sáng, nước da con Hà nó trắng, mặc màu đỏ nó nổi như cồn à. Ờ mấy ngày nay con có gặp nó hôn, nó có nói gì má hôn con?
Định bỗng nổi nóng:
- Con mệt má quá, má hỏi con chứ có cho con quyết định đâu, chuyện cưới hỏi má về tính với ba đi, giờ lo coi chừng giao thông kìa.
- Ơ cái thằng này, tự nhiên nổi quạu vậy mậy.
Bà Lan lại mát mẻ:
- Ừ tao hiểu rồi, phiền phức nhà vợ của mày một chút mày không hài lòng chứ gì, vậy kêu tháo dây cột ghe ra đi. Chưa chi đã bênh bên vợ chằm chặp rồi hà.
Định nói nhanh:
- Còn một đoạn nữa tới bến của mình, má làm vậy người ta lại
phiền mình.
Bà Lan trở bộ ngồi rồi tiếp tục nói mát:
- Tao thử lòng anh sui coi họ có tốt với mình không, chứ xin lỗi chưa chắc ai giàu hơn ai.
Định kêu thầm: “Bà già lại nói quàng xiên nữa rồi, bà rất thương chồng con, nhưng phải cái tội hà tiện và hay nói nhiều”.
Định sợ Hà biết được tính xấu ấy của bà già mà “tháo thân” sớm thì mình khổ, nên mấy lần bà bảo dẫn Hà về nhà chơi, Định còn do dự. Cực lắm mới “cua” được Hà, có lần còn bị đám con trai bên đó kiếm chuyện đòi đánh, may mà Hà khéo xử sự.
Gần tới bến nhà bà sui, ông Tứ thở phào nhẹ cả người, ông bảo Triều ra sau canh tháo dây neo cho Định.
Phía sau, bà Lan nói với Định:
- Má mày nói có sai đâu, mấy ông đường sông ít tuần tra lắm, mày với anh sui coi bộ hạp dữ, lo cho lắm vào. Tao mong mai này ổng cưng mày để mày được lòng bên vợ.
Thằng Triều khom lưng tháo dây quăng xuống:
- Bác với anh Hai về khỏe nha!
Bà Lan kêu với lên:
- Ờ bác cảm ơn, nói với anh sui bác về luôn nha Triều!
Thằng Triều chưa kịp dạ thì nghe tiếng bà Lan la hoảng hốt. Nó nhìn xuống, chiếc ghe quay ngang va vào thành tàu mạnh quá nên xoay tròn. Bất ngờ, Định không kịp xử lý nên đành ôm áo phao, lao đến chỗ bà Lan. Chưa kịp tới thì mẹ con bà đã té nhào xuống sông. Thằng Triều quăng cái thùng nhựa 20 lít xuống cho Định làm phao. Bà Lan được đưa lên bờ với cái bụng óc ách nước, vừa hoàn hồn, bà nhìn ra sông thấy hàng hóa trôi tứ tung, bà la toáng lên:
- Định ơi kêu ba mày ra vớt đồ lên con ơi! Trôi mất hết rồi!
Thằng Triều ôm được bọc bánh to đùng lên để bên cạnh bà, nó nói như người lớn:
- May mà bác không sao, “của đi thay người”, bác đừng tiếc nữa!
Bà Lan thấy hối hận trong lòng, bà bật khóc:
- Con về nói với anh sui đừng giận bác nghe con!
Biết sự cố phía sau, ông Tứ bảo con trai hỗ trợ, còn mình phải lái tàu. Tàu cặp bến, ông Tứ mượn xe chủ vựa, chạy thẳng qua nhà sui gái mà lòng thầm mong bà sui hiểu được ông không muốn kéo ghe của bà vì không phải mình ích kỷ.
ÁI QUỲNH