Vận dụng tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ trong tạo tác kiểng cổ
Kiểng cổ là một loại hình nghệ thuật có từ ngàn xưa, được phổ biến thành một dạng nghệ thuật dân gian. Tùy theo quan niệm thẩm mỹ của từng khu vực mà cây kiểng cổ có nhiều thế, nhiều kiểu dáng khác nhau, đa dạng và phong phú.
Nhìn chung, kiểng cổ đều có các thế với nhiều tên gọi như Huynh đệ, Tỉ muội, Long giáng, Long thăng, Sơn thủy… Đặc biệt, ở Gò Công có một loại hình kiểng thế khác hẳn mà mỗi tàng, mỗi nhánh đều có tên gọi riêng, mang ý nghĩa riêng, có quy cách gò bó cụ thể… được gọi là kiểng cổ Nam bộ. Đó là loại kiểng Chiết chi nhị diện (Gò Công có kiểng Lưỡng diện; Cai Lậy có kiểng Tứ diện), mang ý nghĩa giáo huấn theo Nho giáo, như Tam cương ngũ thường, Tam tòng tứ đức, Nhị thập tứ hiếu…
Các nghệ nhân Hội Sinh vật cảnh xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho đang trao đổi kinh nghiệm. |
Cây kiểng cổ được uốn sửa theo lối Chiết chi nhị diện, với các thế Tam tòng tứ đức hoặc Tam cương ngũ thường, là một dạng thức đặc biệt, đặc trưng cho khu vực Nam bộ. Đây là một tạo tác đại diện cho cây kiểng xưa ở miền Nam mà không nơi nào có. Trong quá trình tạo tác cây kiểng, nghệ nhân muốn gửi gắm tinh thần, tâm ý của mình vào từng chậu cây, từng tán lá, nhằm mục đích sửa mình, giáo dưỡng con cháu và người xem.
Cây kiểng cổ là cây được uốn sửa một cách công phu, đúng số tán, đúng nhánh, không thừa, không thiếu, mỗi thành phần trong cây đều có một giá trị nhất định, tiềm ẩn một triết lý sống cụ thể. Cặp Tam cương ngũ thường tượng trưng cho phái nam (5 tàng: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín), cặp Tam tòng tứ đức tượng trưng cho phái nữ (4 tàng: công - dung - ngôn - hạnh). Ý nghĩa của cặp kiểng cổ này nhằm giáo dục đạo đức Nho giáo trước đây (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử…).
Ngày nay, đất nước phát triển, thời kỳ văn hóa hiện đại nên cách nhìn của nghệ nhân và những người yêu thích chơi kiểng cổ đã có phần sáng tạo. Đặc biệt đối với Chi hội kiểng cổ Gò Công, qua học tập các chuyên đề tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã có ý tưởng nghiên cứu, từng bước đưa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào cây kiểng cổ.
Qua 2 lần hội thảo, dựa vào lời dạy của Người đối với cán bộ, đảng viên: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đối với quân đội: Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Đối với Công an nhân dân: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ và 6 điều Bác Hồ dạy (Đối với tự mình phải: cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự phải: thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ phải: tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân phải: kính trọng, lễ phép. Đối với công việc phải: tận tụy. Đối với địch phải: cương quyết, khôn khéo). Đối với thanh niên có 3 sẵn sàng, đối với phụ nữ có 3 đảm đang, đối với các cháu thiếu nhi và nhi đồng: tuổi nhỏ làm việc nhỏ…
Từ những ý tưởng trên, các nghệ nhân Chi hội kiểng cổ Gò Công bước đầu đã hình thành các thế kiểng dựa trên tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như cặp kiểng Tân cổ noi gương, cây cha 8 tàng: Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; cây tử 3 tàng (thanh niên 3 sẵn sàng): Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng khắc phục khó khăn, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
Cặp kiểng Nữ lưu hào kiệt, cây cha 8 tàng tượng trưng 8 chữ vàng Bác Hồ và Trung ương Đảng tặng Phụ nữ Việt Nam: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang; cây tử 3 tàng (phụ nữ 3 đảm đang): Đảm việc nước, đảm việc nhà, đảm đang công tác xã hội.
Ngoài ra, cuộc hội thảo còn nhiều ý tưởng đề xuất tạo tác những tác phẩm với hàm ý như cặp kiểng Vũ trụ, cha có 4 tầng và 4 cây tử thể hiện lời Bác: Đất có 4 phương, trời có 8 hướng, thiếu 1 hướng thì không thành trời, thiếu 1 phương thì không thành đất; con người có 4 đức tính, thiếu 1 đức tính thì không thành người.
Cặp kiểng cổ Tứ châu, cha có 5 tầng và 4 cây tử với hàm ý: Đoàn kết là sức mạnh vô địch; đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công; quan sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em.
Hy vọng những tác phẩm kiểng cổ nghệ thuật hàm chứa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của Hội Sinh vật cảnh tỉnh sẽ sớm trở thành hiện thực để vừa thưởng lãm, vừa thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG