.

Mỹ thuật Tiền Giang: Đi tìm chất liệu và phong cách hội họa mới

Cập nhật: 14:23, 26/07/2018 (GMT+7)

Sau 35 năm thành lập và hoạt động (1983 - 2018), Chi hội Mỹ thuật, trực thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang (gọi tắt là Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang) đã tập hợp các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc 3 thế hệ, tạo nên các phong cách hội họa, điêu khắc đa sắc, phong phú.

Điểm danh các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Tiền Giang thuộc 3 thế hệ có thể kể đến các tên tuổi như: Tín Trung, Trần Văn Trầm, Lương Văn Thạnh, Hoàng Anh, Kông Tâm, Lê Hồng Thái, Lý Thiện Hoàng, Trần Văn Danh, Võ Văn Hai, Duy Hải, Phan Anh Lộc, Trịnh Văn Sang, Hà Phú Thành, Huỳnh Cúc, Kim Điệp, Phúc An, Lê Duy, Châu Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Thơm, Duy Bảo Việt, Thanh Tiên, Ngọc Lành, Mỹ Dung, Hồng Sơn, Đức Minh, Phan Văn Dũ, Thiện Phương, Ngô Văn Hoa, Thanh Sơn…

Các họa sĩ, nhà điêu khắc 3 thế hệ ở tỉnh Tiền Giang dù trải qua quá trình học Đại học Mỹ thuật, học các lớp hội họa ngắn hạn hay tự học đều có chung niềm đam mê sáng tạo, không ngừng đi tìm chất liệu hội họa và khám phá phong cách hội họa mới.

Họa sĩ Ca Lê Thắng (thứ 3 từ phải sang), nhà thơ Võ Tấn Cường (bìa phải) cùng các họa sĩ  tỉnh Tiền Giang tại Triển lãm Mỹ thuật Tiền Giang năm 2018.
Họa sĩ Ca Lê Thắng (thứ 3 từ phải sang), nhà thơ Võ Tấn Cường (bìa phải) cùng các họa sĩ tỉnh Tiền Giang tại Triển lãm Mỹ thuật Tiền Giang năm 2018.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc của tỉnh Tiền Giang thời kỳ sau đổi mới đã có sự tiếp nối mỹ thuật truyền thống của dân tộc; đồng thời, tiếp thu, vận dụng sáng tạo phong cách mỹ thuật của các trào lưu, trường phái mỹ thuật hiện đại của Việt Nam và thế giới.

Sự phát triển của mỹ thuật Tiền Giang hòa chung vào dòng chảy của mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam thời kỳ sau đổi mới. Các họa sĩ Tiền Giang sáng tác theo 2 khuynh hướng: Hội họa truyền thống và hội họa hiện đại.

Theo khuynh hướng truyền thống, có thể kể đến các họa sĩ: Tín Trung, Hoàng Anh, Phúc An, Lê Duy, Phan Anh Lộc, Duy Hải, Duy Bảo Việt… Tiếp thu và sáng tạo theo các trường phái, trào lưu hội họa phương Tây hiện đại có các họa sĩ: Kông Tâm, Lê Hồng Thái…

Điểm qua các cuộc triển lãm mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long hơn 10 năm qua cho thấy, các họa sĩ tỉnh Tiền Giang đã gặt hái thành công với nhiều giải thưởng.

Theo Nghệ nhân Ưu tú - Soạn giả Nguyễn Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang, hơn 10 năm gần đây, các họa sĩ Tiền Giang đã đoạt khoảng 30 giải thưởng về mỹ thuật trong phạm vi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo nhà phê bình văn học nghệ thuật Đỗ Lai Thúy, lịch sử mỹ thuật không phải là sự phát triển tuyến tính, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, mà chỉ là sự biến đổi hệ hình thẩm mỹ.

Nhìn ở góc độ hệ hình, mô hình thẩm mỹ, hầu hết các họa sĩ của Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang đều sáng tác theo phương pháp hội họa phản ánh hiện thực, hội họa tả chân, ấn tượng.

Các tác phẩm hội họa khắc họa vẻ đẹp của con người Tiền Giang trong lao động, sáng tạo và vẻ đẹp của thiên nhiên vùng sông nước miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài việc sáng tác theo phong cách, trường phái hội họa phản ánh hiện thực, các họa sĩ Tiền Giang đã thử nghiệm sáng tác theo các trường phái hội họa tượng trưng, siêu thực và ấn tượng.

Các họa sĩ của Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang đã say mê và kiên trì tìm kiếm, sáng tạo chất liệu hội họa mới như: Hội họa trên gốm, sơn mài, tranh ghép vỏ tràm, tranh ghép bằng lúa gạo, tranh bằng chất liệu tổng hợp…

Chính điều này đã tạo nên sự đa sắc về phong cách hội họa và sự phong phú về chất liệu nghệ thuật trong các tác phẩm của các họa sĩ Tiền Giang.

Tuy nhiên, chất liệu nghệ thuật chỉ là khởi đầu cho sự tìm kiếm, sáng tạo của người họa sĩ. Điều quan trọng là người họa sĩ tạo dựng được thế giới nghệ thuật với những sắc màu và đường nét thể hiện được cái đẹp của con người, sự vật và thiên nhiên trong tác phẩm hội họa của mình.

Người họa sĩ cần có sự lao động nghệ thuật cần mẫn và nghiêm túc để sáng tạo nên những tác phẩm hội họa mang phong cách mới lạ, độc đáo.

Tại buổi tổng kết hoạt động của Trại Sáng tác, triển lãm mỹ thuật Tiền Giang năm 2018, trò chuyện cùng các họa sĩ Tiền Giang, Họa sĩ Ca Lê Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Nếu một năm, một họa sĩ vẽ dưới 50 bức tranh thì khó mà đẹp lên được.

Đối với người họa sĩ, đam mê sáng tạo, vẽ tranh phải giống như hít thở khí trời, ăn cơm hằng ngày. Nếu người họa sĩ bỏ lơi, không sáng tạo thường xuyên, tranh sẽ khó có giá trị nghệ thuật…”.

Quan niệm của Họa sĩ Ca Lê Thắng cho thấy, sự tìm kiếm phong cách hội họa là cả một quá trình mà họa sĩ tự khám phá qua từng đường nét, sắc màu của từng tác phẩm hội họa.

Hội họa ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có sự hòa nhập với thị trường tranh của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đối với các họa sĩ ở tỉnh Tiền Giang, việc sáng tác và công bố, triển lãm các tác phẩm hội họa vẫn còn mang tính khu biệt, chưa hòa nhập được với thị trường tranh trong nước, khu vực và thế giới.

Dù hội họa có ngôn ngữ chung là màu sắc và đường nét nhưng sự hội nhập của các họa sĩ Tiền Giang vẫn đang ở giai đoạn loay hoay tìm kiếm theo kiểu tự thân của từng họa sĩ.

Ở Tiền Giang, có thể kể đến một số họa sĩ, nhà điêu khắc đã có sự dấn thân để đem tác phẩm của mình đến với thị trường tranh ở TP. Hồ Chí Minh như: Tín Trung, Kông Tâm, Hoàng Anh, Lê Hồng Thái, Phúc An…

Tuy nhiên, việc công bố và triển lãm các tác phẩm của các họa sĩ Tiền Giang trong các cuộc triển lãm ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn ít ỏi và khiêm tốn.

Quá trình dấn thân đi tìm chất liệu và phong cách hội họa mới của các họa sĩ là hành trình thể hiện sự tự thân vận động trong quá trình sáng tạo của mỗi họa sĩ; đồng thời, cho thấy sự tác động, hỗ trợ về mặt chuyên môn của Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang.

Theo Nghệ nhân Ưu tú - Soạn giả Nguyễn Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang, nhiều năm qua, các hoạt động triển lãm, tập huấn, trại sáng tác mỹ thuật do Chi hội Mỹ thuật tổ chức đã trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần tác động, hỗ trợ cho các họa sĩ trong quá trình sáng tác và tạo ấn tượng đối với công chúng thưởng ngoạn mỹ thuật.                

     VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
.