Bình Định tạm dừng dự án đục núi tạc phù điêu 86 tỷ đồng
Cập nhật: 21:10, 25/09/2019 (GMT+7)
Sau nhiều ý kiến trái chiều, phản ứng kịch liệt từ dư luận người dân và giới chuyên môn về bức phù điêu 86 tỷ đồng tạc thẳng vào hòn núi giữa TP Quy Nhơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã đi đến thống nhất tạm dừng triển khai việc đục núi làm phù điêu.
Chiều 25-9, một nguồn tin riêng của PV Báo SGGP cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định vừa thống nhất tạm dừng triển khai công trình phù điêu vách núi “Lạc Long Quân – Âu Cơ”, đặt tại ngã 5 Đống Đa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) – Bức phù điêu gây ra nhiều ý kiến tranh cãi từ dư luận người dân, giới chuyên gia trong và ngoài tỉnh Bình Định trong thời gian gần đây.
Phối cảnh bức phù điêu "Lạc Long Quân – Âu Cơ” |
Ngoài ra, nguồn tin này cho biết thêm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cũng đã đi đến thống nhất, trước mắt địa phương sẽ dành ngân sách ưu tiên cho việc giải phóng nút giao thông ở ngã năm Đống Đa, mở cửa ngõ giao thông thoáng cho TP Quy Nhơn ra QL1A và hướng Khu kinh tế Nhơn Hội.
“Sau khi hoàn thành xong nút giao thông ngã 5 Đống Đa thì mới tính đến việc có nên triển khai tạc phù điêu vách núi Lạc Long Quân – Âu Cơn hay không”, nguồn tin này cho hay.
Trước đó, Báo SGGP đã liên tục có thông tin, bài viết liên quan đến việc Bình Định đang dự tính xây dựng công trình phù điêu tạc thẳng vào vách núi Bà Hỏa, với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết” (viết tắt: phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ), tạc thẳng vào vách núi Bà Hỏa, đoạn ngã 5 Đống Đa (TP Quy Nhơn); kinh phí dự kiến trên 86 tỷ đồng.
Công trình có chiều dài 80m, cao 36m, diện tích khoảng 25.000m2; được tạc thành 3 lớp, khắc họa hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ, 18 vị vua Hùng và các nhân vật đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam (mỗi dân tộc khắc họa 1 nam và 1 nữ); tổng cộng có 128 nhân vật, hình tượng…
Phương án thực hiện là cắt, đục sâu vào vách núi Bà Hỏa hình cánh cung từ 10-25m, để tạc thẳng phù điêu vào vách núi tự nhiên.
Tuy nhiên, khi thông tin về bức phù điêu được công khai đã gặp phải làn sóng phản đối kịch liệt từ dư luận người dân, giới chuyên môn.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, chủ đề và phương án triển khai bức phù điêu không thiết thực, khó thực thi, gây lãng phí ngân sách…
Một số nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã lên tiếng, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, được mất từ việc triển khai dự án phù điêu vách núi trên.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà nêu quan điểm, vị trí dự tính đặt công trình phù điêu vách núi nằm ở ngã 5, lưu lượng giao thông qua lại rất nhiều. Trước mắt nên ưu tiên ngay cho việc quy hoạch lại hệ thống giao thông ở đây, quy hoạch này phải mang tầm chiến lược, lâu dài. Bây giờ giao thông thì vẫn còn ách tắc, ún ứ mà làm phù điêu, sau này nếu quy hoạch lại giao thông thì phải phá dỡ nó đi làm lại thì không được.
Ông Hà góp ý, trong việc tháo gỡ nút thắc giao thông ngã 5 Đống Đa, cần ưu tiên phát triển cầu vượt nối Quy Nhơn với trục đường qua Khu kinh tế Nhơn Hội và phải mở rộng, làm cầu vượt ở đường Trần Hưng Đạo…
Sau khi đã có quy hoạch giao thông hoàn thiện, thông thoáng, hiện đại, nếu lãnh đạo đương nhiệm vẫn quyết tâm làm, thì phải tạo ra được 1 công trình có dấu ấn khác biệt, chất lượng để muôn đời, chứ làm kiểu hời hợt sau này đổ bể ra thì rất khó giải thích với người dân...
Ngoài ra, nên suy nghĩ rằng, tiền xã hội hóa cũng là tiền của người dân đóng góp, phải đưa vào quản lý thuộc ngân sách nhà nước, không vì thế mà lãng phí, muốn chi sao cũng được.
(Theo sggp.org.vn)