Về Gò Công ăn cá bống thòi lòi
Cá bống thòi lòi không còn lạ lẫm gì đối với những người dân ven biển vùng Gò Công. Đây là loài động vật lưỡng cư, có thể bò nhanh trên mặt đất, leo cây và di chuyển trên mặt nước với tốc độ khoảng 30 km/giờ. Chúng sống nhiều ở vùng đất ngập mặn, bùn lầy ven biển. Loài cá này có hình thù gần giống với cá bống sao nhưng da xù xì và hai mắt lồi to trên chóp đầu. Chính vì đặc điểm nhận diện này nên dân gian mới đặt tên cho chúng là “cá bống thòi lòi”. Cá này khá hung dữ, miệng đầy răng nanh, răng hàm trên xếp thành hai hàng, hàm dưới xếp một hàng, đôi mắt to và đặc biệt là hai chiếc vây tựa như hai cánh tay giúp chúng trườn dễ dàng trên đất bùn.
Cá bống thòi lòi có đầu hình trụ, hai mắt lồi phía trên nên tầm quan sát của chúng rất rộng. Chúng hô hấp bằng phổi và có thể thở trên cạn, nhưng khi dưới nước thì dùng mang và thường ra khỏi hang khi có ánh nắng lên. Những ai đã từng nghe đến loài cá dị hình này, khi tận mắt chứng kiến cảnh chúng đi lại, chạy nhảy, thậm chí leo lên cây đều phải trầm trồ thán phục. Dựa vào đặc điểm di chuyển như thế nên người phương Tây gọi chúng là loài “cá đi bộ” và Tổ chức Sinh vật thế giới xem là một trong sáu loài vật “kỳ lạ nhất hành tinh”.
Loài cá này khá tạp ăn, ăn hầu hết các loài bé hơn như tôm, còng, ba khía và các loài cá nhỏ. Chúng rất nhanh nhẹn và tinh ranh, kiếm mồi trên mặt nước và sống ở những hang sâu, đào hang bằng miệng với nhiều ngóc ngách thông nhau ở những nơi hiểm hóc như kẹt rễ cây đước, cây mắm, cây bần, lùm ô rô và có thể lặn dưới nước 5 - 10 phút.
Trong dân gian người ta bắt cá bống thòi lòi bằng ba cách: Chờ thủy triều xuống, cá thòi lòi vào hang, người dân bít kín hết các cửa ngách phụ của hang rồi đặt lưới nhỏ trước cửa hang chính, đến khi thủy triều lên, cá ra khỏi hang mắc vào lưới, chỉ việc đi gỡ lưới bắt cá ở các cửa hang mà đã đánh dấu đặt lưới. Ngoài ra, với những kinh nghiệm lâu năm của người dân ven biển vùng Gò Công, họ dùng cần trúc hoặc nhánh đước suôn, dài khoảng 2 - 3 m,bắt trùn tuột hết ruột, lấy cọng lá dừa xỏ thành khoanh tròn cột vào dây câu. Chuẩn bị thêm cái thau lớn, có rắc tro hoặc cám khô. Nước ròng, bãi bùn lộ ra, thòi lòi chạy nhảy khắp nơi. Nhử cho cá cắn vào mồi, nhè nhẹ giật lên và khéo léo làm sao cho cá rơi vào thau cám (hoặc tro để sẵn). Bên cạnh đó, người ta cũng có thể đi soi cá bống thòi lòi vào ban đêm, vì khi soi đèn sáng chói mắt chúng không di chuyển được nên dễ dàng bắt.
Cá bống thòi lòi được xem là một trong những sản vật đặc biệt của vùng Gò Công, bởi nhờ liên tục di chuyển nên cá rất săn chắc, thơm và ngọt thịt. Tuy nhiên, phải biết cách chế biến thì mới khơi dậy được vị ngon thật sự của loài cá này. Cá không có mỡ nhưng rất nhiều nhớt và hơi có vị tanh, vì thế khi chế biến phải làm thật kỹ để cá hết nhớt. Khi chế biến xong để nguội thì thịt cá không bị tanh, đây chính là điểm mạnh khá nổi trội của loài cá này. Có nhiều món ăn được chế biến từ cá bống thòi lòi như: Kho tiêu, chiên xù, nấu canh chua…, nhưng ngon nhất vẫn là nướng muối ớt trên bếp than. Chỉ một chút là mùi thơm của cá lan tỏa hòa quyện cùng mùi cay nồng của ớt, khiến người ăn phải xuýt xoa bởi hương vị đậm đà của món ăn này. Bên cạnh đó, cá bống thòi lòi còn có thể làm khô, đem chiên chấm nước mắm me thì trên cả tuyệt vời.
Nhìn hình dáng cá bống thòi lòi bên ngoài rất xấu xí nhưng với những người Gò Công thì đây là nguồn thực phẩm sạch từ thiên nhiên và cũng là món ăn đặc sản cho khách phương xa khi đến với vùng đất Gò Công.
LÊ HỒNG QUÂN