.

Nhạc sĩ, nhà báo Vũ Đức Sao Biển qua đời

Cập nhật: 21:01, 07/05/2020 (GMT+7)
Sau hơn 2 năm kiên cường, lạc quan chống chọi căn bệnh ung thư vòm họng, nhưng vì tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 23 giờ 25 phút ngày 6-5 tại tư gia, hưởng thọ 73 tuổi.
 
Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm (ban Việt - Hán) và Đại học Văn khoa (ban Triết học phương Đông). Tháng 10-1970, ông tốt nghiệp rồi xuống Bạc Liêu dạy học các môn văn và triết học bậc trung học tại Trường Công lập Bạc Liêu cho đến năm 1975.
 
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở về TPHCM dạy học, có một thời gian công tác tại phòng Giáo dục huyện Nhà Bè. Vừa dạy học ông vừa cộng tác viết bài với các báo: Tuổi Trẻ Cười, Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Công an TPHCM, Pháp luật TPHCM...
 
Nhiều thế hệ học trò rất yêu quý ông vì ông đàn giỏi, hát hay, tính tình hiền lành, sống tình cảm, luôn tận tâm hết lòng vì công việc, vì học trò.
 
Sau đó khoảng 10 năm, ông trở lại Bạc Liêu và sáng tác loạt ca khúc về Bạc Liêu và miền đất phương Nam, trong đó có nhiều sáng tác được khán giả yêu thích và đi vào đời sống xã hội như: Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long, Trên đồi xưa...
 
 Bằng phong cách sáng tác rất riêng, những bài hát của ông luôn được viết nên bằng những ca từ đẹp, gần gũi, đậm chất văn chương, giai điệu nhẹ nhàng, thường man mác buồn, gửi gắm bao nỗi yêu thương. Cứ như thế, những sáng tác âm nhạc ấy lẳng lặng đi vào lòng người nhẹ nhàng đến lưu luyến.
 
Ông và các tác phẩm âm nhạc đặc sắc của mình đã được nhiều đài truyền hình tổ chức thực hiện ghi hình, phát sóng, giới thiệu đến khán giả màn ảnh nhỏ trong các chương trình mang tính tư liệu giới thiệu tác giả - tác phẩm.
 
Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Trong hành trang làm việc tất bật của mình, bên cạnh sáng tác nhạc, NS Vũ Đức Sao Biển còn viết báo, tiểu thuyết, tiểu phẩm trào phúng, bút ký, hồi ký, tiểu luận, phóng sự, kỹ năng sống, truyện ngắn, tản văn, tạp văn, đặc biệt là phiếm luận về truyện kiếm hiệp Kim Dung (Kim Dung giữa đời tôi), với nhiều bút danh: Vũ Đức Sao Biển, Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại…
 
Năm 1999, ông đã tiến hành phục dựng bài Dạ cổ hoài lang và đến năm 2013, ông cùng ba nhà báo Anh Đức, Liêu Phúc Minh, Tố Loan dịch bản Dạ cổ hoài lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan Thoại.
 
Đến khi ca khúc Thu hát cho người tròn 50 năm tuổi (1968-2018), chương trình Sol Vàng đã vinh danh nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với chủ đề mang tên ca khúc. Đó cũng là lần gần nhất hầu hết những sáng tác của ông được nhiều thế hệ ca sĩ cùng thể hiện trên sân khấu.
 
Tiếp nối sự nghiệp giảng dạy của mình, năm 2009, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã mời ông tham gia thỉnh giảng hai môn Tạp văn và tiểu phẩm và Tường thuật chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật cho sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông của trường.
 
Nay, sự ra đi của ông để lại thật nhiều tiếc thương cho gia đình, người thân, đồng nghiệp, học trò, khán giả yêu nhạc và bạn đọc.
 
Tang lễ nhạc sĩ – nhà báo Vũ Đức Sao Biển tổ chức tại tư gia. Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 13 giờ ngày 7-5. Linh cữu của ông sẽ được di quan và an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương vào 6 giờ 30 phút ngày 10-5.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.