Nhiều thông tin quý về tác phẩm "Văn học dân gian Tiền Giang"
Chiều 6-7, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang phối hợp Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm tác phẩm “Văn học dân gian Tiền Giang” (gồm 2 tập).
Công trình này được nhóm biên soạn: TS. La Mai Thi Gia (chủ biên), TS. Phan Xuân Viện, ThS. Lê Thị Thanh Vy thực hiện và đã được Nhà Xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành. Công trình từng được trao Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam 2018, đã phác họa khá hoàn chỉnh diện mạo của văn học dân gian của tỉnh Tiền Giang.
Công trình được Khoa Văn học, Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh triển khai sưu tầm tại Tiền Giang vào năm 2011 và 2012. Kết quả, nhóm sưu tầm văn học dân gian Tiền Giang đã gặp gỡ và thu thập từ hơn 1.850 cộng tác viên là người dân bản xứ, sưu tầm được 26.371 tác phẩm văn học dân gian thuộc các thể loại: Truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, ca dao, hò, vè, lý, truyện thơ, thơ rơi, câu đố, lời bài ca tài tử…
Sau khi chọn lọc, phân loại và chỉnh lý toàn văn các tác phẩm sưu tầm được, nhóm biên soạn đã giữ lại được hơn 1.000 câu đố, 900 câu tục ngữ, 108 truyện kể, hơn 1.250 câu ca dao và gần 50 bài vè… Tất cả được giới thiệu trong bộ sách 2 tập “Văn học dân gian Tiền Giang”. Bộ sách dày dặn và công phu này giúp người xem dễ tiếp cận khi chia thành các thể loại khác nhau. Trong mỗi thể loại còn chia thành nhiều chủ đề nhỏ để người đọc tiện theo dõi, tra cứu.
Sưu tầm văn học dân gian là công việc ý nghĩa, cần thiết, dù rất công phu và tốn nhiều thời gian. Công trình “Văn học dân gian Tiền Giang” được ấn hành đã giúp làm phong phú thêm kho tư liệu văn học dân gian vùng đất Nam bộ, giúp thế hệ sau hiểu và lưu truyền những câu ca xưa, những câu chuyện cổ về vùng đất quê mình… TS. LA MAI THI GIA |
Theo nhận định của nhóm biên soạn, câu đố là thể loại phổ biến của văn học dân gian Tiền Giang. Lấy tiêu chí đối tượng đố, nhóm chia thành các chủ đề nhỏ: Hiện tượng tự nhiên, đồ vật, loài cây, địa danh…
Ðiểm khác biệt ở thể loại này là nhiều câu đố về các địa danh trên mảnh đất Tiền Giang, điển hình như: “Chợ gì ấm bụng no lòng?” (Ðáp: Chợ Gạo) hay “Chợ gì xe chạy ngập ngừng/ Ai mà đáp được khen rằng thật hay?”(Ðáp: Chợ Gò Công)…
Về tục ngữ, với hơn 900 câu, đặc sắc nhất là những câu về sản vật, con người, địa danh Tiền Giang; có thể nêu ra như: “Giàu như ông Cai Lữ, mưu sự như ông Thuộc Nhiêu” hay “Ốc gạo cồn Tre một người đè hai người lể”... Trong 108 truyện dân gian được giới thiệu, nhiều truyện phảng phất dấu ấn văn hóa - lịch sử như “Dũng sĩ Rạch Chốt”, “Truyền thuyết Rạch Gầm”, “Ao Bà Quà”, “Ao Bà Hiệp”, “Sự tích Vàm Kỳ Hôn”, “Con chồn ở Rạch Già”…
Trong tập 2 của bộ sách, nhóm tác giả chọn giới thiệu tác phẩm ca dao, dân ca và vè. Trong số này, ca dao Tiền Giang để lại nhiều phong vị độc đáo, được nhiều người biết đến. Ðiển hình như:
“Bần gie đóm đậu sáng ngời
Rạch Gầm - Xoài Mút
muôn đời oai linh”.
“Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương “đám lá tối trời”
đánh Tây”.
Và có lẽ, thân thuộc với nhiều người dân Nam bộ là câu hát đưa em đã thuộc nằm lòng:
“Ðèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Ðèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi
Mười thu em cũng chờ”.
VĨNH SƠN