.

Triển khai quy hoạch báo chí đúng lộ trình, phương án được phê duyệt

Cập nhật: 20:53, 15/07/2020 (GMT+7)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự kiến, việc sắp xếp quy hoạch các cơ quan báo chí địa phương sẽ được thực hiện xong trước ngày 30-9.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc đảm bảo 100% các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí đúng lộ trình và phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo trao giấy phép cho 18 tạp chí thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo trao giấy phép cho 18 tạp chí thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Bộ sẽ tiếp tục định hướng để báo chí tập trung tuyên truyền cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, tạo nên sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên.

Để các cơ quan báo chí có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung nghiên cứu tháo gỡ những điểm nghẽn trong kinh tế báo chí, có cơ chế đặt hàng cho báo chí.

Bộ đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét dành một phần kinh phí thích đáng để đặt hàng báo chí, qua đó tăng hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước và xã hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là quản lý chặt việc thực hiện đúng tôn chỉ mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí; tăng cường kiểm tra đối với một số tạp chí có biểu hiện báo hóa, đưa thông tin một chiều, không kiểm chứng.

Dự kiến, cuối tháng 7-2020, Bộ sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu thẻ nhà báo online để phục vụ công tác tra cứu, quản lý, giám sát và báo cáo vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành sửa đổi một số quy định của pháp luật cho phép tăng thẩm quyền cho các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đối với việc giám sát, xử lý vi phạm của cơ quan báo chí trên địa bàn; bổ sung hình thức, mức xử phạt đối với việc lãnh đạo cơ quan báo chí ký giấy giới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề không thuộc tôn chỉ, mục đích của báo.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, Bộ sẽ tiếp tục tích cực đấu tranh, yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam, phối hợp xử lý tin giả, thông tin bôi nhọ, xúc phạm, chống phá Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, Bộ sẽ nâng tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu của Bộ đối với Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, các kênh vi phạm pháp luật trên lên mức cao nhất; không chia sẻ tiền quảng cáo cho các kênh Youtube mà Bộ đã thông báo vi phạm pháp luật; bỏ tính năng "gợi ý nội dung xem" đối với các kênh Youtube tiếng Việt thường xuyên đăng tải nội dung sai sự thật, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm uy tín của các tổ chức, cá nhân, tiến tới xóa bỏ các kênh này tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đấu tranh để Google có giải pháp hạn chế triệt để tình trạng quảng cáo gắn trong clip có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đối với Facebook, Bộ tiếp tục yêu cầu ngăn chặn 6 tài khoản/fanpages của các tổ chức phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam; tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin vi phạm pháp luật.

Bộ đề nghị Facebook khi đánh giá, xử lý nội dung vi phạm cần ưu tiên căn cứ vào các quy định pháp luật của Việt Nam trước khi xem xét theo chính sách cộng đồng do Facebook đặt ra khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Bộ phối hợp Facebook thực hiện định danh tài khoản, trước mắt, áp dụng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; ngăn chặn tình trạng thiết lập các trang Facebook giả mạo các bộ, ngành, tổ chức chính trị của Việt Nam.

Đối với Apple, Bộ hướng đến việc nâng tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các game không phép và game có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Apple Store lên mức cao nhất.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ưu tiên hiển thị thông tin của những cơ quan báo chí lớn của Việt Nam; thúc đẩy việc áp dụng các phương tiện truyền thông mới như nhắn tin qua mạng di động, sử dụng mạng xã hội Việt Nam.

Thực hiện việc quy hoạch báo chí, đến nay, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được 128 văn bản, hồ sơ của các cơ quan chủ quản về việc rà soát, cấp lại giấy phép tạp chí (24 hồ sơ của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 12 hồ sơ của các trường Đại học; 18 hồ sơ của các Viện nghiên cứu; 2 hồ sơ của các Tập đoàn; 72 hồ sơ của các Hội).

Bộ sẽ rà soát, phân loại để xem xét cấp lại giấy phép, trước hết là đối với các Hội có tạp chí điện tử. Tại các địa phương, hiện còn 24/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phải sắp xếp quy hoạch (trước 30-6, nhiều cơ quan chủ quản báo chí tại địa phương đã chủ động có hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động cơ quan báo chí trực thuộc và chuyển đổi báo thành tạp chí - một số báo văn nghệ thành tạp chí văn nghệ).

Theo dự kiến, việc sắp xếp quy hoạch các cơ quan báo chí địa phương sẽ được thực hiện xong trước ngày 30-9.

Tính đến 31-5-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 20.860 thẻ nhà báo; xử phạt 4 cơ quan báo chí sai phạm liên quan nội dung thông tin, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 85,7 triệu đồng, đình bản một báo điện tử.

Trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, Bộ đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp với số tiền 236 triệu đồng.

Đến thời điểm này, 50/63 Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xong việc thiết lập đường dây nóng báo chí để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động sai phạm nhũng nhiễu của nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí tại địa phương.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, các Sở Thông tin và Truyền thông đã cung cấp thông tin kịp thời về tình hình, diễn biến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn để điều tiết thông tin cho phù hợp; rà soát phát hiện các trường hợp thông tin chưa chuẩn xác trên báo chí về tình hình dịch bệnh tại địa phương, kiến nghị kịp thời các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu điều chỉnh.

(Theo TTXVN)

.
.
.