.

Từ thú chơi đến kinh doanh hoa phong lan

Cập nhật: 21:28, 20/07/2020 (GMT+7)

Chơi hoa phong lan không chỉ là một thú vui tao nhã, mà còn là một nghề mang lại nguồn thu nhập khá cho không ít người.

“Chơi lan” cũng lắm công phu.
“Chơi lan” cũng lắm công phu.

“CHƠI LAN” VÌ ĐAM MÊ

“Vươn giữa đại ngàn vắt vẻo hoa,
Phong lan dìu dặt đến kiêu sa.
Hồn nhiên như thể trang sơn nữ,
Đài các còn hơn đấng ngọc ngà…”.

Đó là những câu thơ của một thi sĩ khuyết danh đã viết về hoa phong lan. Có thể nói, phong lan là nữ hoàng của các loại hoa, quả không ngoa chút nào.

Theo những người đam mê chơi phong lan, loài hoa này không chỉ thu hút người chơi do vẻ đẹp của sắc hoa, hình dáng độc đáo, hương thơm quyến rũ, mà còn mê hoặc người chơi bởi những triết lý sâu xa ẩn sau mỗi giò hoa, qua đó rèn giũa cho người chơi tính kiên trì, nhẫn nại…

Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang Ngô Minh Quân cho biết: “Người chơi phong lan ngoài niềm đam mê, còn phải cần cù chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm… Dân gian có câu “3 phần giống, 7 phần công” để nói về tầm quan trọng của việc chăm sóc cây trồng, nhất là đối với cây phong lan, vì trồng phong lan phải theo mùa, chăm sóc, quản lý theo một quy trình khép kín, do đặc tính của phong lan ưa ánh sáng, kỵ nóng, thích ẩm ướt. Chỉ từ một phần thân lan, nếu được đặt ở môi trường sống phù hợp thì phong lan sẽ nảy mầm, đâm chồi để trở thành một cây mới, cho ra những đóa hoa yêu kiều, với hương thơm thuần khiết làm say đắm lòng người…”.

Anh Nguyễn Duy Đức, chủ vườn hoa lan Song Anh (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết, anh là kỹ sư xây dựng, hiện làm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng An Cư, dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi do công việc. Thấy vậy, 3 năm trước, người bạn gợi ý anh chơi hoa phong lan để thư giãn. Ban đầu, anh nhờ bạn mua vài giò lan Hồ Điệp và Dendro về trồng, sau đó sưu tầm thêm nhiều loại hoa lan. Sau giờ làm việc, chăm sóc gia đình, anh tìm hiểu sâu về loài hoa này, nhất là giống lan rừng Giả Hạc, hay còn gọi là Phi Điệp… Từ đó, tình yêu của anh dành cho lan rừng ngày càng lớn dần.

Đến một khu vườn với nhiều loại lan ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tôi không ngờ chủ nhân của nó là một thanh niên làm nghề xây dựng: Anh Đinh Vũ Duy, hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Sông Tiền. Cũng như anh Đức, anh Duy thường khi mệt mỏi với công việc của ngành Xây dựng. Thấy vậy, vợ anh mua vài giò lan về treo chơi trong nhà. Anh giúp vợ chăm sóc các giò lan, cảm thấy thanh thản, từ đó thích thú chơi hoa lan…”.

“NGHỀ CHƠI” CŨNG LẮM CÔNG PHU

Người chơi phong lan thường nói với nhau: “Ăn cùng lan, ngủ cùng lan”, “chăm lan như thể chăm con”. Thật vậy, theo anh Đinh Vũ Duy, chơi phong lan quan trọng nhất là phải có niềm đam mê, có không gian để treo vài giò lan, thường khi chăm sóc… Thú chơi này rất dễ “gây nghiện”. Người trồng phải hiểu rõ đặc tính của từng loại lan theo “tiểu vùng khí hậu” thì mới chơi được lâu bền. Phong lan là giống cây ưa ẩm nhưng không được quá ướt, khi trời mưa rất dễ bị ruồi vàng đục thân làm nước ngấm vào thân gây thối nhũn. Nếu trời đang mưa mà nắng hửng lên, nước mưa đọng lại, gặp nắng chiếu vào, giống như lăng kính hội tụ sẽ đốt cháy thân.

Ngoài ra, phong lan còn dễ bị một số loài ốc sên, bệnh nấm, sâu phá hoại… Vì thế, hầu như ngày nào anh Duy cũng có mặt ở vườn để vừa thưởng thức vẻ đẹp của hoa lan, vừa chăm sóc, phát hiện sớm các loại sâu bệnh. Trong quá trình chơi lan, anh Duy phát hiện nhiều hoa đẹp, quý nhưng khó nhân giống, đã tự mày mò nghiên cứu sản xuất thuốc kích nhân giống, được nhiều người tìm mua. Hiện anh sản xuất 2 loại thuốc nhân giống, gồm loại phun và loại chích.

Với anh Nguyễn Duy Đức, đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và gia nhập Hội chơi lan Sông Tiền để học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh Đức luôn tuân thủ việc chọn giá thể cho từng loại và các điều kiện về gió, nước, ánh nắng… trong khu vực trồng. Anh còn nhân những giống lan rừng quý.

ĐẾN KINH DOANH HOA LAN

Trong quá trình chơi lan, anh Duy nảy sinh ý định kinh doanh để kiếm thêm thu nhập. Năm 2012, anh bắt đầu khởi nghiệp với hoa lan. Ban đầu, anh chỉ đầu tư được 10.000 giò lan. Với niềm đam mê ngày càng mãnh liệt, anh Duy luôn tìm tòi học hỏi cách chăm sóc. Qua 1 năm miệt mài “ăn, ngủ” cùng lan, anh Duy phát triển lên được 20.000 giò lan, chủ yếu là lan cắt cành. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, anh Duy nhận thấy trồng lan cắt cành phải cần diện tích lớn, công chăm sóc nhiều, nên chuyển sang chơi và trồng những giống lan quý, giá trị kinh tế cao. Hiện tại, anh dành 3 công đất trồng lan, với khoảng 80.000 giò lan Catlayda, Phi Điệp,Trầm, Kiếm, Dentro nắng, Thủy Tiên và một số lan đột biến.

Đối với anh Nguyễn Duy Đức, đi đến đâu là săn tìm mua những giống lan rừng “độc”, lạ mang về cho bộ sưu tập. Anh sưu tập từ những cây lan con ươm từ mầm trên thân đến những khóm lan rừng bé xíu, mà dân chơi lan gọi là kiến, với hàng chục giò lan. Khi tình yêu dành cho lan rừng quá lớn, ý tưởng kinh doanh lan rừng đã hình thành trong anh Đức. Để những “đứa con” tinh thần của mình phát triển tốt, anh đã xây dựng một khu vườn với hệ thống giàn, nhà lưới và phun tưới nước tự động. Đặc biệt, mỗi khi có khách đến tham quan, giao lưu, anh Đức luôn sẵn sàng giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm; nếu du khách có nhã ý trồng, anh sẵn sàng cung cấp giống với giá cả phải chăng.

SONG PHƯƠNG

.
.
.