Tổ chức trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020
Giải thưởng năm nay đã phản ánh khách quan các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố vẫn duy trì và đi theo khuynh hướng truyền thống.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng trao giải A cho các tác giả. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020.
Ban Tổ chức cho biết năm nay có 61/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự giải thưởng. Cùng với đó là các tác phẩm có chất lượng cao nhất của 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tham dự và nhận giải đã làm nên một diện mạo thực sự của Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - xứng đáng là một tổ chức đứng đầu nhằm tập hợp, đoàn kết, sáng tạo văn học nghệ thuật cả nước.
Tính đến ngày 30/11 vừa qua, Ban Tổ chức đã nhận được 9 tác phẩm xuất sắc của 9 Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 418 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 61 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi xét giải thưởng.
Các tác phẩm tham gia dự giải thuộc các thể loại thơ, văn xuôi, lý luận phê bình văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian, sân khấu. Sau khi tham khảo ý kiến từ các Hội đồng giám khảo chuyên ngành, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã ra quyết định trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật năm 2020 cho 74 tác phẩm.
Ban Tổ chức trao giải thưởng cho 9 tác phẩm có giá trị xuất sắc của 9 Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Đó là tập thơ “Nghe mưa” của tác giả Hà Phạm Phú (Hội Nhà văn Việt Nam); giao hưởng thơ Hoài Văn Hầu-Trần Quốc Toản (dựa theo cốt truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) của Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Tú; vở diễn “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam).
Tiếp đó là bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam sản xuất (Hội Điện ảnh Việt Nam); tác phẩm “Văn hóa nghệ thuật chùa Việt-Vài nét cơ bản” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lâm Biền (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); tác phẩm ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” của tác giả Trần Bảo Hòa (Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam); tản văn “Chín bậc thang nhà người” của Nhà nhơ Phạm Tú Anh (Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam); kịch múa ballet “Kiều,” tác giả Nguyễn Thị Tuyết Minh (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam); đồ án “Công trình cột mốc Km0” của Kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu và các cộng sự (Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho 65 tác phẩm đoạt giải của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gồm 3 giải A, 9 giải B, 17 giải C, 33 giải Khuyến khích và 3 giải dành cho tác giả trẻ có các tác phẩm xuất sắc của các Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố.
Trong đó, 3 giải A được trao cho các tác phẩm: Tranh sơn dầu “Bình yên biển đảo” của tác giả Đoàn Văn Hiếu (Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình); tác phẩm ảnh nghệ thuật “Phố đi bộ sau những ngày giãn cách” của tác giả Trần Ngọc Dũng (Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) và ca khúc “Mũi Cà Mau khắc khi lời Người” của tác giả Đặng Quốc Hưng (Hội Văn học nghệ thuật Cà Mau).
Đại diện Ban Tổ chức cho biết về số lượng, năm 2020 là năm có số lượng Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố tham gia cao nhất trong vòng 20 năm qua. Về chất lượng, Giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2020 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc. Những tác phẩm này đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ và báo chí đề cập đến...
Giải thưởng năm nay đã phản ánh khách quan các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố vẫn duy trì và đi theo khuynh hướng truyền thống.
Giải thưởng năm nay có nhiều tác giả trẻ, là những cây bút mới của các địa phương tham dự, các tác giả trẻ đã có nhiều tìm tòi, đổi mới trong cách thể hiện, nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lý của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo...
(Theo https://www.vietnamplus.vn/to-chuc-trao-giai-thuong-van-hoc-nghe-thuat-nam-2020/682727.vnp)