Bài cuối: Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động
Bài 1: Khai thác chưa xứng tầm
Bài 2: Gỡ nút thắt về kinh phí
(ABO) Việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT), Nhà Văn hóa (NVH) xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang" (gọi tắt là Đề án) đã mở ra một hướng mới để các thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động đi vào thực chất. Bước đầu cho thấy đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngân sách không thể “bao cấp” mãi, về lâu dài để duy trì và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa này cần tính toán giải pháp căn cơ, dài hơi…
DUY TRÌ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Năm 2021 là năm đầu tiên Đề án được triển khai trên toàn tỉnh. Theo chủ trương của UBND tỉnh, năm 2021 tỉnh sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để các địa phương triển khai Đề án, tuy nhiên nếu sau 1 năm Đề án không hiệu quả thì tỉnh sẽ cắt kinh phí từ Đề án và không tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.
Theo Đề án này, kinh phí thực hiện Đề án năm 2021 là 18,748 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 40%, còn lại 60% do ngân sách cấp huyện, cấp xã bố trí và thực hiện xã hội hóa. Còn kinh phí quản lý Đề án sử dụng từ kinh phí sự nghiệp văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quản lý.
Với nguồn kinh phí này, hằng tháng, mỗi TTVH-TT, NVH xã, phường, thị trấn phải tổ chức 2 buổi biểu diễn các loại hình văn hóa - văn nghệ, 1 buổi sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) sở thích và trong năm phải tổ chức 1 cuộc liên hoan văn nghệ cấp xã...
Thực hiện Đề án, nhiều TTVH-TT, NVH lên kế hoạch hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao có tính định kỳ hằng tháng. |
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lê Văn Dũng cho biết, để triển khai hiệu quả Đề án trong năm 2021, Sở VHTTDL đã hướng dẫn cán bộ phụ trách các TTVH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; phân công các đơn vị nghiệp vụ của Sở VHTTDL hỗ trợ về chuyên môn đối với TTVH-TT và Truyền thanh các huyện, thị và Trung tâm VHTTDL TP. Mỹ Tho triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; phối hợp với Sở Tài chính dự toán kinh phí thực hiện Đề án; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết Đề án, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
Trong Đề án, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể từng ngành… Ngành VHTTDL cũng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, triển khai công tác kiểm tra thực tế việc thực hiện Đề án của các địa phương trong thời gian tới, phải tăng cường quản lý nhằm tạo bước đột phá cho các TTVH-TT, NVH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đề án đã tạo điều kiện để các CLB sở thích sinh hoạt thường kỳ, vừa khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở vừa nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. |
Qua khảo sát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, các huyện Gò Công Tây, Cái Bè, TX. Gò Công… đã và đang triển khai khá tốt Đề án này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, thực hiện Đề án của tỉnh, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án và xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn huyện. Cụ thể trong năm 2021, mỗi xã sẽ tổ chức 12 cuộc giao lưu đờn ca tài tử, 12 cuộc biểu diễn văn nghệ quần chúng, 12 cuộc sinh hoạt CLB sở thích, 1 cuộc liên hoan văn nghệ cấp xã, 1 giải thể thao cấp huyện với kinh phí 109 triệu đồng cho mỗi xã/năm. Từ đầu năm 2021 đến tháng 4, các địa phương triển khai Đề án theo kế hoạch huyện đã duyệt. Tháng 5 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại nên tạm ngưng hoạt động theo chỉ đạo của cấp trên.
Một số địa phương khác như huyện Chợ Gạo, huyện Tân Phước… cũng cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ triển khai còn chậm. Hiện các địa phương đang cân đối nguồn từ ngân sách huyện và vận động xã hội hóa, nỗ lực triển khai các nội dung Đề án theo tiến độ.
ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA
Trong nhiều diễn đàn, hội nghị trực tiếp và trực tuyến, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đã nhấn mạnh, trước thực tế các thiết chế văn hóa cơ sở chưa phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương trên cả nước, không ít nơi còn tạo nên sự tốn kém, lãng phí, đòi hỏi tất cả phải nỗ lực để bắt nhịp với thời cuộc, thực nghiệm nhiều mô hình mới nhằm đem đến sức sống mới cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở các địa phương.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng khuyến khích, các địa phương cần mở rộng chức năng hoạt động của các thiết chế, không chỉ bó hẹp trong phạm vi các hoạt động văn nghệ, thể thao mà phải đa năng, đa dạng, thiết thực nhằm phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của người dân. Về kinh phí hoạt động, mỗi địa phương cần nỗ lực xã hội hóa và mạnh dạn trong từng bước thực hiện cơ chế tự chủ…
Các TTVH-TT, NVH hoạt động thường xuyên, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở. |
Giám đốc TTVH-TT và Truyền thanh TX. Gò Công Dương Thị Thanh Sương cho biết, cùng với kinh phí hỗ trợ, lãnh đạo nhiều xã, phường cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động TTVH-TT xã, phường như mời gọi xây dựng sân bóng đá mini, các nhà tài trợ đóng góp qua các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn và thành viên các CLB đóng góp tạo nên nguồn lực tổng hợp góp phần hoạt động TTVH-TT chất lượng hơn.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đã thực hiện tốt hoạt động văn hóa - thể thao, thông qua hình thức xã hội hóa, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức nhiều cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ, các giải thể thao phong trào, đã tập hợp được nhiều tầng lớp nhân dân tham dự. Một số TTVH-TT thường xuyên ký kết hợp đồng khai thác các nguồn thu như cho thuê hội trường tổ chức hội thảo, hội nghị…
Tuy nhiên, theo quy định, các TTVHTT không được sử dụng nguồn thu này mà phải nộp vào ngân sách địa phương. Nhiều lãnh đạo TTVH-TT xã, phường cho rằng, tỉnh cũng như các ngành liên quan nên nghiên cứu cơ chế cho các TTVH-TT xã, phường khai thác nguồn thu và sử dụng nguồn thu để chi cho công tác bảo quản thiết bị, chăm sóc cây kiểng, vệ sinh TTVH-TT, NVH xã, phường...
Theo chủ trương của UBND tỉnh, tỉnh luôn khuyến khích ngành VHTTDL kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đối với lĩnh vực văn hóa để đa dạng các loại hình văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhân dân. Trước mắt năm 2021, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án, nhưng về lâu dài vẫn cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cũng như toàn ngành VHTTDL đẩy mạnh các biện pháp xã hội hóa phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của địa phương mình.
Nhiều CLB sở thích được duy trì tổ chức giao lưu, hoạt động hằng tháng, khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa; đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. |
Có thể nói, Tiền Giang đã và đang cụ thể hóa đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự tham mưu đầy trách nhiệm của ngành VHTTDL, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã dần không còn là “vỏ bọc”, dần phát huy công năng vừa mang lại giá trị tinh thần, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng như thực hiện tốt chủ trương đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh phí của Đảng ta.
HOÀI THU