Nghệ sĩ Nhân dân Dương Ngọc Thạch: Với những vở cải lương nổi tiếng
Tiền Giang được xem là “cái nôi” của nghệ thuật sân khấu cải lương, với những nghệ sĩ cải lương tiền bối tài danh: Các Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phùng Há (Trương Phụng Hảo), Bảy Nam (Lê Thị Nam), Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Tư Trang (Trần Hữu Trang) và đệ nhất tài hoa cải lương Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ)… Đặc biệt, NSND Dương Ngọc Thạch nổi tiếng ở Đoàn Văn công Nam bộ, rồi Đoàn Cải lương Nam bộ hoạt động sôi nổi trên đất Bắc từ năm 1954 - 1975.
NSND Dương Ngọc Thạch |
Tiền Giang được xem là “cái nôi” của nghệ thuật sân khấu cải lương, với những nghệ sĩ cải lương tiền bối tài danh: Các Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phùng Há (Trương Phụng Hảo), Bảy Nam (Lê Thị Nam), Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Tư Trang (Trần Hữu Trang) và đệ nhất tài hoa cải lương Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ)… Đặc biệt, NSND Dương Ngọc Thạch nổi tiếng ở Đoàn Văn công Nam bộ, rồi Đoàn Cải lương Nam bộ hoạt động sôi nổi trên đất Bắc từ năm 1954 - 1975.
Dương Ngọc Thạch tên thật là Dương Văn Được, sinh năm 1917 tại làng Đồng Sơn, tổng Hòa Đồng Thượng, tỉnh Gò Công (nay xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật.
Năm 1930, khi mới 13 tuổi, ông lên Sài Gòn gia nhập gánh hát bội pha cải lương của bầu Thiếc, sau đó gia nhập gánh Tân Thiếu Niên của bầu Ba Đô, rồi các gánh: Bạch Nhựt, Nghĩa Thành, Phước Tường… Dù nhỏ tuổi nhưng ông đã đóng rất thành công những vai “lão gia”, nổi tiếng với vai Quan Công trong vở Quan Công hiển thánh (còn có tên Quan Công đại chiến Bàng Đức) và Trương Phi trong vở Trương Phi xin tội.
Năm 1945, với lòng yêu nước nồng nàn, ông giác ngộ và tham gia cách mạng, hoạt động ở vùng Đồng Tháp Mười và góp công xây dựng Đoàn Nghệ thuật Cửu Long và Đội Cải lương thuộc Chi hội Văn nghệ Nam bộ.
Với nhiệm vụ vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ, ông đã tích cực, hăng say phục vụ chiến trường và đồng bào khắp các chiến khu, bưng biền. Năm 1951, ông là một trong những nghệ sĩ tham gia vở diễn Trần Hưng Đạo bình Nguyên của tác giả Trần Bạch Đằng - vở diễn đề tài lịch sử đầu tiên ở vùng kháng chiến Nam bộ.
Một cảnh trong vở Thạch Sanh do hai đạo diễn Ngọc Bạch và Dương Ngọc Thạch dàn dựng. Ảnh tư liệu lưu trữ tại Nhà hát Trần Hữu Trang. |
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Lúc này, có khoảng 100 nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có những nghệ sĩ mà tên tuổi đã được khẳng định: Hoàng Việt, Ngọc Bạch, Tám Danh, Ba Du, Thanh Nha, Hoàng Sa, Hoàng Ba, Dương Ngọc Thạch, Phan Vũ, Can Trường, Quốc Hương, Xuân Mai, Quang Hải, Thanh Hạp… Những nghệ sĩ này hoạt động nghệ thuật trong Đoàn Văn công Nam bộ.
Khoảng đầu năm 1955, do yêu cầu của cách mạng, đoàn được tách ra thành 2 đoàn: Đoàn Văn công Quân đội Nam bộ và Đoàn Văn công Nhân dân Nam bộ. Khoảng tháng 4-1956, Bộ Văn hóa quyết định thành lập Đội Cải lương Nam bộ trên cơ sở hợp nhất bộ phận cải lương trong Đoàn Văn công Quân đội Nam bộ và bộ phận cải lương trong Đoàn Văn công Nhân dân Nam bộ.
Sau đó, Đội Cải lương Nam bộ được đổi tên thành Đoàn Cải lương Nam bộ. Lúc bấy giờ, Đoàn Cải lương Nam bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm: NSND Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), NSND Ba Du (Phan Văn Hai), NSND Dương Ngọc Thạch, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Triệu An (Nguyễn Văn Tám) trước khi tham gia cách mạng và kháng chiến chống Pháp từng có thời gian hoạt động cải lương chuyên nghiệp cùng các tài danh Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Năm Châu, Tư Trang...
Một cảnh trong vở Người con gái đất đỏ. Ảnh tư liệu lưu trữ tại Nhà hát Trần Hữu Trang. |
Là một nghệ sĩ cải lương công tác tại Đoàn Cải lương Nam bộ, với vai trò diễn viên, ông để lại dấu ấn trong các vai Tám Luông trong vở Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khuất Nguyên trong vở Khuất Nguyên, ông Hai trong vở Người con gái đất đỏ, Tề Thiên trong vở Mẫu đơn tiên…; trong đó, với vai Tám Luông, ông đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội năm 1958.
Từ năm 1959, ông còn tham gia giảng dạy, truyền nghề cho thế hệ trẻ tại Trường Nghệ thuật Ca kịch dân tộc (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Đồng thời, ông còn là đạo diễn sân khấu cải lương, cùng với đạo diễn Ngọc Bạch dàn dựng nhiều vở cải lương, trong đó có vở Thạch Sanh tạo nên tiếng vang lớn.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), ông trở về TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, ông bén duyên điện ảnh với hàng loạt vai trong các phim về đề tài chiến tranh cách mạng, như: Chiều sâu lòng đất, Người ven đô, Võ Thị Sáu, Chiếc vòng bạc, Hòn đất…
Song song đó, ông là một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng Khoa Cải lương của Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh). Ông là thầy của các nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng: NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Thanh Hạp, NSƯT Phi Điểu, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Tú Lệ, NSƯT Thanh Vy, NSƯT Thanh Dậu, Võ sư - Nhà giáo Ưu tú Thu Vân…
Trong quá trình lao động nghệ thuật, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu (năm 1984). Ngoài ra, ông còn được trao tặng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huy chương Vàng trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc… Năm 2013, do tuổi cao sức yếu, ông qua đời tại TP. Hồ Chí Minh.
THÁI AN SƠN (tổng hợp)