.

Thương hoài chiếc áo bà ba...!

Cập nhật: 18:47, 09/08/2021 (GMT+7)

(ABO) Có nhiều giả thiết về nguồn gốc áo bà ba như áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX, được Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt. Còn nhà văn Sơn Nam từng cho rằng: “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Một giả thuyết khác lại cho rằng, có thể áo bà ba ảnh hưởng cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt….

Nhìn chung, tên gọi áo bà ba có xuất xứ từ đâu, loại trang phục này có nguồn gốc thế nào thì cho đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến. Chỉ biết rằng, từ thế kỷ thứ XIX, bộ đồ bà ba đã được phổ biến và trở thành y phục thông dụng của người dân vùng đất Nam bộ nói chung và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Áo bà ba thuở sơ khai không có túi, sau này, áo bà ba mới may túi ở hai vạt trước. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, áo bà ba được cả nam lẫn nữ cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt, hồng... với chất liệu vải đắt tiền như the, lụa, sa tanh...

Ở nông thôn lúc bấy giờ có nhiều người thu mua nông sản đem lên Chợ Lớn. Những người thương lái thích mặc bộ đồ bà ba may bằng vải lãnh đen, có hai túi, đi giày hàm ếch, hoặc guốc vông, trên đầu hay đội nón cối. Các cậu học trò trường Trung học Mỹ Tho lúc bấy giờ cũng thích mặc bộ đồ bà ba trắng may bằng lụa, chân đi guốc vông, đầu đội nón cối trắng.

Tuy nhiên, bộ đồ bà ba được giới nữ tiếp nhận muộn nhưng ồ ạt và cuối cùng đã giành được độc quyền. Khoảng những năm 1925 - 1930, hầu hết phụ nữ ở vùng Mỹ Tho - Gò Công thích để tóc đuôi gà bới ba vòng bảy ngọn. Những cô gái trẻ có dáng vẻ cao ráo thích mặc áo bà ba bằng vải batiste màu trắng, may bó sát và chiếc quần lãnh màu đen đi cùng phụ kiện là những chiếc kiềng vàng, kiềng bạc.

Phụ nữ lớn tuổi mặc áo bà ba, đồng thời mặc thêm áo dài cho kín đáo. Mặc áo bà ba, mặc quần đáy giữa là thời trang, song phụ nữ lớn tuổi vẫn sử dụng quần đáy nem. Chiếc áo ba bà còn đi kèm với chiếc khăn rằn đen hoặc sọc xanh, đỏ tùy theo lứa tuổi.

Đến khoảng năm 1940, đa số thanh niên nông thôn vẫn còn trung thành với bộ bà ba đen, với chiếc khăn rằn và đôi chân đất.

Bộ đồ bà ba trở thành quen thuộc và là biểu tượng đối với cán bộ và bà con trong vùng kháng chiến.
Bộ đồ bà ba trở thành quen thuộc, là biểu tượng đối với cán bộ và bà con trong vùng kháng chiến.

Giai đoạn năm 1945 - 1975, bộ đồ bà ba trở thành quen thuộc, là biểu tượng đối với cán bộ và bà con trong vùng kháng chiến. Áo bà ba không kén người mặc mà cũng chẳng kén tầng lớp nào. Người giàu thì mặc áo bà ba trong những bữa tiệc sang trọng với chất liệu lụa Tân Châu cùng với quần đen lãnh Mỹ A có tiếng. Còn người nghèo, lam lũ với ruộng đồng thì mặc áo bà ba vải thô, kèm theo những mảnh vá đi cùng với thời gian. Áo càng đẹp, càng thanh nhã thì người mặc nó càng đoan trang, thùy mị.

Đồng chí Nguyễn Mười Thập trở về thăm lại căn cứ Khởi nghĩa Nam kỳ vẫ mặc chiếc áo bà ba quen thuộc, khăn rằn vắt vai.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập trở về thăm lại căn cứ Khởi nghĩa Nam kỳ vẫn mặc chiếc áo bà ba quen thuộc với khăn rằn vắt vai.

Có thể nói, áo bà ba còn là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, bất khuất của phụ nữ miền Nam. Đẹp làm sao hình ảnh bất tử của nữ chiến sĩ tình báo cách mạng Võ Thị Thắng trong chiếc áo bà ba đen với nụ cười dũng cảm. Hay nữ tướng Nguyễn Thị Định, dù ở chiến khu hay quê nhà, bà vẫn mặc trên người chiếc áo bà ba mộc mạc, còn đồng chí Mười Thập thì vẫn luôn chung thủy với chiếc áo bà ba trong chiến đấu cũng như cuộc sống đời thường…

Những chiếc áo bà ba thấp thoáng trong những vườn cây ăn trái miệt vườn Tiền Giang.
Ngày nay, dù có nhiều thay đổi trong văn hóa trang phục nhưng vẫn còn những cô gái miệt vườn mặc áo bà ba. Ảnh: Lập Đức

Và vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Nam bộ trong áo bà ba đã đi vào lời ca tiếng hát: "Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm; Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh; Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ..."  - lời bài hát "Chiếc áo bà ba" được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào năm 1978.

Ngày nay, dù có nhiều thay đổi trong văn hóa trang phục, nhưng chiếc áo bà ba và khăn rằn Nam bộ trước sau vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho sự duyên dáng của những cô gái cũng như những tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.

Nhiều địa điểm kinh doanh du lịch đã sử dụng chiếc áo bà ba để tạo nét đẹp thân thiện, gần gũi và là điểm nhấn độc đáo trong văn hóa du lịch miệt vườn, sông nước. Bên cạnh đó, áo bà ba còn được sử dụng trong các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trong các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, hòa nhịp cùng cuộc sống hiện đại...

HÀ ANH (tổng hợp)


 

.
.
.