Thứ Tư, 27/10/2021, 09:55 (GMT+7)
.

Bà Cao Thị Khanh và Nguyễn Thị Kiêm: Lưu danh bởi tài năng và đức độ

Theo quan niệm xưa, nữ giới chỉ lo tề gia nội trợ; cho nên, lúc còn trẻ, nữ giới thường ít được học như nam giới. Tuy nhiên, vùng đất Mỹ Tho - Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) từ những năm 1920 đã có nhiều cô gái trẻ được gia đình cho đi học ở các trường danh tiếng, nhiều người biết đàn tranh, xướng họa văn thơ, có khả năng làm báo, viết tiểu thuyết... không thua đấng mày râu; đặc biệt là đấu tranh cho bình đẳng giới. Trong đó, có 2 bà Cao Thị Khanh và Nguyễn Thị Kiêm của vùng đất Gò Công đã lưu danh cho đời sau bởi tài năng và đức độ.

BÀ CAO THỊ KHANH - NỮ CHỦ BÚT TÂM HUYẾT, ĐẤU TRANH CHO NỮ QUYỀN

Bà Cao Thị Khanh ghi dấu trong lịch sử báo chí Việt Nam với tư cách là người sáng lập ra “Phụ Nữ Tân Văn” - tuần báo phụ nữ có sức ảnh hưởng sâu rộng một thời ở Nam kỳ cả trên lĩnh vực báo chí, văn chương lẫn đời sống xã hội.

Báo Phụ nữ Tân Văn  do bà Cao Thị Khanh sáng lập.
Báo Phụ nữ Tân Văn do bà Cao Thị Khanh sáng lập.

Bà Cao Thị Khanh sinh năm 1900, là người Gò Công, con gái của cụ Cao Văn Nhiêu, là nhà Nho nổi tiếng và giàu có, nhân đức. Chồng bà là ông Nguyễn Đức Nhuận, quê tỉnh Trà Vinh. Ông bà Nhuận - Khanh rất trượng nghĩa, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, nhất là người nghèo, lo cho sự tiến bộ của phụ nữ bằng nhiều hoạt động tích cực và hữu hiệu.

Bà Khanh được khen là người điềm tĩnh, quý phái. Bà quy tụ một đội ngũ phụ nữ trí thức có văn tài, lấy tờ Phụ Nữ Tân Văn làm phương tiện thực hiện những công trình xã hội khá quy mô. Có thể nói, bà Khanh là người phụ nữ mở kỷ nguyên mới vì đã sáng lập một tờ báo dành cho phụ nữ với tôn chỉ mới mẻ, độc đáo, dùng nó để tổ chức những hội đoàn phục vụ cho xã hội và lý tưởng canh tân một cách hữu hiệu.

Phụ Nữ Tân Văn ra số đầu tiên ngày 2-5-1929. Trong lịch sử báo chí nước ta, đây là tờ báo thứ hai của nữ giới do phụ nữ làm chủ, có khuynh hướng tiến bộ, tuyên truyền dân chủ, dân sinh, đấu tranh cho nữ quyền, bênh vực quyền lợi của phụ nữ.

Trong lời giới thiệu số đầu tiên: “Ngày hôm nay, Phụ Nữ Tân Văn ra đời, là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê các của chúng ta cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời đây!”. Trên trang bìa của Phụ Nữ Tân Văn là hình 3 cô gái trong trang phục Bắc, Trung, Nam, với câu thơ thể hiện rõ tôn chỉ của tờ báo:

“Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà  nước Nam”.

Báo Phụ Nữ Tân Văn in đẹp, có thể nói đẹp nhất thời ấy, ban đầu do Nhà in Nguyễn Văn Viết thực hiện, nhưng sang năm 1930 số lượng phát hành đã lên đến 10.000 bản, không nhà in của người Việt nào đảm nhận được, nên phải giao cho Nhà in Albert Portail của người Pháp in. Đây còn là tờ báo địa phương đầu tiên ở Sài Gòn bán ra miền Trung và miền Bắc.

Ngoài việc dùng giấy mực để cổ vũ lối sống mới, vợ chồng bà Cao Thị Khanh còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động xã hội dưới danh nghĩa của tờ báo, nhằm cụ thể hóa những đường lối mà tờ báo đã chủ trương. Quỹ “Đồng xu học sinh nghèo” ra đời để giúp những học trò nghèo theo đuổi con đường học vấn. Báo còn tiến hành phong trào “Bữa cơm cho người nghèo”, tổ chức ra “Ban ủy viên Phụ nữ cứu tế”, thành lập Hội Dục Anh với chức năng chăm sóc trẻ em nghèo và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ; lập Nữ lưu học hội để tạo môi trường trao đổi, bàn luận về các vấn đề bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các diễn đàn chính trị và khoa học, thúc đẩy giáo dục trẻ em gái…

Ít làm thơ, nhưng bà Cao Thị Khanh đã có dịp tiếp đại thi hào Tagore khi ông đến Sài Gòn, ghé thăm tòa soạn ngày 23-6-1929. Đây là một vinh dự lớn của bà và tờ báo. Do gặp khủng hoảng về kinh tế, Báo Phụ Nữ Tân Văn chính thức đình bản vào tháng 4-1935.

BÀ NGUYỄN THỊ KIÊM - CÂY BÚT XÔNG XÁO, NHÀ DIỄN THUYẾT TÀI NĂNG

Khoảng giữa năm 1931, làng báo Sài Gòn xuất hiện một nữ phóng viên ở tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, là nữ sĩ, ký giả Manh Manh. Manh Manh tên thật Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914, là con gái thứ của Tri huyện Gò Công Nguyễn Đình Trị, là người nổi tiếng ở chốn quan trường, một cây bút trong làng báo và cũng từng là ông bầu của Đội Bóng đá Ngôi sao Gia Định lừng lẫy một thời.

Nữ sĩ Manh Manh - Nguyễn Thị Kiêm.
Nữ sĩ Manh Manh - Nguyễn Thị Kiêm.

Thuở nhỏ, bà theo học Trường Nữ sinh Áo Tím (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Năm 1931, tốt nghiệp Bằng Thành Chung, ban Sư phạm, bà được giữ lại trường giảng dạy. Vừa dạy học bà vừa dấn thân vào nghề báo - một nghề khá mới mẻ, nữ giới rất hiếm hoi khi ấy. Bà thường xuyên cộng tác với tờ Phụ nữ Tân Văn và lần lượt viết cho các tờ báo khác: Công luận, Nữ lưu, Tuần lễ nay…

Ban đầu, bà là phóng viên thường viết các mục nhỏ với bút hiệu YM, Nguyễn Văn MYM. Báo Phụ Nữ Tân Văn mô tả bà với những dòng đầy tự hào: “Một thiếu nữ đứng trước gần ba trăm thính giả nam nữ mà giảng về thơ, văn chương, cắt nghĩa chức vụ của thơ là thế nào, thỉnh thoảng cầm mấy tờ giấy để đọc những lời chỉ trích của bạn đồng nghiệp mà thái độ rất tự nhiên, rất vững vàng…”.

Những năm 1933 - 1934, bà đăng bài trên Báo Phụ Nữ Tân Văn ủng hộ phong trào “Thơ mới” của các thi sĩ đàn anh: Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... Ngày 26-7-1933, vào năm 19 tuổi, bà đăng đàn diễn thuyết tại Nhà hội của Hội Khuyến học Sài Gòn về đề tài “Thơ mới”. Tiếp đó, bà lần lượt ra Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội... diễn thuyết hô hào cải cách văn chương, cải cách xã hội, nhất là cổ động cho nữ quyền.

Các buổi diễn thuyết của bà luôn được đông đảo người tham dự và nhiệt liệt ủng hộ. Đặc biệt, đêm 8-5-1934, tại Nhà hội Quảng Trị - Huế, bà đã diễn thuyết đề tài “Dư luận nam giới đối với hạng phụ nữ tân tiến”, thính giả có hơn ngàn người, gồm trí thức, quan chức, học sinh, báo giới, văn giới… đã hoan nghênh nhiệt liệt.

Ở lĩnh vực sân khấu, bà cũng là một trong những cây bút xông xáo, viết nhiều bài phê bình các tuồng hát và có những loạt bài dài khen hoặc chê những đoàn hát và kịch bản. Nữ sĩ Manh Manh để lại tổng cộng 10 bài thơ mới, đó là: Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân, Mộng du, Canh tàn, Hai cô thiếu nữ, Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới, Đêm khuya qua Xuân Lộc... Đáng chú ý là loạt bài du ký: Cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, Hà Nội với mấy cái cảm tưởng đầu, Dưới chân đèo Cả. Bên cạnh đó, bà có nhiều phóng sự trên các báo Phụ Nữ Tân Văn, Nữ Lưu…

Rất tiếc, con đường văn nghệ của bà không được trọn vẹn. Sau khi tờ Phụ Nữ Tân Văn bị đình bản, Nữ sĩ Manh Manh kết hôn với người bạn thơ Lư Khê Trương Tuấn Cảnh, là nhà thơ, nhà báo có tiếng đương thời, được người đời xưng tụng là “Hà Tiên tứ kiệt”, cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết và Trúc Hà. Hai người kết hôn khoảng năm 1936 -1937, sinh được một người con gái, chỉ sống được đến 1 tuổi thì mất. Sau đó, bà không sinh được nữa, cho chồng được kết hôn với người khác. Năm 1950, ông Lư Khê bị ám sát chết. Cũng năm ấy, Nữ sĩ Manh Manh sang định cư ở Pháp và sống âm thầm ở đó cho đến cuối đời, mất năm 2005 tại một nhà dưỡng lão ở Paris.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.