.

Chuyện về tên gọi chiếc nóp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Cập nhật: 15:13, 20/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà mỗi lần nghe bài hát “Nam bộ kháng chiến” của thầy giáo trẻ Tạ Thanh Sơn, là không ít người trào dâng niềm xúc động. Âm vang của bài hát ấy đã từng làm rung động trái tim các chiến sĩ theo nhịp bước quân hành và làm sống lại một thời trai trẻ trong khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Mãi cho đến hôm nay, hình ảnh của chiếc nóp vẫn còn gợi lại trong ta hình ảnh những đoàn quân tay cầm ngọn tầm vông, vai mang chiếc nóp rầm rập trên các nẻo đường hành quân.

Chiếc nóp trong thời kỳ chống Pháp.
Chiếc nóp trong thời kỳ chống Pháp.

Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, có một hình tượng đặc biệt mang đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến, đó là chiếc nóp bàng, mà người dân Nam bộ sống cách đây khoảng 7 thập niên đều biết đến.

Ngày xưa, nói tới Đồng Tháp Mười là người ta nghĩ ngay đến một vùng cỏ lác mênh mông, sình lầy nước đọng quanh năm, đầy muỗi, đỉa, rắn, rít…, nên đã có câu:

Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội lềnh tợ bánh canh.

Thật vậy, trước đây, trong Đồng Tháp Mười muỗi nhiều vô kể, do cỏ cây mục nát trong nước tù hãm là môi trường tốt cho muỗi sinh sôi nẩy nở. Trời chạng vạng là phải vô mùng (cái lớn ở ngoài, cái nhỏ ở trong, cách nhau độ 20 phân, phòng khi ngủ quên để tay chân ra ngoài không bị muỗi cắn), nhưng không phải lúc bấy giờ người dân Đồng Tháp Mười ai cũng có mùng để ngủ.

Những người không có mùng phải đốt củi lá un khói để đuổi muỗi, có người phải ngủ “mùng gió” (ngồi trên xuồng bơi mạnh vài ba dầm cho có gió để xua muỗi đi, một lát sau muỗi bu tới lại bơi nữa, cứ như thế cho qua đêm), có người phải ngủ “mùng nước” (nhận xuồng cho nước vào rồi nằm ngâm mình trong nước, chừa đầu ra, chỉ có người khỏe mạnh mới dám ngủ theo kiểu này). Mặc dù muỗi đồng ít gây bệnh sốt rét hơn muỗi rừng, nhưng vì quá nhiều, chúng có thể hút hết máu con bò trong một đêm.

Thuở ấy, nghĩa quân không đủ cho mỗi người một cái mùng, phần lớn nghĩa quân có một tấm đệm (đương bằng cọng bàng) nửa nằm nửa đắp thay mền, nhưng hai đầu còn trống, muỗi bay vào. Muốn xua đuổi được chúng, nếu đốt đống un (dùng rơm rạ, trấu hay lá cây ẩm, vừa cháy vừa có khói) thì bị lộ chỗ đóng quân, nên một nghĩa quân mới nghĩ ra cách xếp đôi tấm đệm, lấy lạt dừa may kín hai đầu, chui vào nằm trong đó, không con muỗi nào vào được.

Từ đó, mỗi nghĩa quân đều có một cái như vậy, gọi là cái “xếp”. Đồng bào quanh vùng hoan nghênh sáng kiến ấy. Không bao lâu “chiếc xếp” xuất hiện khắp vùng Đồng Tháp Mười và theo ghe thương buôn đến khắp miền lục tỉnh Nam kỳ.

Khi thực dân Pháp tấn công Đồng Tháp Mười, một sĩ quan Pháp thấy “chiếc xếp” lấy làm lạ, hỏi tên thông ngôn. Tên này nghĩ rằng, nếu nói là “chiếc xếp” thì trùng với tiếng “chef” (sếp), có nghĩa là người chỉ huy, e xúc phạm tới quan Tây, biết đâu tay sĩ quan này lại nghi ngờ mình có ý xỏ xiên dám dùng chức vị “quan lớn” của nó để lót đít ngồi, nên hắn nói trại ra thành “chiếc nếp”.

Ít lâu sau, một tên thầy đội người Việt đóng đồn trong Đồng Tháp Mười tên là Nếp cấm đồng bào không được dùng tên y để gọi, nên “chiếc nếp” được đổi thành “chiếc nóp”, và gọi mãi cho đến ngày nay.

HÀ ANH (tổng hợp)
 

.
.
.