.

Thịt kho tàu của má

Cập nhật: 21:03, 10/02/2022 (GMT+7)

Sáng mùng 2 tết, hàng mai trước nhà bông vàng rực trên cành. Trong nhà, ngoài sân đã được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, bông mai rớt xuống như tấm thảm vàng. Hai hàng vạn thọ chen phượng hoàng từ ngoài ngõ vô nhà cũng se sua màu sắc. Mấy ngày cận tết, sấp mặt quét dọn, lau chùi, vì tết má tôi cử không cho quét nhà, quét sân nên anh em tôi rảnh rỗi mà ăn chơi.

Tôi nghe tiếng vịt gà kêu, biết má với chị Sáu bắt mần thịt. Nôn nao tết nên tôi không ngủ nướng, tung mền, rửa mặt, mò xuống bếp kiếm ăn, thấy má đang hâm nồi thịt kho tàu. Tôi vớ khúc bánh tét mỡ thím Mười cho chiều 30 tết, rồi ngóng ra đường mong đợi anh chị và các cháu ở xa về.

Mặt trời lên, tôi nói với má đi đón chị Tư và mấy cháu, rồi chạy ra cuối giang đồng chờ. Tôi nắm tay con Phương, rồi dì cháu cùng băng ruộng khô chạy về nhà trước. Còn chị, vai oằn cái đòn gánh tre mềm mại mang 2 đứa em của Phương ngồi trong thúng, nhịp nhàng theo bước chân mà mướt mồ hôi lưng. Chị tôi gánh mùa xuân về nhà má ruột!

Nhà rộn tiếng cười. Má bày hết những gì để dành ra cho con cháu ăn. Ăn bữa sáng xong, anh tôi ngó vô nồi thịt kho tàu và nói đùa: “Có mấy cái “khăn đóng” tụi bây hớt sạch, chừa “áo dài” làm sao má ăn!”. Má cười: “Má thích ăn mỡ hơn!”.

“Khăn đóng” là miếng thịt nạc, “áo dài” là phần mỡ. Hồi trưa, ăn xong hủ tíu xào lòng vịt, má cho tôi và bé Phương mỗi đứa một “khăn đóng” bự chảng. Hai dì cháu bưng cơm ra hàng ba, xé từng sợi thịt thấm nước dừa, nước mắm vị ngọt ngọt, mặn mặn; thêm miếng cơm, gói lại bằng lá cải chua, miệng thì nói: “Miếng trầu nè, miếng vôi nè, thêm miếng thuốc” rồi bỏ vô miệng nhai rao ráo, ngon điếng người.

Má tôi phải kỳ công lắm mới có được nồi thịt kho tàu ngon như vậy. Bữa sáng 30 tết, từ ngoài chợ về, má uống ca nước ấm nấu bằng dây nhãn lồng, rồi vội vàng bưng rổ thịt heo của chú Ba “chia” lại (chú mần heo nhà nuôi, bán rẻ cho cả xóm), ra sàn nước cạo rửa thịt heo. Má cắt thịt ra từng miếng vuông vuông, để cho ráo nước. Sau đó, má ướp thịt với tỏi và ít ớt tươi, đường trộn đều đem phơi nắng. Thỉnh thoảng má nhắc chị Sáu lấy đũa trộn lên. Má nói làm như vậy cho mỡ trong thịt thơm.

 Phơi thịt hơn hai tiếng, má kêu bưng vô, lấy mấy sợi lác đã chẻ phơi héo, cột chữ thập từng miếng thịt cho chặt. Nước mắm ngon được nấu cho sôi rồi thả thịt vô lăn qua lăn lại cho săn thịt, mùi nước mắm “tỏa hương” thơm lừng. Sau đó, thả thịt vô trả (nồi đất tròn không quai) nước dừa đang sôi liu riu trên bếp củi bên cạnh. Canh lửa cháy đều, trở nhẹ từng miếng thịt, hớt bọt, để trứng vịt kho chung.

Trứng vịt má dạy luộc và lột cho khéo, không được nứt, bể, nếu không lòng đỏ sẽ làm đục và lềnh nước. Cách kho thịt của má tôi như vậy đó. Nước dừa sắc lại làm thịt vàng, những lớp mỡ giữa da với thịt trong veo, nếu dùng đũa giẽ ra, miếng thịt mềm, dậy lên mùi thơm. Má nói: “Thịt đã rệu, muốn thịt ngon, mềm phải kho cho tới, ngưng lửa giữa chừng thịt sẽ sượng, dai”. Mùi và vị thịt kho tàu của má thơm, ngon khó tả và khó quên.

Dọn mâm cúng, tô thịt kho tàu để gần dĩa dưa cải và tộ cơm. Mấy hôm trước, thím Tư cho mớ cải tàu sậy (loại cải dùng làm dưa chua), má kêu rửa sạch, trụng sơ, phơi nắng heo héo rồi  nhận vô cái khạp tương với nước dừa khô nấu cùng muối, đường để nguội.Vậy mà, chỉ xế mùng 3, tôi bưng tộ cơm nguội nói với má cho tôi thịt kho. Má chỉ chan nước thịt. Tôi nhón lên thấy còn mấy miếng mỡ chỏng chơ trong nồi. Má bảo: “Ăn đỡ đi con, chiều má kho cá!”.

Chiều má tôi bắt mấy con cá lóc rọng trong khạp tát đìa hôm 27 tết,  kho với nước thịt kho tàu với mấy miếng mỡ còn lại. Mấy chị em tôi xúm xít cơm chiều rôm rả. Cái khạp dưa cải chỉ còn nước. Anh em tụi tôi bỏ vỏ dưa hấu và bắp cải vô, chỉ một ngày đã chua, vớt ra chấm nước cá kho ăn ngon lành.

Mấy buổi tối của ngày tết nhà tôi như hội chợ. Anh chị em tôi trải đệm bàng trước sân nói chuyên rôm rả và bày nhiều trò chơi. Má vui lắm, nướng bánh tráng, xắt kẹo chuối đem ra cho tụi tôi ăn và chạy tới chạy lui canh nồi bánh tét mà mấy chị với má gói hồi chiều (nhà tôi gói bánh chiều mùng 2). Mấy nhà hàng xóm gần bên cũng sang ghé chơi. Tới gần sáng mới chịu giải tán.

Xong mấy ngày tết, cây mai trút gần hết cánh vàng, nhu nhú những hột xanh. Nhà cũng không còn món gì của tết. Tôi nắm tay con Phương chạy lúp xúp qua mấy vuông ruộng khô chân rạ. Chị tôi kẻo kẹt gánh hai đứa con nhỏ, trong thúng bé Duyên ôm hai đòn bánh tét má tôi dành cho chị em nó. Thúng bên kia, thằng Linh ngậm miếng kẹo chuối, nước miếng nhễu xuống cằm.

Hai dì cháu chạy đua rồi dừng lại thở. Nắng sớm rưới đều trên cánh đồng, chân rạ khô ươn ướt chút sương. Ngó về nhà đã mút tầm mắt, chị đặt gánh xuống như để nghỉ chân và vuốt tóc tóc tôi, biểu về để má trông. Tôi gật đầu chực khóc. Khi chị cất gánh lên vai, nhún người bước đi, bé mếu máo len lén ngó tôi rồi quay đi.

Tôi dòm nó rồi khóc nấc lên, nước mắt tràn xuống má, mặc gió lùa tóc lòa xòa vô miệng. Bóng chị tôi nhúng nhảy theo nhịp đòn gánh, chập choạng với cái bóng nhỏ xíu của bé Phương xa dần và mất hút ở bìa vườn sau cánh đồng. Tôi đã bao lần tiễn mùa xuân của tuổi thơ như vậy đó.

Thoắt cái, hơn 40 năm! Con Phương đã thành luật sư. Em Duyên của nó là chủ nhà hàng. Thằng Linh chăm sóc vườn lan tận huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Cái xóm ven sông của tôi nhà nào cũng có con cháu học qua cao đẳng, đại học, rồi ở lại thành phố làm việc. Chúng bươn chải kiếm tiền, đứa khá giả sửa sang lại nhà cửa… Thế hệ của anh chị tôi ở lại “ngôi nhà thờ” để trông đợi con cháu về thăm.

Hôm nay mùng 2 tết, tôi ngồi cạnh mộ má. Những ngôi nhà lớn mọc lên che khuất con đường chị tôi “gánh xuân” về ngày xưa. Đâu đó hình bóng anh tôi ở trần, mặc chiếc quần cụt xoăn ống, bên bưng rổ đầy thịt nọng từ nhà hàng xóm chạy về. Có năm tôi được má cho vác cây đuốc rọi đường cùng đi chợ tết… Mọi thứ như cuốn phim tua lại đi tua lại trong ký ức của mình.

Trong nhà khói hương phảng phất, nồi thịt kho tàu của chị dâu (má đã dạy cách kho) còn đủ “khăn đóng, áo dài”, mấy dĩa dưa hấu cúng trên bàn thờ đem xuống chưa ai đụng tới. Tôi đọc lại tin nhắn của Phương: “Khu phố của con thêm mấy ca nhiễm Covid-19, sát bên nhà mới phong tỏa nên tụi con chưa về được. Dì thắp hương cho ngoại dùm con!”.

Cái gì đó dâng lên mắt cay xè. Hình ảnh hai dì cháu bưng cơm ngồi mé hè, tay bóng mỡ, những lá dưa cải cuốn cơm với mấy sợi thịt kho tàu… hiện về. Tim tôi cồn lên, day dứt. Ước gì tôi được khóc rưng rức như hồi ấy!

NGỌC LỆ

.
.
.