.

Chuyện về một kiến trúc sư mê thơ

Cập nhật: 10:47, 07/03/2022 (GMT+7)

Là kiến trúc sư với bộn bề công việc, nhưng có tâm hồn yêu thơ, nên Lê Quang Vui (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang) vẫn miệt mài sáng tác. Tính đến nay, ông đã cho ra đời gần 10 ngàn bài thơ; trong đó đã xuất bản 10 tập thơ, tự in và đóng thành tập gần 40 quyển.

Thơ Lê Quang Vui là kết quả của những trải nghiệm thực tế, cảm hứng sáng tác và lời thơ xuất phát từ con tim nên sâu lắng, chân chất, thể hiện tình yêu quê hương với những con người bình dị, cảnh vật hữu tình, như chiếc lá vàng rơi, giọt sương đông tê tái, cơn mưa hạ bồi hồi... (Lá vàng nhiều lắm gió ơi / Tôi gom góp lại / Cất nơi tim mình).

Lê Quang Vui cho biết, ông mê làm thơ từ lúc nhỏ. Tuổi thơ ông thường quấn quýt bên bà nội (ở miền quê sông nước Cà Mau). Mùa mưa, được nội bắt dế than cho chơi cùng chúng bạn. Có lần, xin được sợi tóc dài của nội để buộc chú dế quay vòng chơi, bỗng dế vuột mất. Thấy ông buồn, nội bảo: “Đừng buồn, để bà bắt con khác cho con…”. Rồi nội mất, bài thơ đầu tay về nội ra đời, thể hiện nỗi lòng của tác giả: Buổi trưa mang dế qua hàng xóm / Xin tóc nội dài buộc dế quay / Vuột mất con buồn trong lặng lẽ / Nội cười để sáng ra bờ khoai / Bắt con dế khác để con chơi…

Từ đó, vốn sẵn tâm hồn đa cảm, nhạy bén, hồn thơ dẫn dắt ông đi suốt quãng đường sáng tác với niềm đam mê cháy bỏng. Kỹ năng làm thơ của ông cũng rất đặc biệt, có thể sáng tác mọi lúc, mọi nơi. Bởi theo ông, khi cảm hứng chợt đến thì phải viết ngay, phải tranh thủ ghi lại bằng lời thơ đang tuôn chảy từ cảm xúc, từ sự rung động của con tim. Có khi đang uống cà phê một mình, hay khi đứng trên giàn giáo công trình đang thi công, hoặc nhiều lúc đang điều khiển xe máy…, cảm hứng chợt đến, ông liền ghi lại thành ý thơ vừa được khai mở.

Trong gia tài gần 10 ngàn bài thơ, có khoảng 1 ngàn bài thơ lục bát, mà theo Nhà thơ Võ Tấn Cường (Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang): “Thơ lục bát của Lê Quang Vui mang vẻ đẹp tinh tế của một tâm hồn say mê cái đẹp bình dị của con người, sự vật và thiên nhiên. Hầu hết các bài thơ lục bát của Lê Quang Vui đều hàm chứa sự chiêm nghiệm, sự thấu cảm của trái tim đối với cái đẹp và sự sống…”.

Có thể nói, thơ Lê Quang Vui phản ánh thực tế cuộc sống với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong năm 2021, ông xuất bản và phối hợp xuất bản 4 tập thơ, gồm: Một góc hồn thu, Gió say mùa, Vòm lá chờ thu, Mỹ Tho ký ức xanh. Trong Mỹ Tho ký ức xanh, những hình ảnh, ký ức, cảm nghĩ, suy tư về Mỹ Tho xưa và nay lần lượt được ông tái hiện qua các tác phẩm: Bên tượng Thủ Khoa Huân, Hồi ức Mỹ Tho, Bên dòng Bảo Định, Trưa ở vàm Kỳ Hôn... Trong Một góc hồn thu, với 200 bài thơ viết về mùa thu, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu cùng những ký ức, hoài niệm luyến nhớ về mùa thu, về những nơi tác giả đã đi qua, như: Con ốc mượn hồn bò thơ thẩn vào đêm / Một mảnh trăng thu ai nhặt giùm cho tôi xin lại (Tình ca con ốc nhỏ); hay Tôi đi tìm một mùa thu lỡ mất / Vay nỗi buồn trả nợ giấc chiêm bao (Tìm lại một mùa thu).

Với 36 bài trong tập thơ Gió say mùa, tác giả trải lòng về quá khứ với những cảm xúc vui, buồn nhưng vẫn lạc quan để nuôi dưỡng tình yêu, những ký ức đẹp của hiện tại và cả tương lai: Còn cánh diều giữa đô thị đông vui / Màu giấy lung linh / Ngàn trang thơ ngà ngọc / Cọng chỉ nhỏ xuyên tim qua lồng ngực / Nhớ ngày xưa / Thương mãi suốt… bây giờ.

Khi đọc Mấy dòng thơ cho con của Lê Quang Vui: Nửa đời cha làm thơ / Sinh con trời sinh tính / Có gì trong ống kính / Sao con nhìn mãi mê, Nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga xúc động viết: “Người ta bảo thơ từ đời sống thực mà ra. Khi bạn hạnh phúc, thơ bạn cũng mềm mại và đong đầy yêu thương. Tôi nhận ra trong thơ anh có tình yêu và sự bao dung, độ lượng…”.

Đặc biệt, trong năm 2021, trong lúc cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, thực hiện chủ trương cách ly và giãn cách xã hội, ông có thêm thời gian để suy ngẫm, khám phá những cảm xúc thi vị cho hồn thơ và đã cho ra đời tập thơ Những ngày sống chậm, với 58 bài thơ, là những thông điệp đầy yêu thương và sẻ chia, là tiếng lòng trong cơn đại dịch được thể hiện qua ngôn ngữ thi ca, để chúng ta biết trân trọng, biết yêu thương hơn, biết chia sẻ nhiều hơn và cùng thắp lên một niềm tin đi qua mùa dịch…”.

Xin kết thúc bài viết này bằng những trải lòng của Nhà thơ Trúc Thanh về những đóng góp của Nhà thơ Lê Quang Vui đối với phong trào thơ văn của tỉnh: “Cảm ơn anh đã lan tỏa thi hứng, khơi nguồn cảm xúc sáng tác cho lớp trẻ, góp phần tô vẽ thêm cho phong trào thơ văn tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung được phát khai và ngày càng phong phú…”.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.