Thứ Hai, 02/05/2022, 08:50 (GMT+7)
.

Hai mô hình du lịch "độc lạ" ở Tiền Giang

Độc đáo điểm du lịch của ông Tư Khanh

Ông Đoàn Văn Khanh (thường gọi là Tư Khanh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được biết đến là một doanh nhân thương binh thành đạt kinh doanh các sản phẩm từ bưởi, dừa sáp được đông đảo khách hàng biết đến, tin dùng. Không chỉ vậy, ông Khanh còn xây dựng khu vườn của mình thành điểm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch đến tham quan.

Du khách rất thích thú với điểm du lịch của ông Khanh.
Du khách rất thích thú với điểm du lịch của ông Khanh.

Khu vườn hơn 1 ha của gia đình được ông Khanh trồng hơn 200 cây dừa sáp xen trồng bưởi, một số cây thuốc nam như đinh lăng, thần kỳ, chùm ngây… và nuôi ong để làm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh trồng xen canh giữa các loại cây với nhau một cách khoa học, ông Khanh còn thiết kế những cây cầu bằng thép cao “chót vót” trên ngọn dừa tạo thành hệ thống giao thông trên cao để du khách tham quan khu vườn, có các nhánh dẫn ra ngọn dừa và nhà chòi để khách nghỉ chân, chụp ảnh hay tự tay hái dừa uống nước tại chỗ.

Ông Khanh chia sẻ: “Du khách được tham quan vườn miễn phí, nhưng giá mỗi trái dừa hái xuống là 100 ngàn đồng. Nếu khách hái trúng dừa sáp mà không dùng thì vườn sẽ mua lại với giá 200 ngàn đồng. Thú vị hơn, du khách còn trải nghiệm bắn lựu đạn, bắn súng cối, tái hiện lại cách bắn lựu đạn của các du kích vành đai Bình Đức. Đồng thời, thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn như: Cháo dừa, cơm dừa kho, gỏi tép bưởi và dừa, bánh khọt… kèm với các loại rau sạch được trồng trong vườn”.

Chưa hết, điểm du lịch của ông Khanh còn có Khu du lịch ve chai thần kỳ. Đến đây, du khách sẽ ngạc nhiên và ấn tượng bởi ngôi nhà, tường rào, bàn, ghế được làm từ những phế liệu như: Chai nhựa, túi ni lông đã bị vứt đi.

Ý tưởng biến các phế liệu thành những vật dụng hữu ích vừa làm du lịch xuất hiện khi ông Khanh nhìn thấy túi ni lông, chai nhựa… bị vứt trên đường gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Nghĩ là làm, ông thu gom phế liệu ở nơi sản xuất của gia đình, từ những người dân xung quanh để thực hiện ý tưởng “độc lạ” này. Ban đầu ông xây dựng hàng rào xung quanh vườn, xây dựng 1 ngôi nhà giữa hồ sen, rồi xây cả dãy nhà bằng chai nhựa, rồi đến bàn, ghế được kết hợp từ chai nhựa, thùng nhựa loại 20 lít đã qua sử dụng.

Bên cạnh làm cho điểm du lịch độc đáo, điều quan trọng là thông qua “công trình” này, ông Khanh muốn lan tỏa đến cộng đồng về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; biết cách tái sử dụng các loại rác thải, chai nhựa khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.

Anh Lê Quang Minh, một du khách chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được tham quan loại hình du lịch độc đáo này. Các sản phẩm làm từ ve chai nhưng rất sạch sẽ, tạo môi trường rất thân thiện. Được trải nghiệm tự tay hái những trái dừa từ trên ngọn nên cảm giác rất thú vị. Các món ăn ở đây tuy dân dã nhưng rất ngon”.

Từ khi vườn mở cửa, ông Khanh đã đón nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, có nhiều công ty lữ hành, du lịch đến khảo sát loại hình du lịch của ông để hợp tác đưa khách du lịch đến mô hình du lịch xanh này. Phó Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Huyền cho rằng: “Đây là mô hình du lịch sinh thái “độc lạ” mà nhiều du khách đang muốn tìm hiểu, khám phá. Đây cũng là một điểm dừng chân lý tưởng để du khách cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ của vườn dừa, cây trái; thưởng thức những món ăn đậm chất miền quê, nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe”.

Với ý tưởng mới lạ, ông Khanh đã tạo nên điểm du lịch khá độc đáo tạo cảm giác lạ lẫm mang đặc trưng du lịch sông nước, miệt vườn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vườn táo ông Sáu Hồi hút khách

Tọa lạc tại ấp Kinh Ngang, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vườn táo của ông Trần Văn Hồi (Sáu Hồi) đã trở thành điểm tham quan, thư giãn được nhiều người yêu thích.

Đến đây, du khách được tham quan vườn táo cùng nhiều loại hoa sắc màu rực rỡ; được thưởng thức những món ăn đặc sản vùng biển Gò Công… Với vé vào cổng 30 ngàn đồng/người, du khách được tham quan và hái táo ăn thỏa thích.

Không gian trong vườn táo.
Không gian trong vườn táo.

Theo ông Sáu Hồi, vườn táo 1 ha của ông trồng hơn 300 cây táo; trong đó, có 68 cây trên 30 năm. Trước đây, gia đình ông trồng táo chủ yếu để bán cho khách vãng lai, tiểu thương ở chợ hoặc hàng xóm. Thích thú với vườn táo sai trái cùng không khí thoáng mát, nhiều khách đến mua ngỏ ý vào vườn tham quan và muốn được tự tay hái táo. Thế là ông Sáu Hồi nảy sinh ý tưởng mở điểm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, thư giãn.

Nghĩ là làm, ông Sáu mua giống táo để trồng thêm vào vườn, đào ao dài hơn 100 m để du khách bơi xuồng thu giãn, rồi xây dựng nhiều cầu bắc qua ao để chụp hình. Vườn táo được chia thành nhiều khu để thuận tiện cho việc phục vụ khách tham quan và chăm sóc cây táo.

Ban đầu mở cửa đón khách, mỗi ngày vườn táo của ông đón từ 60 - 100 lượt khách, còn vào những ngày nghỉ, cuối tuần, lượng khách lên đến hơn 200 người. Sau 3 năm hoạt động, hiện nay mỗi ngày vườn táo đón vài trăm người đến tham quan, vào những dịp lễ, tết lên đến 1.000 người.

Không chỉ du khách đến từ các xã, huyện lân cận, một số nhóm “phượt thủ” ngoài tỉnh như tỉnh Long An, Bến Tre cũng đến đây. Đến đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng biển Gò Công như: Các loại ốc, nghêu, sò, đặc biệt là cháo gà đất…

Em Nguyễn Hoàng Thảo Vy (xã Phước Trung, huyện Gò Công) cho biết, em biết đến vườn táo này từ mạng xã hội và bạn bè. Em đã nhiều lần đến đây cùng với bạn bè, lần đầu đến vườn táo em cảm nhận không gian nơi đây rất thoáng mát, tạo cảm giác thư giãn thoải mái. Táo trong vườn rất giòn và ngọt, được tự tay hái táo và được ăn thoải mái nên em rất thích.

Ông Sáu Hồi chia sẻ: “Chính từ niềm đam mê trồng táo và học hỏi kinh nghiệm qua báo đài mà tôi đã mạnh dạn xây dựng vườn táo của gia đình thành điểm du lịch. Gia đình tôi không còn thu hoạch táo mang đi bán như trước. Khách đến vườn chủ yếu là học sinh, sinh viên, dịp cuối tuần còn có những nhóm gia đình đến tham quan và chụp ảnh”.

Ông Sáu Hồi cho biết, thời gian tới ông sẽ đầu tư thêm nhiều tiểu cảnh và trồng nhiều loại hoa, rau, củ để thu hút nhiều du khách đến với vườn táo hơn nữa.

PHƯƠNG MAI - SONG AN

.
.
.