.

Nhà điêu khắc Nguyễn Hải và Tượng đài "Tiểu đội Gang thép"

Cập nhật: 09:31, 12/12/2022 (GMT+7)

Sau khi trận đánh Ấp Bắc kết thúc, cảm phục sự hy sinh anh dũng của các anh Đừng, Hùng và Trạch, nhân dân gọi các anh là Ba chiến sĩ Gang thép, Tiểu đội 1 là Tiểu đội Gang thép. Nhằm ghi nhớ chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt cũng như tôn vinh Tiểu đội Gang thép, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã xây dựng tượng đài “Tiểu đội Gang thép” cao sừng sững, nặng 18 tấn với người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch.

Tượng đài do Nhà điêu khắc (NĐK) Nguyễn Hải thực hiện, khánh thành năm 1998 nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc. Phía trước tượng đài khoảng 3 m là một ngôi mộ cổ sơn màu trắng còn chi chít những vết đạn. Đây là vị trí các anh ở Tiểu đội Gang thép bám trụ chiến đấu đến cùng với giặc.

NĐK Nguyễn Hải sinh năm 1933, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Xuất thân trong một gia đình đậm “máu” văn nghệ, nên từ nhỏ Nguyễn Hải đã mê vẽ, nặn tượng. Quân Pháp nổ súng tái xâm lược nước ta, khi ấy Nguyễn Hải chưa tròn 14 tuổi nhưng đã theo chú vào Đồng Tháp Mười làm giao liên cho bộ đội. Phát hiện cậu bé giao liên có năng khiếu hội họa, Thủ trưởng cho theo học lớp Hội họa cơ bản. Năm 1949, hết khóa học, Nguyễn Hải chuyển về Tiểu đoàn 307 làm họa sĩ trình bày báo. Bộ mặt tờ báo của Tiểu đoàn 307 ngày càng rạng rỡ, xứng đáng là tiếng nói của tiểu đoàn vang danh ở vùng đồng bằng miền Nam.

Đoàn viên, thanh niên bên Tượng đài “Tiểu đội Gang thép” do NĐK Nguyễn Hải hoàn thành năm 1998 nhân kỷ niệm  35 năm Chiến thắng Ấp Bắc.
Đoàn viên, thanh niên bên Tượng đài “Tiểu đội Gang thép” do NĐK Nguyễn Hải hoàn thành năm 1998 nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc.

Năm 1954, Nguyễn Hải tập kết ra Bắc. Năm 1957, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội chiêu sinh khóa đầu tiên, Nguyễn Hải dự thi khoa Điêu khắc. Tại trường, Nguyễn Hải may mắn gặp lại Họa sĩ Diệp Minh Châu, người thầy xưa thuở ở bưng biền Đồng Tháp. Nguyễn Hải đã chịu ơn thầy Diệp Minh Châu rất nhiều vì thầy đã đấu tranh bảo vệ tác phẩm “Cuộc chiến đấu tự vệ” của Nguyễn Hải được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là dấu ấn khó quên, là một vinh dự rất lớn trong thời sinh viên của Nguyễn Hải.

Bức tượng “Cuộc chiến đấu tự vệ” là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Hải. Nó miêu tả người mẹ vóc dáng gầy guộc, gương mặt khắc khổ, hai cánh tay thẳng chắc cầm ngang khẩu súng trường, bên cạnh đứa con trai nhỏ vươn hai tay tạo thành một khối thống nhất - biểu trưng về cuộc chiến tranh gian lao do chính người nông dân nghèo tiến hành. Bức tượng này ra đời năm 1959, thời điểm miền Nam đang ở giai đoạn đấu tranh ác liệt với chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính từ tác phẩm này, Nguyễn Hải đã đào sâu khai thác đặc trưng của ngôn ngữ điêu khắc.

NĐK Nguyễn Hải là tấm gương lao động sáng tạo nghệ thuật, sống giản dị, gần gũi, chân thành với bạn bè, đồng nghiệp, được công chúng và giới mỹ thuật kính trọng. Năm 2001, Chủ tịch nước đã tặng NĐK Nguyễn Hải Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 2) cho các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi - tượng đồng, Gióng - tượng thạch cao, Chiến thắng Điện Biên Phủ - nhóm tượng đài, Mùa xuân chiến thắng 1976. Ông là tác giả duy nhất tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội sau năm 1954 được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh  về Văn học - Nghệ thuật.

Năm 1963, Nguyễn Hải tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông được phân công về giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Ông khéo kết hợp nhuần nhuyễn giữa một nghệ sĩ đầy cá tính với một nhà giáo, dùng chính kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật của mình để truyền thụ kiến thức cho bao thế hệ sinh viên. Kế đến, Nguyễn Hải chuyển công tác sang Hội Mỹ thuật Việt Nam, hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. Thời gian dạy ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp là giai đoạn khả năng của ông được tôi luyện và phát triển. Những tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ này là “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Du kích đồng bằng”…

Sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Hải trở về miền Nam quê hương, với một chuỗi cảm hứng bay bổng, mang tầm vóc sử thi, ông đã thổi nét đẹp vĩnh cửu vào đồng, đá một cách sắc sảo, giàu cung bậc tình cảm. Đặc biệt, trên quê hương Tiền Giang, ông đã dốc tâm xây dựng hình tượng Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân (năm 1980), tượng đài Thủ Khoa Huân được dư luận chú ý rất nhiều, vì đây là công trình tượng đài vào loại tiên phong ở miền Nam sau giải phóng, thành công về nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, ông còn là tác giả tượng đài “Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút” và tượng đài “Tiểu đội Gang thép”.

Tượng đài “Tiểu đội Gang thép” đặt bên cạnh ngôi mộ tháp cổ, nơi ba chiến sĩ mang tên: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch (bí danh Công) và Hùng, Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng hy sinh. Các anh đã cảm tử chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chính vì thế, khi thể hiện phác thảo tượng đài, NĐK Nguyễn Hải đã đưa ngay hình tượng các chiến sĩ quả cảm này vào tác phẩm, ba chiến sĩ đang ở ba tư thế hiên ngang, một người đánh bộ binh, một người bắn máy bay và một người đánh xe tăng. Cả ba tựa vào nhau tạo thành một khối nhất quán, vững chắc, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, dũng cảm. Nguyễn Hải đã khắc họa sắc nét vóc dáng của ba chiến sĩ mạnh mẽ về thể chất lẫn tâm hồn, vẻ mặt khí phách.

Hằng năm, vào ngày mùng 7 tháng Chạp âm lịch, tại Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Đảng uỷ, Chính quyền, nhân dân xã Tân Phú, TX. Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cùng thân nhân gia đình đến đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm tại mộ ba chiến sĩ Gang thép. Với lòng kính trọng, Lễ giỗ ba chiến sĩ Gang thép thật trang nghiêm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.