.

Sức hút mạnh mẽ của Giải Báo chí Quốc gia

Cập nhật: 20:41, 18/04/2023 (GMT+7)

Năm nay Giải Báo chí Quốc gia nhận được sự tham gia của 18/20 Liên Chi hội, 35 Chi hội trực thuộc, và 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Khai mạc Vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Khai mạc Vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã tổ chức khai mạc Vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022. 

Chủ tọa là các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, Trưởng ban Thư ký tổng hợp Giải. 

Theo Ban Tổ chức, năm nay Giải Báo chí Quốc gia nhận được sự tham gia của 18/20 Liên Chi hội, 35 Chi hội trực thuộc, và 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. 

Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước. 

Theo thống kê của Ban Thư ký tổng hợp Giải, năm nay có 1.893 tác phẩm gửi về dự Giải, tiếp tục đạt mức cao từ trước đến nay, trong đó 169 tác phẩm có sự tham gia của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. 

Ban Thư ký tổng hợp Giải đã sơ loại 120 tác phẩm và đưa vào 1.773 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Vòng sơ khảo theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Năm nay có 11 nhóm giải dự Giải Báo chí Quốc gia, trong đó, báo in có ba nhóm giải gồm: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (có 327 tác phẩm); Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (có 98 tác phẩm); Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (có 208 tác phẩm).

Ảnh báo chí có một nhóm giải gồm giải ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh (có 80 tác phẩm). 

Phát thanh có hai nhóm giải gồm: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề, phát thanh tổng hợp (có 101 tác phẩm); Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (có 113 tác phẩm). 

Truyền hình có ba nhóm giải gồm: Giải Tin, phóng sự, ký sự (có 330 tác phẩm); Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (có 58 tác phẩm); Giải Phim tài liệu truyền hình (có 80 tác phẩm). 

Báo điện tử có hai nhóm giải gồm: Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (có 218 tác phẩm); Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (có 160 tác phẩm).

Theo đánh giá sơ bộ của bà Đỗ Thị Thu Hằng, công tác tổ chức thực hiện năm nay ở các cấp Hội hầu hết được triển khai nền nếp, hiệu quả. 

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cấp Hội gửi tác phẩm dự Giải muộn và chưa đúng hướng dẫn. Song về cơ bản, Giải đã được tiến hành theo đúng Điều lệ Giải và đúng tiến độ, đảm bảo nguyên tắc. 

Phát biểu tại Lễ khai mạc vòng chấm sơ khảo, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia khẳng định, trải qua 16 mùa đồng hành cùng đời sống báo chí, Giải Báo chí Quốc gia đã trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thực sự bổ ích, lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội, trong giới báo chí, ngày càng khẳng định uy tín và là giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của những người làm báo trong nước. 

Với tôn chỉ, mục đích và thể lệ của mình, năm nay, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 17 tiếp tục tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo, những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả của người làm báo đối với xã hội, cộng đồng và đất nước.Các khâu chuẩn bị đã được tiến hành theo đúng Điều lệ Giải và đúng tiến độ.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 


 

 

.
.
.