.

Điện ảnh - Bệ phóng giúp du lịch bứt phá

Cập nhật: 19:42, 02/05/2023 (GMT+7)

Người mê phim Việt Nam đã thỏa lòng mong đợi thời khắc Bí kíp tình yêu của một du khách (A Tourist’s Guide to Love) chính thức ra mắt toàn cầu, trên nền tảng phim trực tuyến Netflix vào ngày 21/4/2023 vừa qua. Được cảnh sắc tuyệt đẹp của nhiều di sản thế giới làm phông nền, câu chuyện tình dễ thương dần hình thành theo suốt hành trình khám phá dải đất hình chữ S giữa cô gái Mỹ và chàng trai Việt đang được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng hữu hiệu giúp quảng bá “vẻ đẹp bất tận” đến với du khách năm châu và tạo đà bứt phá cho du lịch nước nhà sau những lao đao “hậu Covid-19”.

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp định danh Phú Yên với thương hiệu “miền đất hoa vàng cỏ xanh” được du khách vô cùng ưa chuộng. Ảnh | DPCC
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp định danh Phú Yên với thương hiệu “miền đất hoa vàng cỏ xanh” được du khách vô cùng ưa chuộng. Ảnh | DPCC

Công cụ kích cầu hữu hiệu nhất

Đã khá lâu rồi mới có một bộ phim quốc tế quy mô lớn chọn Việt Nam là bối cảnh chính, kể từ sau sự kiện công chiếu “bom tấn” Hollywood Kong: Đảo Đầu lâu vào năm 2017. Trong trailer chính thức được Netflix công bố, Bí kíp tình yêu của một du khách - bộ phim thuộc thể loại phiêu lưu, hài, lãng mạn này được ghi hình tại nhiều địa danh nổi tiếng, trải dài từ bắc chí nam như Hà Giang - Hà Nội - Đà Nẵng - Hội An và TP Hồ Chí Minh...

Nữ diễn viên chính Rachael Leigh Cook của bộ phim A tourist’s Guide to Love tại Di sản thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn. Nguồn ảnh | NETFLIX
Nữ diễn viên chính Rachael Leigh Cook của bộ phim A tourist’s Guide to Love tại Di sản thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn. Nguồn ảnh | NETFLIX

Cũng trong trailer này, ngôi sao màn bạc Rachael Leigh Cook cùng nam diễn viên gốc Việt Scott Ly sẽ có những khuôn hình lãng mạn trên dòng sông Hoài nơi đô thị cổ Hội An, say đắm bên nhau trên chiếc xích lô dạo quanh phố cổ Hà Nội, lãng đãng phiêu du giữa đền tháp Mỹ Sơn hay cùng nhau mua sắm giữa khung cảnh chợ Bến Thành náo nhiệt...

Được Netflix gửi gắm kỳ vọng sẽ thu được thành công như series đình đám Emily in Paris, nếu thu hút được đông đảo người hâm mộ dòng phim rom-com toàn cầu thưởng thức, hiệu ứng lan tỏa của điểm đến Việt Nam mà chúng ta nhận lại là không thể đong đếm nổi.

Một địa danh trở thành thỏi nam châm thu hút đông đảo bạn bè quốc tế chỉ nhờ vào sức hấp dẫn của một tác phẩm điện ảnh là điều không lạ. Bộ ba Chúa Nhẫn cùng phim về xứ sở người lùn Hobbit đã thu hút lượng khách du lịch tăng vọt cho đất nước New Zealand.

Dharavi (Ấn Độ) đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, khi Triệu phú khu ổ chuột giành tượng vàng Oscar. Và “đảo thiên đường Bali” (Indonesia) phải tìm cách giảm tải khách du lịch sau hiệu ứng mà bộ đôi tác phẩm Ăn, cầu nguyện, yêu - Tấm vé đến Thiên đường của siêu sao Julia Robert mang lại...

Không chỉ những dự án quốc tế lớn, những bộ phim hợp tác sản xuất hoặc nội địa 100% cũng có thể trở thành nhịp cầu hữu hiệu giúp quảng bá rộng rãi một Việt Nam đậm đà bản sắc, với những nét đẹp bí ẩn giàu sức mời gọi khám phá. Một cao nguyên đá Hà Giang khoe sắc trong Chuyện của Pao. Mùa nước nổi Nam Bộ độc đáo trong Mùa len trâu, phố cổ Hội An trầm mặc trong Áo lụa Hà Đông...

Rồi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp neo đậu cái tên Phú Yên trong trí nhớ những người đam mê xê dịch. Cố đô Huế đẹp dịu dàng, thâm trầm trong Mắt biếc, Gái già lắm chiêu. Giang sơn gấm vóc thuộc nhiều vùng miền đẹp nao lòng trong 578 - Phát đạn của kẻ điên. Nét đẹp miền Tây Nam Bộ trong Cánh đồng bất tận, Tro tàn rực rỡ...

au khi trở thành bối cảnh chính cho phim Chuyện của Pao, ngôi nhà này đã trở thành điểm tham quan mà mọi du khách không thể bỏ qua, khi đến với Hà Giang. Ảnh | DPCC
Sau khi trở thành bối cảnh chính cho phim Chuyện của Pao, ngôi nhà này đã trở thành điểm tham quan mà mọi du khách không thể bỏ qua, khi đến với Hà Giang. Ảnh | DPCC

Không chỉ đánh thức giấc mơ khám phá của du khách nội địa, những bộ phim này cũng làm được điều tương tự với khán giả quốc tế, khi tham gia và giành giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, khi thâm nhập được vào các thị trường phim ảnh lớn thông qua các đơn vị phát hành uy tín.

Hiệu quả ghi nhận rất khả quan, khi tour “miền đất hoa vàng cỏ xanh” giúp du lịch Phú Yên tăng trưởng từ 12-13% lên tới 30%. Lượng khách tới Huế tăng vọt sau hiện tượng phòng vé Mắt biếc. Bối cảnh phim Chuyện của Pao trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua với du khách tới Hà Giang...

Và ấn tượng mạnh mẽ từ những bộ phim nổi tiếng như Người tình (L’amant), Đông Dương (Indochine), Người Mỹ trầm lặng (The quiet American)... đã biến thị xã Sa Đéc, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, bến phà sông Hậu, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, nhà thờ Đức Bà... trở thành những địa chỉ không thể bỏ qua của du khách quốc tế.

Để điện ảnh trở thành “đại sứ du lịch” tích cực

Tổ chức UNESCO từng nhận định, “với khả năng phổ biến rộng rãi, gần gũi với thực tế, tư liệu, hình ảnh động có sức lan tỏa nhanh tới mọi đối tượng, vượt mọi biên giới, sức ảnh hưởng của phim, hình ảnh động tới con người ngày càng lớn trong thời đại công nghệ hiện nay, khi chỉ cần ngồi một chỗ nhưng có thể tìm hiểu nhiều nơi trên thế giới”. Bởi thế, tầm quan trọng của cái bắt tay giữa hai bên để du lịch tăng tốc là điều không cần bàn cãi.

Trong một hội thảo bàn tròn với chủ đề “dùng phim ảnh để quảng bá du lịch”, nhà báo Frederick Ferrer từng chia sẻ: “Ở Pháp, quảng bá du lịch qua điện ảnh vô cùng quan trọng. Và thực tế cũng ghi nhận lượng khách gia tăng khi điện ảnh và du lịch có sự gắn kết với nhau. Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều này vì các bạn có một đất nước xinh đẹp, những con người dễ mến và lịch sử hào hùng. Nếu các bộ phim nêu bật được những điều tuyệt vời ấy thì đó chính là lời mời khách tới nhà thuyết phục nhất”.

Biến phim ảnh trở thành “đại sứ du lịch” tích cực là điều mà các cấp quản lý đã nhận thức và chủ động triển khai bằng đa dạng hình thức suốt nhiều năm qua. Những triển lãm giới thiệu bối cảnh cùng các cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu và quảng bá điểm đến hấp dẫn cho giới làm phim là những hoạt động được tổ chức liên tục, bên lề các ngày hội điện ảnh...

Có thể kể tới một vài sự kiện tiêu biểu như Hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI; Triển lãm Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội các Viện lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương; Hội thảo Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI...

Đó là còn chưa kể tới những nỗ lực cải thiện điều kiện, thủ tục cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hướng tinh giản, nhanh chóng và hiệu quả hơn; áp dụng chế độ ưu đãi về thuế đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam vừa được cập nhật trong Luật Điện ảnh 2022.

Cũng chính nhờ những hoạt động quảng bá kiên trì, những nỗ lực trải thảm mời gọi đầu tư đó, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm ngày một lớn từ nhiều nhà sản xuất tên tuổi quốc tế mà trường hợp Netflix với Bí kíp tình yêu của một du khách kể trên là một thí dụ cụ thể.

Với nhà biên kịch Eirene Tran Donahue, việc kể câu chuyện ngập tràn niềm vui, tình yêu của một Việt Nam hôm nay để thay đổi góc nhìn xưa cũ và mang lại cho khán giả quốc tế hình ảnh một đất nước đang vươn mình phát triển chính là nguồn cảm hứng lớn lao khiến cô chấp bút kịch bản này.

Với nhà sản xuất kiêm nữ diễn viên chính Rachael Leigh Cook, “Việt Nam là đất nước cực kỳ xinh đẹp với phong cảnh thiên nhiên đa dạng. Chọn những bối cảnh ấn tượng ở nhiều địa phương khác nhau để ghi hình là rất quan trọng, nó sẽ giúp tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm và tạo sự thích thú cho mọi đối tượng khán giả”.

So sánh với những hoạt động quảng bá rầm rộ trên kênh truyền thông lớn, chi phí không nhỏ mà ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh từng triển khai cuối năm 2022 (phát sóng video “Welcome to Ho Chi Minh City” và “Ho Chi Minh City - Vibrant City” trên kênh CNN, phủ sóng toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ trong suốt 18 ngày), hiệu ứng lan tỏa của bộ phim trên là cực lớn mà chẳng tốn kém chút nào.

Du lịch Việt Nam đã từng có một năm 2019 hoàng kim, khi đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế. Đại dịch kết thúc, triển vọng lạc quan mà ngành du lịch chờ đợi vẫn chưa tới, khi theo “Báo cáo Triển vọng du lịch Việt Nam 2023” của The Outbox Company thì mảng du lịch quốc tế năm 2022 của chúng ta phục hồi với tốc độ thấp hơn dự kiến, thậm chí nằm trong nhóm đứng cuối bảng xếp hạng (đạt tỷ lệ 23% so với năm 2019, trong khi tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới đạt 55%).

Kịch bản phục hồi lượng khách nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến cũng không mấy khả quan, khi Outbox dự báo “sẽ rất chậm và kéo dài tới hết năm 2024”. Kịch bản khả dĩ nhất cho năm 2023 cũng chỉ đạt 40% so với năm 2019, tức chỉ khoảng 7,2 triệu lượt khách. Bởi thế, muốn du lịch - đặc biệt là đối tượng du khách quốc tế - chuyển mình tích cực, sử dụng hiệu quả cầu nối “đại sứ phim ảnh” là một hướng đi thật sự khả thi.

(Theo nhandan.vn)


 

 

 

 

.
.
.