Chấn chỉnh xu hướng tạo danh tiếng không lành mạnh
Xu hướng không lành mạnh trong việc tạo ra hoặc duy trì danh tiếng không mới nhưng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với những hành vi phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng. Xu hướng này cần được chấn chỉnh không chỉ bằng những "quy tắc mềm" mà còn rất cần sự mạnh tay của các cơ quan chức năng với những chế tài luật pháp đủ sức răn đe.
Ngọc Trinh lái mô-tô thả hai tay và ngang nhiên đăng lên mạng xã hội. |
Tạo danh tiếng bất chấp chuẩn mực?
Người nổi tiếng là người được công chúng biết đến về tài năng và sự thành công ở một lĩnh vực nào đó. Họ đem lại lợi ích, giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng tài năng và những việc làm cụ thể của mình. Tạo ra và duy trì danh tiếng để khẳng định giá trị của bản thân là nhu cầu chính đáng, là động lực để phấn đấu nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí nói riêng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít người có nhận thức lệch lạc về sự nổi tiếng, dẫn đến việc tạo danh tiếng bằng những hành vi không lành mạnh, bất chấp những ranh giới, chuẩn mực đạo đức và cả pháp luật.
Không thể phủ nhận hào quang, lợi ích kinh tế, thậm chí quyền lực có được từ sự nổi tiếng là rất lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người trong giới giải trí tìm kiếm sự nổi tiếng bằng mọi giá. Có người chọn cách tạo scandal, khoe thân, làm đủ các trò lố... để thu hút đám đông, chiều theo sở thích của một bộ phận công chúng. Chưa kể, các "idol" giới trẻ xuất hiện nhiều như "nấm sau mưa" khiến nhiều người ngộ nhận rằng nổi tiếng là điều dễ dàng. "Cống hiến” lớn nhất của họ có lẽ là những tấm ảnh khoe thân, những scandal tình ái nhằm tạo "drama" khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Có lẽ, họ nhầm tưởng giữa nổi tiếng và tai tiếng?!
Bên cạnh đó, sự tung hô phù phiếm, quá đà từ công chúng sẽ tạo ra những giá trị ảo, làm cho nghệ sĩ dễ dàng ngộ nhận, háo danh. Đó cũng là cách nhanh nhất khiến tài năng và nhân cách của người nghệ sĩ hao mòn, không còn cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Ngoài ra, một số công ty sự kiện, "ông bầu", ê- kíp lại tích cực chăm sóc, lăng xê nghệ sĩ bằng mọi chiêu trò nhằm mục đích tăng quảng cáo, tăng thu nhập... Từ đó một số nghệ sĩ không biết điểm dừng mà bất chấp tất cả để nổi tiếng, kiếm tiền.
Cần khẳng định, tạo scandal, gây ồn ào để nổi tiếng là những xu hướng không lành mạnh, thậm chí, trong nhiều trường hợp còn vi phạm pháp luật. Bởi xu hướng này dễ khiến giới trẻ hiểu nhầm về phương thức định hình giá trị bản thân trong xã hội. Thay vì đi lên bằng năng lực thực sự, tạo lập sự nghiệp bằng giá trị đích thực của bản thân thì họ lại chọn cách khoe thân, làm trò lố, thu hút đám đông bằng mọi cách. Ngoài ra, nếu giới giải trí là nơi "diễn ra" quá nhiều trò giật gân, phi chuẩn mực, rẻ tiền thì những tài năng thực sự ít có cơ hội phát triển vì bị những màn khoe thân, phát ngôn ngông cuồng chiếm dụng không gian truyền thông, mạng xã hội.
Chấn chỉnh không gian văn hóa giải trí
Chấn chỉnh những hành vi không đúng chuẩn mực, trong đó có việc tạo danh tiếng bằng mọi giá, bất chấp đạo đức và luật pháp là việc cần thiết, góp phần xây dựng một không gian văn hóa giải trí lành mạnh. Theo chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn, bất cứ quốc gia nào cũng cần có chế tài để chấn chỉnh không gian văn hóa, giải trí ở nước mình khi chuẩn mực đạo đức hay công chúng không đủ năng lực thay đổi hành vi lệch chuẩn của người nổi tiếng. Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đưa giải trí vào tầm kiểm soát chặt chẽ, có chế tài mạnh trong việc chấn chỉnh các sai phạm.
Tại Trung Quốc, từ tháng 11-2020, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã ban hành văn bản về vấn đề "phong sát" (cấm hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền hình, xuất hiện trước công chúng) với người nổi tiếng. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn những nghệ sĩ vi phạm pháp luật và thiếu đạo đức xuất hiện trước công chúng. Hiệp hội Công nghiệp biểu diễn Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nghệ sĩ có các hành vi như kích động thù địch, lừa dối khán giả, vi phạm pháp luật, đạo đức sẽ bị lên án và khiến họ bị cấm biểu diễn, xuất hiện trên truyền hình trong 1-5 năm hoặc vĩnh viễn.
Ngô Diệc Phàm - một trong những nghệ sĩ chịu "phong sát" tại Trung Quốc. |
Tại Việt Nam, từ những năm 2017, việc lập "danh sách đen" nghệ sĩ vi phạm (blacklist) đã được đề cập đến và được phần lớn công chúng ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay nội dung này vẫn đang trong bước dự thảo. Giải pháp cấm sóng, hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm cũng từng được đề xuất. Và sau nhiều lần đề xuất, một quy trình xử lý nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục đã được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan: Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng…, ngoài xử lý theo quy định pháp luật, hai bộ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động. Thông tin này đã được chính thức đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí quý III của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra đầu tháng 10 vừa qua.
Quy trình đã có nhưng làm thế nào để quy trình này hoạt động thật sự và hiệu quả lại là bài toán không dễ. Bởi đã từng có hiện tượng "đánh trống bỏ dùi", làm không đến nơi đến chốn. Và lần này, nếu không quyết liệt thì câu chuyện đầu voi đuôi chuột cũng sẽ rất dễ lặp lại.
Tất nhiên, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan quản lý, ý thức của nghệ sĩ cũng đóng vai trò then chốt nhằm góp phần xây dựng một không gian văn hóa giải trí lành mạnh. Mỗi người nghệ sĩ cần nhận thức đúng đắn rằng, giá trị thực sự của danh tiếng không phải được xây dựng trên nền tảng của sự ảo tưởng và của những tai tiếng. Danh tiếng chỉ có thể có được từ tài năng thực sự, từ sự khổ luyện, nền tảng văn hóa và tinh thần tôn trọng công chúng. Khi ấy, danh tiếng mới được bền lâu và vững chắc.
Theo nhandan.vn