Google tôn vinh đờn ca tài tử
Ngày 5-12, trang web tìm kiếm Google đặt hình ảnh đờn ca tài tử của Việt Nam lên trang chủ, tôn vinh loại hình di sản văn hóa phi vật thể này nhân dịp tròn 10 năm UNESCO ghi danh đờn ca tài tử và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hình vẽ đờn ca tài tử trên trang chủ Google. (Ảnh chụp màn hình) |
Đờn ca tài tử là một loại hình âm nhạc diễn tấu cổ truyền của người dân khu vực Nam Bộ, có từ thế kỷ 19, và xuất phát từ Nhã nhạc cung đình Huế, nhạc lễ và văn học dân gian. Hầu hết khu vực phổ biến của đờn ca tài tử là phía nam, được diễn tấu phổ biến với ban nhạc gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, sáo và đàn bầu, sau này đổi đàn bầu sang đàn guitare phím lõm…
Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía nam là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát đờn ca tài tử nhất.
Hình ảnh đờn ca tài tử trên Google Doodle. |
Đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc được diễn tấu đơn giản, thường là tự những người nông dân trong cùng một cộng đồng tập trung lại chơi cùng nhau trong một nhóm, như một thú vui sau những ngày làm việc căng thẳng, cho nên không câu nệ về trang phục hay địa điểm trình diễn. Chỉ khi nào trình diễn ở đình, miếu, những người thực hành nghệ thuật đờn ca tài tử mới mặc trang phục trình diễn, thường là trang phục cổ truyền của người dân Nam Bộ.
Đờn ca tài tử mặc dù được trình diễn trong điều kiện đơn giản, tuy nhiên những người hát và chơi nhạc cũng phải qua một thời gian dài luyện tập, thực hành mới có thể thành thạo.
Ngày 5-12-2013, đờn ca tài tử được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tranh minh họa đờn ca tài tử trên Google Doodle do họa sĩ Camelia Pham vẽ. Google Doodle là hình ảnh mang tính biểu tượng, nhằm kỷ niệm hoặc tôn vinh một sự kiện nào đó trên trang chủ của Google, thường lấy theo lễ kỷ niệm hoặc sự kiện văn hóa của nước mang tên miền.
Google Doodle từng tôn vinh nhiều sự kiện văn hóa, nghệ sĩ, danh nhân tại Việt Nam như Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, nghệ thuật ca trù, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh...
Theo nhandan.vn