.

Rèn con ý thức nơi công cộng

Cập nhật: 08:28, 04/12/2023 (GMT+7)

“Trẻ con có biết gì đâu!” là câu nói quen thuộc mà nhiều phụ huynh dùng để bênh vực cho hành động phá phách, ngỗ ngược của con trẻ nơi công cộng. Việc nuông chiều, dung túng, bao che con trẻ vô hình trung để lại hậu quả không tốt trong quá trình hình thành nhân cách và sự trưởng thành của các bé.

Hư vì được dung túng

Chuyến đi chơi Vũng Tàu của nhà chị Nhung (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) đang vui bỗng rơi xuống nốt trầm. Cả nhà ai cũng bực bội vì nhóm gia đình ngồi ở bàn ăn cạnh bên không chịu trông chừng hai đứa trẻ chừng 5-7 tuổi, cứ luôn tay luôn chân quậy phá.

Trong khi phụ huynh mải mê tám chuyện, bấm điện thoại thì tụi nhỏ rượt nhau quanh các bàn, có lúc lấy đũa gõ chén, dĩa, lúc lại đổ nước xuống sàn, rồi bốc đậu phộng ném nhau, trúng cả những người ngồi bàn xung quanh. Khi người lớn các bàn bên lên tiếng nhắc, mẹ hai đứa trẻ la một hai câu rồi lại bỏ mặc con tiếp tục quậy phá.

Chuyện gì tới cũng tới. Khi anh nhân viên quán bưng dĩa mì xào hải sản cho khách thì cùng lúc hai đứa nhỏ đang rượt nhau quanh bàn nhào ra đụng phải. Tiếng động lớn của dĩa đồ ăn rơi trên nền gạch khiến nhiều thực khách chú ý. Ba mẹ hai đứa trẻ vội chạy lại kéo con mình về bàn, không quên la mắng trách cứ nhân viên quán vụng về, bưng bê đồ ăn mà không chú ý trẻ nhỏ, nếu lỡ làm đau, phỏng con của họ thì có đền nổi không?

Chị phụ huynh gay gắt: “Tụi nó là trẻ con, không hiểu chuyện, người lớn phải biết dòm ngó trước sau, né tụi nó chứ...”. Sự dung túng cho những đứa trẻ khiến ai thấy cũng ngao ngán lắc đầu.

a
Đọc sách cùng con

Trong một tình huống khác, ở một cửa hàng bánh ngọt, mọi người xếp hàng chờ thanh toán thì một bé trai cỡ 10 tuổi cứ chen ngang. Nhiều khách thấy trẻ nhỏ chen hàng, đi qua đi lại, cứ nghĩ nó đùa nghịch nên nhường khoảng trống. Thế nhưng, khi có được chỗ, đứa bé lại kiếm chuyện đẩy một cô bé khác đứng gần bên khiến bé loạng choạng té. Khi bị cha cô bé la rầy, cảnh cáo, cậu bé không những không sợ còn trừng mắt lại, tay giơ nắm đấm về phía cô bé. Bất đắc dĩ, cha cô bé lên tiếng thì mẹ cậu bé đứng gần đó đáp trả: “Cháu nó còn nhỏ, chả hiểu chuyện. Con anh cũng có bị gì đâu mà ầm ĩ”...

Rèn dạy ý thức giao tiếp

Hàng ngày, ngoài giờ ăn uống, học tập, vui chơi của nhóc Bin, chị Phượng (ở quận 10, TPHCM) thường dành nhiều thời gian bên con để trao đổi, hỏi han chuyện học, bạn bè, trường lớp. Đặc biệt, chị rất chú trọng chỉ dạy cho con những kiến thức thực tế cần thiết giúp bé Bin có thêm sự hiểu biết và mối quan tâm cơ bản trong đời sống xã hội bên ngoài gia đình.

Kiến thức từ những tình huống giả định, hoặc chị và bé đã thấy, bắt gặp đâu đó trong thực tiễn, ít nhiều đều giúp mở mang sự hiểu biết của bé. Qua những trao đổi, chia sẻ, chỉ dạy của mẹ, Bin hiểu thêm cách cư xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội, cách xử lý các tình huống xung quanh. Bin cũng tự tin chia sẻ những suy nghĩ, đưa ra cách làm, cách giải quyết mà bé dự tính sẽ thực hiện khi gặp phải một số tình huống, hay sự việc diễn ra ở nơi công cộng… Chị Phượng lắng nghe quan điểm của con, cái nào đúng chị đồng tình, cái nào chưa được, chị góp ý.

Ý thức xã hội của mỗi người luôn được rèn dũa và thể hiện từ những hành động rất nhỏ trong cuộc sống. Ở đó có sự lễ phép của người trẻ đối với người lớn tuổi, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ cây xanh, môi trường, không xả rác nơi công cộng; khi đến chỗ đông cần giữ trật tự, không chạy nhảy quậy phá, cười nói giỡn hớt ồn ào; khi cần thì phải xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy; tuân thủ luật giao thông; không tham của rơi; biết nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ người gặp khó khăn…

Với con trẻ, từ môi trường tiếp xúc nhỏ trong gia đình đến không gian giao tiếp xã hội luôn có rất nhiều vấn đề cần người lớn chỉ dạy, bổ sung kiến thức, để trẻ hiểu biết, tự rèn luyện bản thân, biết cách ứng xử đúng đắn, hiểu điều nên làm và điều gì không nên, từng bước xây dựng sự trưởng thành trong tư duy, hình thành ý thức chuẩn khi tham gia vào hoạt động cộng đồng, lúc đến nơi công cộng.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.