.

Nhớ mãi kỷ niệm chụp hình ngày tết

Cập nhật: 14:10, 08/02/2024 (GMT+7)

Chụp ảnh ngày Tết là ghi lại khoảnh khắc sum vầy, trong ảnh, ai cũng tạo dáng ở tư thế đẹp nhất, cười tươi nhất, bên cành mai vàng rực rỡ, bên người thân yêu của ngày đầu năm... Ngày nay khi nhìn lại những bức ảnh đã cũ, sắc ảnh đã mờ nhưng mỗi lần xem lại là thấy Tết tươi đẹp, rộn ràng và đầy màu sắc lại hiện về, khiến mỗi người chúng ta nhớ nao lòng về những cái Tết xưa với hương vị giản dị mà gần gũi.

Ngày đó, khoảng cuối thập niên 60, máy ảnh còn là một vật xa xỉ như vô tuyến (ti vi), tủ lạnh…, chỉ những người “khá giả” mới sắm được. Nhà ngoại tôi ở vàm sông, cạnh trường trung học thị trấn. Cửa sông bát ngát, không khí khoáng đạt, cảnh ghe xuồng tấp nập, thu hút khách thập phương.

Chiều cuối tuần, xe hơi, xe vespa của những gia đình giàu có từ Sài Gòn, Mỹ Tho về hay ra đây hóng mát, mua trái cây, chụp ảnh. Thấy có người cầm máy chụp hình, bấm tách tách là đám con nít rần rần chạy theo coi mấy bà, mấy cô mặc áo quần sang trọng đứng ở bến tàu, hay đi dọc theo hàng phượng vĩ trước cổng trường làm duyên, làm dáng chụp ảnh.

Thời thơ ấu, thị trấn nơi tôi ở là một miền quê “ven thành cạnh thị”, nhà cửa, phố chợ đông đúc nhưng chỉ vỏn vẹn 2 hiệu ảnh: Minh Châu và Nghệ Thuật. Có câu vè mà tôi không biết ai đặt mà tụi con nít hay nghêu ngao: “Minh Châu kêu đâu cũng chụp, Nghệ Thực (Thuật) phải vực mới đi” vì tiệm Minh Châu hay cho thợ đi chụp ở các đám tiệc, còn ông Hai Nghệ Thuật chỉ những chỗ thân tình ông mới xách máy tới.

Hồi đó, nhu cầu chụp hình không nhiều như bây giờ, thường là những dịp tiệc tùng, cưới hỏi, giỗ chạp, hay đầy tháng, thôi nôi…, hoặc người ta tới tiệm chỉ để chụp ảnh  4x6 hay 3x4 dán thẻ. Vào mùa khai giảng, tiệm chụp hình lúc nào cũng đông đúc học trò.

Tôi còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên đi chụp ảnh gắn thẻ học sinh, hồi hộp nhất là lúc chui vô tấm ri đô quay tròn, người thợ loay hoay bên cái máy ảnh đặt trên đế cao, chỉ chiếc ghế đối diện, ra lệnh: Ngồi xuống đó. Rồi anh tới bên cẩn thận sửa lại đầu, tóc cho ngay ngắn, kêu tôi ngó thẳng vô máy, ngắm kỹ càng mới bấm cái tách.

Xong rồi, ra ngoài lấy biên nhận bên chiếc bàn giấy gần cửa ra vào, bà chủ tiệm thu tiền và đưa cho tôi tờ giấy ghi nguệch ngoạc ngày tháng, kiểu ảnh và căn dặn: 2 ngày nữa tới lấy hình, nhớ đem biên nhận theo.

Ngày nhận ảnh, bà lấy từ ngăn kéo một xấp bọc giấy, lật xoành xoạch rồi rút ra đưa tôi một cái. Bà còn kêu giở ra coi có phải đúng hình của mình không vì cũng có lần tiệm giao nhầm ảnh, người chụp phải tới đổi lại.

Tôi rút trong bọc ra 4 tấm ảnh trắng đen, cùng tấm phim nhựa. Thật kỳ diệu, đúng là tôi với tóc cắt bum bê và nốt ruồi đen dưới càm. Bà chủ nói: Giữ kỹ tấm phim, khi nào cần thêm hình thì đem ra đây rửa, khỏi phải chụp lại.

Sau này khi qua hết bậc tiểu học, lên trung học, dịp lãnh thưởng, dịp tất niên cuối năm, tôi cùng mấy đứa bạn thân hay rủ nhau đi chụp hình lưu niệm. Nhưng vui nhất vẫn là ngày tết được dắt đi chụp hình. Trong những ngày tất bật phụ dọn dẹp nhà cửa, thường bắt đầu từ lúc đưa Ông Táo về Trời, đám con nít đã được hứa hẹn: Ráng làm giỏi, tết cho đi chụp hình.

Đối với tôi, đi chụp hình cũng là một háo hức, đợi chờ và hấp dẫn không kém các loại kẹo, mứt, tiền lì xì… Mỗi khi có dịp theo người lớn ra chợ mua sắm tết, đi ngang qua hiệu ảnh, tôi luôn bị hút mắt bởi những dãy bông đỏ, cam, hồng, vàng, cành lá biếc xanh được trang hoàng rực rỡ, những cây thông giáng sinh, cành mai, cành đào gắn kim tuyến, đèn màu lấp lánh.

Chờ đợi rồi cũng tới ngày được bận đồ mới đi chụp ảnh,  thường là vào mùng 1, ngày đầu năm được nghỉ ngơi, vui chơi sau chuỗi dài tất bật đón tết. Sáng sớm, sau khi đã nấu cơm cúng ông bà, mỗi đứa được ăn khoanh bánh tét mỡ với thịt kho, dưa giá; bà ngoại nói ăn cho chắc bụng, lấy sức mà đi chơi. Chúng tôi được thay đồ mới, chải tóc gọn gàng; con nít thì thắt bím, cột nơ; mấy dì mấy chị thì cày ruy băng, gắn kẹp hình cánh bướm, bông hoa trên mái tóc.

Vì là ngày tết, có đông người tới chụp hình nên phải đợi, con nít lăng xăng chạy tới chạy lui ngấm nghía những bông hoa, sờ cây ngũ quả lủng lẳng chùm trái bằng nhựa mà y như thiệt. Ở tiệm Nghệ Thuật còn treo nhiều tranh, ảnh phong cảnh rất đẹp.

Mỗi đứa được 1 kiểu chụp riêng, đứng cạnh bông hoa, hay tranh ảnh tùy thích, tưng bừng lựa chọn; cuối cùng là một kiểu chụp chung đứng quây quần bên cành mai vàng thật đẹp. Niềm vui tết như còn được kéo dài khi chúng tôi ngắm nhìn những bức hình chụp ngày đầu năm. Ở góc trái sau tấm ảnh, dì Oanh còn cẩn thận ghi: Mùng 1 năm Quý Sửu, trước khi gắn vào cuốn album và cuốn album tết của gia đình cứ dày theo qua các năm.

Bây giờ, chụp ảnh đã thành công việc phổ thông, không cần máy ảnh, không phải tới tiệm chụp hình, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có thể bấm hàng trăm kiểu. Ảnh được lưu giữ trong các file, ngập tràn trên Zalo, Facebook, trên Google photo, không cần rửa ảnh.

Tết này đi dạo chợ hoa, nhìn các em nhỏ, điện thoại cầm tay thi nhau bấm chụp, tôi chợt da diết nhớ cảnh rồng rắn kéo nhau tới tiệm chụp hình xưa, nhớ cảm giác hồi hợp, vui mừng khi lần giở từng tấm ảnh, ngắm hình bóng mình được ghi lại trung thực từ khóe miệng, bờ môi, nụ cười, ánh mắt…

THU TRANG

 

.
.
.