.

Cảm hứng lãng mạn trong thơ Vũ Tuấn

Cập nhật: 09:58, 25/03/2024 (GMT+7)

Từ tập thơ “Giai điệu phù sa” đến “Mật ngữ đồi thông kim” và mới đây là “Ngày kim cương” là biết bao sự thay đổi trong phong cách thơ của Nhà thơ Vũ Tuấn. Đặc biệt những bài thơ viết về tình yêu, về sự lãng mạn trước khung cảnh thiên nhiên khiến cho độc giả yêu thơ khâm phục với ngôn từ mà tác giả sử dụng trong tác phẩm.

Nhà thơ Vũ Tuấn (tên thật Võ Văn Tuấn), sinh năm 1972, tại xã Mỹ Hội, huyện Cái  Bè. 18 tuổi, anh khoác ba lô lên đường nhập ngũ, ước mơ sáng tác vẫn len lỏi trong tâm hồn người chiến sĩ trẻ. Sau khi rời quân ngũ, anh có điều kiện sáng tác và thường xuyên có thơ đăng trên các tập san Văn hóa, Tạp chí Văn nghệ trong và ngoài tỉnh.

Theo nhà lý luận phê bình Võ Tấn Cường: “Gần đây, tác giả Vũ Tuấn có nhiều bài thơ mang tính suy tưởng, mở rộng chiều kích tư duy và bộc lộ cảm thức trong việc khám phá, khắc họa tính đa diện, đa chiều sự bí ẩn của con người, sự vật trong thế giới thực tại”.

Thơ Vũ Tuấn còn mang tính cảm hứng lãng mạn thể hiện ở giọng điệu khi mềm mại, thiết tha, lúc mạnh mẽ và gây được ấn tượng của cái đẹp. Bút pháp lãng mạn thể hiện trước tiên ở sự tương phản vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống nơi miền Tây Nguyên.

Thiên nhiên trong bài thơ “Mật ngữ đồi thông kim” là thiên nhiên tươi đẹp, có đồi, có gió, có hoa hồng… Vũ Tuấn đã chú ý lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu nhất, ẩn chứa linh hồn của miền đất này. Bút pháp tô đậm trong diễn đạt càng tạo nên bức tranh thiên nhiên có bố cục hài hòa, có cảnh sắc thơ mộng và hấp dẫn trong một mối tình đầy lãng mạn.

“... Em đón anh bằng một đóa hồng kiêu sa
Gió quyến rũ những sườn đồi trẻ trung
Mây trải lòng gọi chúng mình tìm đến
Giữa lưng chừng thương mến
Ta nép vào nhau khăng khít như trang vở học trò
 Ép những cánh bướm ướp lời thề mê hoặc...”

Với Vũ Tuấn dường như tình nơi xứ lạnh làm con người lắng nghe lòng mình thổn thức. Chàng trai vùng đồng bằng Nam bộ khi lên Tây Nguyên, bắt gặp “dã quỳ ngút ngát sườn đồi” đã vội “lặng thầm chưng cất khoảng trời tháng giêng”.

Hai câu thơ đầu trong bài thơ “Tình xuân cao nguyên” như một cảm nhận rất đỗi bình dị nhưng đã khiến người đọc hình dung được vùng đất mà tác giả vừa đặt chân đến. Hai câu thơ tiếp theo gợi tả lên một khung cảnh tuyệt đẹp vào mỗi chiều trên cao nguyên. Sự tinh tế của ngôn từ và cảm xúc khiến cho vần thơ trở nên trữ tình, tuyệt đẹp:

Nhà thơ Vũ Tuấn (bên phải) trong buổi ra mắt tập thơ “Ngày kim cương”.
Nhà thơ Vũ Tuấn (bên phải) trong buổi ra mắt tập thơ “Ngày kim cương”.

Chiều hồng chiều tím chiều nghiêng
Ngàn hoa hàm tiếu choàng đêm dậy thì

Một loạt từ ngữ mang tính chất liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh cao nguyên vào buổi chiều. “Chiều hồng chiều tím chiều nghiêng” là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về vùng đất lạnh:

Băng rừng vượt thác đi tìm
Chung chiêng hoa nhụy một đêm dã quỳ

Với hai động từ “băng”, “vượt” kết hợp với phép so sánh ẩn dụ độc đáo khiến cho bức tranh Tây Nguyên với hoa dã quỳ trở nên giàu chất tạo hình và giàu đường nét. Cũng mượn hình ảnh hoa dã quỳ, trong bài thơ “Khát tình muốn hóa thành chim”, nhà thơ Vũ Tuấn nhìn hoa dã quỳ khoe sắc vàng trong khung cảnh núi đồi thơ mộng, và đâu đó tiếng thầm thì của người tình trong tai mang đậm chất liêu trai:

Vàng chi hoa hỡi dã quỳ
Núi đồi thơ mộng thầm thì tiếng em

Mượn hình ảnh hoa dã quỳ, núi đồi thơ mộng làm chi tiết để chuyển tiếp rất tự nhiên đầy cảm xúc, khao khát được gần gũi nhau. Trong kho tàng ca dao cũng có nhiều bài thơ dùng công thức “Ước gì…” thể hiện ước muốn “hóa thân” để luôn được cận kề người yêu thương. Chẳng hạn:

- Ước gì anh hóa ra chăn
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
- Ước gì anh hóa ra hoa
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.

Nhưng với Vũ Tuấn lại khác. Có thể nói, hiếm có bài thơ  nào bộc bạch một tình yêu sâu kín, tha thiết mà cũng đầy khao khát nhưng bộc trực như hai câu kết của Vũ Tuấn trong bài thơ “Khát tình muốn hóa thành chim”:

Khát tình muốn hóa cánh chim
Bứt tung lồng chật đi tìm trời xanh

Không chỉ lãng mạn với Tây Nguyên, chàng trai vùng đồng bằng Nam bộ Vũ Tuấn cũng say đắm khi đứng trước biển miền Trung. Thông thường, biển - một hình ảnh ẩn dụ biểu tượng cho người con trai, nhưng với Vũ Tuấn lại có cái nhìn khác được thể hiện ngay từ 4 câu thơ đầu của bài thơ “Biển”:

Biển nồng nàn khêu gợi
Biển cuồng nhiệt gọi mời
Có phải em là biển
Anh suốt đời chơi vơi.

Giữa cuộc đời thênh thang và bất tận, không biết bao nhiêu lần biển đã vỗ về những gã thất tình lang thang trong những hoàng hôn vắng lặng, để rồi “Anh trầm mình xuống biển/ Cho ngấm đầy đam mê”. Từng cơn sóng biển cuốn vào bờ tựa những từng dòng kỷ niệm ùa về “Dẫu cài van thương nhớ/ Cứ sôi trào không yên”.

Tác giả như gửi gắm tình cảm vào những con sóng, thả nhẹ tâm tư vào cơn gió biển dịu mát cùng những dòng thơ trữ tình chất chứa đầy cảm xúc. Đối với Nhà thơ Vũ Tuấn, hình như tình yêu lúc nào cũng mới như buổi ban đầu, cũng mong manh như một cánh hoa “dễ vỡ” và anh luôn hồi hộp, lo lắng.

Đọc thơ của Vũ Tuấn trong những năm qua, có thể nói tác giả viết thơ không theo một lối nhất định, không nghiêm ngặt về văn phong, không nặng nề về cú pháp, nhưng mỗi bài đều ngân nga một giai điệu riêng, rất dễ đi vào lòng người đọc.

Nếu như trong thơ của Vũ Tuấn lãng mạn, si tình thì ngoài đời anh lại là một người đàn ông bình dị, chân chất nhưng cũng rất tài hoa. Hiện nhà thơ Vũ Tuấn  là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, từng 6 lần đoạt giải thưởng thơ về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức.

Năm 2022, Nhà thơ Vũ Tuấn đoạt Giải B thơ trong Cuộc thi Sáng tác văn học nghệ thuật đề tài “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Gần đây nhất, Vũ Tuấn đoạt giải Nhì Cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức năm 2023. Nhà thơ Vũ Tuấn còn được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam”.

QUANG HUY

.
.
.